Giải pháp phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

.

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định. Đến nay, tính liên kết phát triển kinh tế vùng đang dần định hình, trong đó, thành phố Đà Nẵng khẳng định vai trò hạt nhân. Tuy nhiên, cần sớm có giải pháp khắc phục những hạn chế của vùng, phát triển đúng hướng, trở thành vùng động lực, đầu tàu kinh tế mạnh, có sức lan tỏa lớn cho cả vùng Bắc Trung bộ, Duyên hải miền Trung và cả nước.

Không gian đô thị thành phố Đà Nẵng được mở rộng về phía nam tạo tính liên kết phát triển với tỉnh Quảng Nam. Trong ảnh: Khu vực đô thị ven tuyến sông Cổ Cò nhìn từ trên cao. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Không gian đô thị thành phố Đà Nẵng được mở rộng về phía nam tạo tính liên kết phát triển với tỉnh Quảng Nam. TRONG ẢNH: Khu vực đô thị ven tuyến sông Cổ Cò nhìn từ trên cao. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Bài 1: Nhiều tín hiệu khởi sắc

Dọc dài theo dải đất miền Trung đang bật lên “luồng năng lượng” phát triển mới với sự đánh thức tiềm năng phát triển du lịch; tạo điểm đến thu hút đầu tư về sản xuất công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, hóa dầu, logistics. Từ đây, trục kinh tế mới nổi ở miền Trung đang hình thành.

Phát triển liên kết vùng

Ngày 24-11-2015, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (KTTĐMT) được thành lập theo Quyết định số 2059/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gồm Chủ tịch UBND 5 tỉnh, thành phố trong vùng.

Theo đó, chủ tịch hội đồng vùng được bầu luân phiên trong 5 tỉnh, thành phố thuộc vùng đã tạo cơ sở pháp lý để thực hiện sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương và giữa các chính quyền địa phương trong vùng KTTĐMT bảo đảm tính thống nhất trong xây dựng và thực thi chính sách quốc gia.

Mục tiêu của Chính phủ là xây dựng vùng KTTĐMT trở thành khu vực phát triển năng động với tốc độ nhanh và bền vững, là vùng động lực phát triển cho toàn vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh vùng Tây Nguyên, khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam và Hành lang kinh tế Đông - Tây.

Những năm qua, với sự hỗ trợ của các cấp, ngành ở Trung ương, cấp ủy chính quyền trong vùng đã tập trung cho nhiệm vụ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ đó, việc xây dựng cơ chế phối hợp, chính sách liên kết, điều phối giữa các địa phương trong vùng và các vùng khác được xác định là một giải pháp quan trọng. Báo cáo ngày 30-6-2022 của Trung tâm phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương Đảng) cho biết, trong giai đoạn 2001-2019, tốc độ tăng GRDP bình quân toàn vùng luôn được duy trì ở mức tăng trưởng cao (10,25%/năm).

Giai đoạn 2011-2019, tốc độ tăng trưởng có sự sụt giảm đáng kể so với thời kỳ trước (8,14%), song vẫn cao hơn mức tăng trưởng trung bình chung của cả nước (6,2%/năm). Các địa phương nội vùng duy trì được mức tăng trưởng cao, cụ thể, thành phố Đà Nẵng có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất vùng, bình quân 12,05%/năm; tiếp đến là Quảng Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,58%/năm.

Riêng tỉnh Quảng Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài là nhờ vào vai trò quan trọng của Khu kinh tế mở Chu Lai, trong đó Khu phức hợp ô-tô Chu Lai Trường Hải đã góp phần phát triển ngành công nghiệp cơ khí ô-tô Việt Nam, tạo ra một số sản phẩm công nghiệp có giá trị lớn, có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tỉnh Quảng Ngãi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong thời kỳ dài (11,19%/năm), nhờ vào đóng góp của Nhà máy lọc dầu Dung Quất từ năm 2009. Tỉnh Bình Định có tốc độ tăng trưởng khoảng 8,73%/năm.

