Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định đô thị Đà Nẵng được tổ chức thành 2 vành đai phát triển kinh tế và 12 phân khu chức năng. Qua triển khai quy hoạch các phân khu chức năng tạo sức hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Quy hoạch phân khu đô thị tạo động lực và dư địa thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. TRONG ẢNH: Khu vực phân khu ven sông Hàn và bờ đông. Ảnh: TRIỆU TÙNG |
Nhận diện các phân khu đô thị Đà Nẵng
Hai vành đai kinh tế gồm: vành đai phía bắc là vành đai “công nghiệp công nghệ cao và cảng biển - logistics”; vành đai phía nam là vành đai “đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Đặc biệt, đô thị Đà Nẵng hình thành 12 phân khu chức năng. Cụ thể, “phân khu ven sông Hàn và bờ đông” bao gồm khu vực dọc hai bên bờ sông Hàn, sông Cổ Cò và bờ đông giới hạn bởi vịnh Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà phía bắc, đường Lê Độ - Nguyễn Hữu Thọ - Võ Chí Công - sông Cổ Cò (nhánh phía tây Đồng Nò) phía tây và tỉnh Quảng Nam phía nam và Biển Đông ở phía đông.
“Phân khu ven vịnh Đà Nẵng” bao gồm khu vực ven vịnh Đà Nẵng, là một phần quận Thanh Khê, quận Liên Chiểu. “Phân khu cảng biển Liên Chiểu” bao gồm một phần phường Hòa Hiệp Bắc, một phần xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang dọc theo sông Cu Đê; phía đông giáp vịnh Đà Nẵng; phía nam giáp sông Cu Đê; phía bắc và phía tây giáp phân khu sinh thái phía tây. “Phân khu công nghệ cao” bao gồm một phần quận Liên Chiểu có các phường Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Nam; một phần huyện Hòa Vang.
“Phân khu trung tâm lõi xanh” được giới hạn bởi quốc lộ 14B phía nam, đường tránh nam Hải Vân phía tây, đường ĐT602, đường vành đai phía tây 2 và đường Tôn Đức Thắng phía bắc, đường Trường Chinh phía đông.
“Phân khu đổi mới sáng tạo” được giới hạn bởi quốc lộ 14B phía bắc; cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, quốc lộ 1A ở phía tây; đường Võ Chí Công ở phía đông; tỉnh Quảng Nam phía nam. “Phân khu sân bay” được tập trung quanh sân bay quốc tế Đà Nẵng. “Phân khu đô thị sườn đồi” giới hạn bởi phía bắc là đường ĐT602; phía đông là đường tránh nam Hải Vân; phía nam tiếp giáp một phần với quốc lộ 14G và một phần với đường Bà Nà - suối Mơ; một phần huyện Hòa Vang.
“Phân khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” thuộc phía tây nam thành phố, dọc theo tuyến vành đai phía tây, gồm một phần huyện Hòa Vang. “Phân khu sinh thái phía đông” bao gồm huyện Hoàng Sa, bán đảo Sơn Trà. “Phân khu sinh thái phía tây” là toàn bộ vùng núi phía bắc và phía tây thành phố từ dãy núi Bạch Mã - Hải Vân và hòn Chảo (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) qua các xã thuộc huyện Hòa Vang. “Phân khu dự trữ phát triển” giới hạn bởi phía bắc tiếp giáp một phần với tuyến đường Bà Nà - Suối Mơ, tuyến đường quy hoạch mới, quốc lộ 14G, sông Cẩm Lệ; phía nam tiếp giáp tỉnh Quảng Nam; phía đông tiếp giáp quốc lộ 1A.
Triển khai Quyết định số 359/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 111/KH-UBND ngày 10-6-2021 triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch phân khu và các nhiệm vụ liên quan. Trong đó, ngoài tổ chức lập quy hoạch phân khu còn bổ sung 6 tiểu dự án quy hoạch phân khu: phân khu phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu); phân khu Khe Răm (huyện Hòa Vang); đình và chân núi Bà Nà; khu vực hồ Đồng Nghệ; khu vực sông Bắc; dọc tuyến quốc lộ 1G.
