Doanh nghiệp chủ động tiết kiệm điện

.

Bước vào cao điểm nắng nóng, trong khi miền Bắc đang căng thẳng tình hình thiếu điện thì hiện tại Đà Nẵng vẫn bảo đảm cấp điện cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trước khuyến cáo của ngành điện, các khách hàng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố vừa chủ động các giải pháp tiết kiệm điện vừa bảo đảm yêu cầu sản xuất.

Doanh nghiệp chủ động triển khai giải pháp tiết kiệm điện. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ.  Ảnh: M.Q
Doanh nghiệp chủ động triển khai giải pháp tiết kiệm điện. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ. Ảnh: M.Q

Chủ động nhiều giải pháp tiết kiệm điện

Theo Quyết định số 1480/QĐ-TTg ngày 29-11-2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm năm 2021, Đà Nẵng có 51 đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm từ 500 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên (1.000 kWh = 0,1543 TOE), đơn cử như: Công ty CP Cao su Đà Nẵng tiêu thụ 10.729 TOE, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ tiêu thụ 5.230 TOE; Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu tiêu thụ 4.939 TOE...

Ngoài ra, thành phố có hàng trăm đơn vị tiêu thụ điện lớn khác với mức năng lượng mỗi năm từ 200 TOE trở lên, trong đó hầu hết là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và công trình xây dựng. Với lượng điện năng tiêu thụ trên, trung bình mỗi cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm phải chi trả chi phí điện từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng mỗi tháng.

Tiết kiệm điện là yêu cầu cấp thiết được Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ quán triệt cho toàn thể nhân viên doanh nghiệp. Ông Nguyễn Ngọc Bình, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ thông tin, dự kiến điện năng mua ngoài năm 2023 của doanh nghiệp là 31,5 triệu kWh (4.860,5 TOE), tương đương 52 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty tự sản xuất điện từ năng lượng mặt trời áp mái gần 2,57 triệu kWh (tương đương 397 TOE).

Để tiết kiệm năng lượng, doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các giải pháp như: tắt thiết bị điện khi không cần sử dụng, sử dụng xen kẽ máy nén khí ngoài giờ cao điểm và thay tủ điều khiển, bổ sung biến hệ thống điều không nhà máy sợi 1… Công ty cũng lên kế hoạch bổ sung các thiết bị hiện đại nhằm tiết kiệm điện, gồm máy cắt vải tự động IMA, máy trải vải tự động BMO và máy ghép sợi Rieter D50... Các giải pháp này giúp giảm hơn 10% lượng điện thụ.

Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu đã và đang triển khai các giải pháp tiết kiệm điện như: thay thế tất cả các đèn huỳnh quang sợi đốt bằng đèn led tiết kiệm điện, tham gia đánh giá chứng nhận hệ thống quản lý năng lượng ISO 50001:2018; phối hợp với Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ Đà Nẵng) kiểm tra sử dụng năng lượng tại công ty có thất thoát hay không để có biện pháp phù hợp...

Trong khi đó, Công ty TNHH Daiwa Việt Nam đang sử dụng hệ thống nước tuần hoàn để hạ nhiệt độ trong nhà máy xuống khoảng 3-4 độ, tiết kiệm điện năng tiêu thụ từ điều hòa và quạt máy. Qua tìm hiểu, các công ty cho biết đã ký thỏa thuận với Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng (PC Đà Nẵng) điều chỉnh phụ tải điện, giảm tải điện năng tiêu thụ trong mùa cao điểm sử dụng điện như hiện nay.

Ông Thái Ngọc Trung, Phó trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp cho biết, đơn vị đã ban hành kế hoạch tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, các cơ sở sản xuất kinh doanh tích cực hưởng ứng phong trào sử dụng điện, nước tiết kiệm, hiệu quả bằng các hành động cụ thể như thay đổi thói quen, hình thành ý thức trách nhiệm.