Tính liên kết trong phát triển vùng thể hiện ở chỗ các địa phương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, tổ chức thực hiện liên kết phát triển tiểu vùng và vùng theo 6 lĩnh vực trọng tâm.

Cụ thể như phối hợp trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch; xây dựng các cơ chế, chính sách phát triển; phối hợp trong đầu tư phát triển; phối hợp với các bộ, ngành và địa phương trong vùng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, huy động vốn đầu tư từ nước ngoài (vốn FDI, ODA), huy động vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước tham gia đầu tư tại các địa phương trong vùng; đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.

Các tỉnh, thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị và các cuộc họp giao ban để đánh giá thực trạng, bàn các giải pháp về liên kết phát triển vùng. Theo đó, một số hội nghị, hội thảo được thực hiện theo các chủ đề: “Liên kết xây dựng hệ thống và Trung tâm logistics tại vùng KTTĐMT”; “Liên kết phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp vùng KTTĐMT”; “Giao ban vùng KTTĐMT và hội nghị phát triển du lịch miền Trung và Tây Nguyên năm 2019”...

Hội đồng vùng đã tổ chức luân phiên các cuộc họp tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế và đã ban hành một số nghị quyết, kế hoạch liên kết phát triển vùng cho từng giai đoạn nhằm thực hiện tốt vai trò phối hợp các địa phương trong vùng KTTĐMT.

Việc quy hoạch phát triển đô thị giúp bảo đảm hạ tầng để phát triển kinh tế- xã hội thành phố, thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong ảnh: Một góc đô thị Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Việc quy hoạch phát triển đô thị giúp bảo đảm hạ tầng để phát triển kinh tế- xã hội thành phố, thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. TRONG ẢNH: Một góc đô thị Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Đà Nẵng phát huy vai trò hạt nhân trong phát triển vùng

Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 16-8-2004 và Kết luận số 25-KL/TW ngày 2-8-2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ mới vừa thực hiện đánh giá kết quả thực hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Qua thực hiện nghị quyết, thành phố Đà Nẵng đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực công tác. Qua đây cũng đánh giá sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong vùng KTTĐMT.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, thời gian qua, kinh tế thành phố duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Môi trường đầu tư thông thoáng, hoạt động đối ngoại được mở rộng, các chỉ số về tính hấp dẫn, tính cạnh tranh địa phương, chỉ số phát triển con người luôn duy trì trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị có tốc độ tăng trưởng cao trong cả nước với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2005-2021 là 7,66%/năm; quy mô GRDP tính đến năm 2021 ước đạt 105.000 tỷ đồng.

Theo Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, Đảng bộ thành phố đã bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 39-NQ/TW và Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị. “Với nhiều cách làm đột phá và sáng tạo, thành phố đã đạt được những kết quả toàn diện, bộ mặt của Đà Nẵng đã hoàn toàn thay đổi.

Đà Nẵng đã trở thành thành phố năng động, đáng sống, một cực tăng trưởng và trung tâm của vùng KTTĐMT. Những thành tựu, kết quả đạt được cho thấy Nghị quyết số 39-NQ/TW đã thực sự đi vào cuộc sống ở Đà Nẵng. Điều này còn thể hiện sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của thành phố, nhất là trong việc xác định đúng các tiềm năng, lợi thế và huy động các nguồn lực để phát huy các tiềm năng, lợi thế đó”, ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, một trong những kết quả nổi bật và thành công của Đà Nẵng là đã chủ động quán triệt, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW gắn với cụ thể hóa Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Kết luận số 75-KL/TW ngày 12-11-2013 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX.

Đồng thời, hiện nay thành phố đang triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Thực tế, từ năm 2011, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên khởi xướng việc liên kết, hợp tác phát triển giữa các địa phương trong vùng KTTĐMT mà Đà Nẵng là thành viên sáng lập mô hình liên kết hợp tác, phát triển các tỉnh, thành phố trong vùng theo hình thức tự nguyện đã được nhiều địa phương trong vùng ủng hộ và được các cơ quan Trung ương ghi nhận, đánh giá cao.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.