Mỹ liên tiếp có những động thái gia tăng sự hiện diện ở vùng Vịnh nhằm trấn an các đồng minh tại khu vực này.
Quân đội Mỹ tuần tra ở tỉnh Hasakeh, phía bắc Syria, trước khi rút khỏi khu vực này. Ảnh: AFP/Getty Images |
Xung đột ở eo biển Hormuz khiến Mỹ phải lập liên minh Xây dựng An ninh Hàng hải Quốc tế (IMSC) nhằm bảo vệ các tàu an toàn qua lại khu vực này và ngăn chặn sự gián đoạn nguồn cung dầu mỏ. Hồi đầu tháng 11, liên minh do Mỹ dẫn đầu bắt đầu chiến dịch Sentinel đưa các tàu chiến tuần tra ở vùng biển gần Iran. Tàu thuyền được các chiến hạm trong liên minh hộ tống qua eo biển Hormuz, tuyến vận chuyển dầu mỏ quan trọng của thế giới. Mỹ khẳng định sẽ tiếp tục chiến dịch Sentinel cho đến khi nào không còn mối đe dọa nào nữa. Theo hãng Reuters, IMSC hiện có sự tham gia của Albania, Úc, Bahrain, Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Anh; trong đó, Albania là thành viên mới nhất.
Tuần trước, tàu sân bay Abraham Lincoln và nhóm tác chiến đi qua eo biển Hormuz mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào. Hãng AFP dẫn lời các chuyên gia và quan chức Mỹ cho rằng, Washington muốn bảo đảm sự hiện diện quân sự ở Trung Đông nhằm trấn an các đồng minh, vốn lo lắng về chính sách “đầy biến động” của Tổng thống Donald Trump.
Tháng 10 vừa qua, trên Twitter, ông Trump viết: “Tiến vào Trung Đông là quyết định tồi tệ nhất từng được đưa ra trong lịch sử đất nước chúng ta. Chúng ta đã lao vào cuộc chiến theo một tiền đề về vũ khí hủy diệt hàng loạt và hiện tiền đề này đã được chứng minh là sai lầm”. Song, cũng từ tháng 10, quân đội Mỹ lại càng gia tăng sự hiện diện ở Trung Đông, nơi cường quốc này có các lợi ích chiến lược quan trọng. Mỹ đã tiến hành các cuộc tập trận quy mô lớn, điều động thêm binh sĩ và khí tài, lập IMSC và đặt trụ sở ở Bahrain…
Hãng AFP dẫn lời GS. Andreas Krieg tại Trường đại học King ở London (Anh) cho rằng, việc tàu Abraham Lincoln xuất hiện ở vùng Vịnh là một phần minh chứng cho nỗ lực của Mỹ trong việc trấn an các đồng minh vịnh Arab.
Hơn 7 thập niên qua, Mỹ đóng vai trò quan trọng ở Trung Đông, là người bảo vệ cho các quốc gia vùng Vịnh chống lại những mối đe dọa từ bên ngoài, nhất là từ Iran. Song, việc Mỹ rút 1.000 binh sĩ khỏi đông bắc Syria, mở cửa cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd, vốn là đồng minh của Washington trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khiến các đồng minh đứng ngồi không yên. Đó là chưa kể Mỹ bị chỉ trích không đáp trả các hành động khiêu khích của Iran sau khi xảy ra các vụ tấn công vào các tàu chở dầu, một máy bay không người lái Mỹ bị bắn hạ và vụ tấn công hai cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia.
Giới quan sát nhận định, dù Pháp- đồng minh châu Âu của Mỹ chỉ trích Washington đang “dần rút lui một cách có tính toán” khỏi Trung Đông, nhưng cường quốc hàng đầu thế giới vẫn có 60.000 binh sĩ ở khu vực này. Trong đó, Bahrain là nơi Hạm đội 5 của Hải quân Mỹ đồn trú với khoảng 7.800 binh sĩ. Từ đầu năm nay, trong chuyến công du 10 quốc gia Trung Đông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cam kết “sự khởi đầu mới” thực sự trong quan hệ với các nước ở khu vực “chảo lửa”. Lúc đó, GS. Stephen Walt tại Đại học Harvard (Mỹ) nhận định, Washington sẽ không rời khỏi Trung Đông. Giờ đây, nhà phân tích về an ninh Aleksandar Mitreski cũng nói với hãng AFP rằng, chắc chắn Mỹ sẽ không rời vùng Vịnh; ngay cả khi chính sách của Tổng thống Trump vốn đã tách an ninh vùng Vịnh ra khỏi chương trình hạt nhân của Iran, thì vẫn bảo đảm sự hiện diện của Washington ở khu vực.
BÌNH YÊN