Bên cạnh đó, ban quản lý phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng các hướng dẫn, đề án về điện mặt trời tại các khu công nghiệp, đi đôi với các cơ chế hỗ trợ nhằm chuyển đổi theo mô hình khu công nghiệp sinh thái, hướng tới tiết kiệm năng lượng hiệu quả.

Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu. Ảnh: M.Q
Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu. Ảnh: M.Q

Bảo đảm các phương án cấp điện trong mọi tình huống

Theo PC Đà Nẵng, vừa qua, đơn vị làm việc với các khách hàng lớn tiêu thụ nhiều điện như Công ty CP Cao su Đà Nẵng, Công ty CP Thép Đà Nẵng... tham gia thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải điện (Demand Response - DR). Đến nay, PC Đà Nẵng ký thỏa thuận điều chỉnh phụ tải điện DR với 117 khách hàng.

Việc tăng cường phối hợp điều chỉnh phụ tải là một giải pháp cần giúp nâng cao hiệu quả sử dụng điện, góp phần giảm công suất cực đại giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm áp lực cho ngành điện. Khi thực hiện ký thỏa thuận tham gia chương trình, doanh nghiệp cũng được hưởng nhiều lợi ích như: giảm chi phí tiền điện do chuyển một phần công suất sử dụng từ giờ cao điểm sang thấp điểm; tối ưu hóa dây chuyền sản xuất.

Ông Lê Hoàng Anh Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) cho biết, để bảo đảm nguồn điện chất lượng, an toàn, liên tục phục vụ khách hàng trong mùa nắng nóng 2023, EVNCPC yêu cầu các công ty điện lực thành viên triển khai các phương án để chủ động cấp điện trong mọi tình huống, trong đó lưu ý: chuẩn bị các phương án điều hòa phụ tải, lưu ý ưu tiên cấp tải các khách hàng sử dụng điện quan trọng năm 2023 được UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt; rà soát các hệ thống sa thải khẩn cấp, sa thải tần số thấp; cập nhật phương án khởi động đen các nhà máy thủy điện nhỏ đấu nối lưới điện trung áp (nếu có) và phương án khôi phục hệ thống điện phân phối thuộc quyền điều khiển.

Khi có công tác sửa chữa, bảo dưỡng, thi công các công trình lưới điện, các công ty điện lực rà soát kỹ phương án tổ chức thi công để bố trí thời gian cắt điện phù hợp và bảo đảm trả lưới, khôi phục cấp điện theo đúng thời gian thông báo, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng trả lưới trễ, gây bức xúc cho khách hàng; hạn chế tối đa gián đoạn cung cấp điện khi sửa chữa, bảo dưỡng, thi công các công trình lưới điện bằng cách áp dụng công nghệ sửa chữa điện nóng và có giải pháp cấp điện dự phòng phù hợp; giám sát thường xuyên và xử lý san tải kịp thời các trường hợp quá tải đường dây, trạm biến áp phụ tải, aptomat hạ thế... do phụ tải tăng cao đột biến trong các ngày nắng nóng để vận hành an toàn thiết bị.

Hiện nay, miền Trung chưa thiếu điện và cắt điện là bởi nguồn điện của EVNCPC được nhận từ hệ thống điện quốc gia và các nhà máy thủy điện nhỏ dưới 30 MW, hệ thống điện mặt trời mái nhà trên địa bàn bảo đảm cung ứng.

Từ giữa tháng 5 đến nay, khu vực thành phố Đà Nẵng đã không còn phải thực hiện tiết giảm công suất, sản lượng mà chỉ triển khai thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 7-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo; Công văn số 2576/UBND-SCT ngày 19-5-2023 của UBND thành phố về việc tăng cường thực hiện tiết kiệm điện mùa nắng nóng và cả năm 2023. Các phụ tải trên địa bàn thành phố được cung cấp điện bảo đảm an toàn, tin cậy, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

DUYÊN ANH - MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.