Bản đồ Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |
Thu hút nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội
Sở Xây dựng cho biết, ngay trong năm 2022 sẽ hoàn thành phê duyệt 9 quy hoạch phân khu, qua đó tác động đến thu hút nguồn lực đầu tư từ các dự án phát triển đô thị. Cụ thể, gồm phân khu Đô thị sườn đồi, Đô thị huyện lỵ Hòa Vang, khu Cảng biển Liên Chiểu, khu Đổi mới sáng tạo và khu Công nghệ cao (không bao gồm phần diện tích để triển khai dự án Khu Công nghệ cao Đà Nẵng); phân khu trung tâm lõi xanh, sân bay, ven vịnh Đà Nẵng, ven sông Hàn và bờ đông. Để đẩy nhanh tiến độ triển khai quy hoạch phân khu, ngày 14-7-2022, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 35/2022/NQ-HĐND, phân cấp cho UBND thành phố thẩm quyền nhiệm vụ quy hoạch và điều chỉnh phân khu xây dựng.
Bên cạnh việc ấn định mốc thời gian hoàn thiện cụ thể từng quy hoạch phân khu, UBND thành phố cũng ban hành danh mục thu hút các dự án đầu tư vào các phân khu đô thị. Theo đó, phân khu cảng biển Liên Chiểu kêu gọi đầu tư nhiều dự án logistics với dự án 2 bến cảng (1 bến hàng container, 1 bến hàng tổng hợp) có diện tích 45ha, chiều dài bến: 750m; trung tâm logistics cảng Liên Chiểu quy mô đến 35ha; trung tâm logistics ga hàng hóa Kim Liên quy mô 5ha.
Tại phân khu Sườn đồi, thành phố kêu gọi đầu tư dự án khu tổ hợp đô thị thông minh - phi thuế quan trên diện tích 850ha. Tại phân khu Đổi mới sáng tạo phía nam, thành phố kêu gọi đầu tư dự án không gian sáng tạo Hòa Xuân rộng hơn 17,2 ha bao gồm khu công viên phần mềm hơn 99.000m2, khu dịch vụ liên kết và kết hợp nhà ở hơn 73.000m2.
Tương tự, tại phân khu Công nghệ cao Đà Nẵng kêu gọi đầu tư dự án Trung tâm dữ liệu và tổ hợp văn phòng, khu trưng bày triển lãm công nghệ thông tin rộng hơn 8,7ha, gồm 4 tòa nhà tổ hợp văn phòng kết hợp Data center cao 26 tầng (suất đầu tư từ 10-15 triệu USD/ha). Các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ hàng không vũ trụ (suất đầu tư: 15 triệu USD/ha trở lên); dự án thuộc lĩnh vực công nghệ thiết kế, chế tạo robot (suất đầu tư từ 8-15 triệu USD/ha); dự án sản xuất chip, cảm biến sinh học suất đầu tư từ 10-15 triệu USD/ha).
Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng Huỳnh Liên Phương cho biết, thời gian qua, nhiều nhà đầu tư rất quan tâm đến việc triển khai quy hoạch 12 phân khu. Tại mỗi quy hoạch phân khu sẽ gắn liền với loạt dự án lớn, tạo ra nhiều động lực và dư địa phát triển cho Đà Nẵng. Hoạt động thu hút đầu tư hiện chững lại cũng một phần do phụ thuộc tiến độ lập quy hoạch phân khu đô thị, bởi quy hoạch phân khu có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để các dự án đi vào quy hoạch chi tiết. Khi có quy hoạch phân khu xong sẽ xác định ranh giới rõ ràng các dự án này, nhà đầu tư có thể đề xuất thực hiện quy hoạch 1/500 để tiến đến đấu giá sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
TRIỆU TÙNG