Không có phép màu cho thỏa thuận Brexit

.

Quốc hội Anh đã đặt dấu chấm hết cho thỏa thuận Brexit khi lần thứ hai bỏ phiếu chống (391 phiếu chống và 242 phiếu thuận). Vấn đề tiếp theo là các nghị sĩ có ủng hộ việc Anh rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có thỏa thuận và có nên gia hạn thời điểm rời “mái nhà chung” hay không.

Phiên bỏ phiếu về dự thảo thỏa thuận Brexit tại Hạ viện Anh ngày 12-3.  Ảnh: THX
Phiên bỏ phiếu về dự thảo thỏa thuận Brexit tại Hạ viện Anh ngày 12-3. Ảnh: THX

Hai cuộc bỏ phiếu vào đêm 15-1 và 12-3 đánh dấu thất bại nặng nề và liên tiếp của Thủ tướng Anh Theresa May. Những nỗ lực ngoại giao không mệt mỏi của nhà lãnh đạo này không mang lại phép màu nào để đảo ngược tình thế và cứu thỏa thuận Brexit mà bà đã đạt được với EU vào cuối tháng 11-2018. Theo đó, thỏa thuận được cho là đã “chết yểu”, mặc dù ngay trước thềm bỏ phiếu tại Hạ viện Anh, châu Âu chấp nhận đưa ra cam kết về điều khoản “rào chắn” (backstop) rằng sẽ không để Vương quốc Anh bị kẹt vĩnh viễn trong liên minh thuế quan châu Âu. Nhiều kịch bản đang được đặt ra: nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới có thể rời EU mà không có thỏa thuận; gia hạn thời điểm Anh rời EU thay cho ngày 29-3; Thủ tướng May có thể tổ chức bầu cử sớm hoặc nỗ lực để Quốc hội thông qua thỏa thuận lần thứ ba; tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần hai về Brexit.

Tối 13-3 (giờ London), Hạ viện Anh tiến hành bỏ phiếu mang tính không ràng buộc về việc có chấp nhận một Brexit không thỏa thuận hay không. Nếu các nghị sĩ chọn phương án này, Anh sẽ rời EU theo đúng kế hoạch vào ngày 29-3. Trong trường hợp ngược lại, các nghị sĩ sẽ tiếp tục bỏ phiếu vào ngày 14-3 về việc có gia hạn thời điểm rời EU hay không và trì hoãn bao lâu… Tuy nhiên, nếu trì hoãn thời điểm Brexit, Anh sẽ phải giải thích “hợp lý và đáng tin cậy” để được sự chấp thuận của toàn bộ 27 thành viên còn lại trong khối. Còn nếu Anh rời EU mà không có thỏa thuận, hệ quả kéo theo là sự hỗn loạn về thị trường, gián đoạn nguồn cung, trong khi “cú sốc kinh tế” là điều mà cả chính phủ lẫn các doanh nghiệp rất lo ngại.

Thủ tướng May bày tỏ tiếc nuối sâu sắc về quyết định của Hạ viện và cho rằng, việc bỏ phiếu rời EU trong tình trạng có hay không có thỏa thuận cũng như gia hạn thêm thời gian không thể giải quyết tất cả các vấn đề. “EU sẽ muốn biết chúng ta muốn gia hạn để làm gì và Hạ viện cần phải trả lời câu hỏi đó”, bà May nói. Trong bài phát biểu trước đó, nữ Thủ tướng cảnh báo, nếu dự thảo lần này không được thông qua, nước Anh có thể không bao giờ rời khỏi EU.

Theo Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU - ông Michel Barnier, nếu Anh vẫn muốn rời “mái nhà chung” một cách có trật tự, thỏa thuận nói trên là khả thi duy nhất và khối gồm 27 thành viên còn lại đã sẵn sàng với viễn cảnh Brexit không thỏa thuận.

Chính phủ Anh khẳng định, trong trường hợp không có thỏa thuận, nước này sẽ bỏ thuế nhập khẩu đối với một loạt hàng hóa. Theo đó, 87% tổng kim ngạch nhập khẩu của Anh có đủ điều kiện hưởng lợi không đóng thuế, tăng so với mức 80% hiện nay. Chính phủ Anh cũng sẽ tránh “biên giới cứng”, nghĩa là không có bất kỳ hoạt động kiểm tra hay kiểm soát nào đối với hàng hóa từ Cộng hòa Ireland (thuộc EU) đến vùng Bắc Ireland (thuộc Anh) nhưng đây chỉ là kế hoạch tạm thời và đơn phương.

Chủ tịch Công đảng đối lập, ông Jeremy Corbyn, chỉ trích Thủ tướng May là cố tình kéo dài thời gian cho thỏa thuận Brexit. Song, ông Corbyn kêu gọi loại bỏ phương án “Brexit không thỏa thuận” và muốn nước Anh tổ chức trưng cầu dân ý lần hai.

Tương lai nước Anh vẫn bấp bênh khi Brexit tiếp tục bế tắc ngay trước thời điểm phải rời “mái nhà chung”. Điều đáng nói là quyền lực của Thủ tướng May càng suy yếu đáng kể mặc dù bà khẳng định sẽ không từ chức. Báo The Independent của Anh cho rằng, bà May vẫn ở nhà số 10 phố Downing nhưng dường như không còn nắm quyền; quyền lực đang được chuyển từ chính phủ sang quốc hội. Nhiều thành viên đảng Bảo thủ giờ đây cũng muốn bà May từ nhiệm. “Tôi nghĩ, chúng tôi cần một thủ tướng mới và một cuộc tổng tuyển cử”, nghị sĩ Andrew Bridgen thuộc đảng Bảo thủ nói với đài BBC.

Đêm 13-3, Hạ viện Anh bỏ phiếu về việc có chấp nhận một Brexit không thỏa thuận hay không. Nếu chọn phương án này, các nghị sĩ sẽ tiếp tục bỏ phiếu vào ngày 14-3 để chọn có gia hạn thời điểm Brexit không. Nếu kết quả là “không”, nước Anh sẽ quay lại phương án rời EU mà không có thỏa thuận. Nếu kết quả là “có”, chính phủ Anh sẽ phải đề xuất với EU về gia hạn thời điểm kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon.

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.