Trump sáng 6-12 nhận tin vui khi thị trường lao động tháng 11 đón thêm 266.000 việc làm mới và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất từ năm 1969.
Thông tin này đến chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ra lệnh cho các ủy ban của Hạ viện bắt đầu soạn thảo các điều khoản luận tội ông.
Như nắm được cơ hội vàng, Trump lập tức dùng tin vui mới nhận làm "vũ khí" chống trả đòn tấn công mới nhất từ đảng Dân chủ. "Nếu không có những thứ khủng khiếp mà phe cánh tả cực đoan và phe Dân chủ gây ra, thị trường chứng khoán và nền kinh tế thậm chí còn có thể tốt hơn", ông viết trên Twitter. "Và biên giới sẽ đóng trước tội ác ma túy, băng đảng cùng tất cả những vấn đề khác! #2020".
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một buổi vận động tranh cử ở Lexington, Kentucky ngày 4-11. Ảnh: Reuters. |
Khi chỉ còn 11 tháng nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống 2020, các cử tri Mỹ đang băn khoăn đứng giữa hai lựa chọn nên bỏ phiếu cho Trump để tiếp tục hưởng những thành quả kinh tế ông mang lại hay chọn một ứng viên khác ít lùm xùm hơn và không "lạm dụng quyền lực", giống như cách Hạ viện Mỹ đang cáo buộc Trump.
Chiến dịch tranh cử của Trump đang đặt cược rằng việc ông kiên quyết phủ nhận gây áp lực lên Tổng thống Ukraine để buộc nước này điều tra cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden và con trai Hunter cuối cùng sẽ đủ sức thuyết phục các cử tri gạt cuộc điều tra luận tội sang một bên. Joe Biden được cho là đối thủ số một cạnh tranh với Trump trên đường đua vào Nhà Trắng.
"Tổng thống Trump đã có một cuộc điện đàm hoàn toàn bình thường với Tổng thống Ukraine và không ảnh hưởng tới cuộc sống bình thường của bất kỳ ai", Brad Parsclale, quản lý chiến dịch tranh cử cho Trump, nói. "Một công việc tốt với thu nhập lớn thì có ảnh hưởng".
Cách tiếp cận này của Trump và các trợ lý trong chiến dịch tranh cử dựa hoàn toàn vào niềm tin rằng một nền kinh tế tốt là tất cả những gì cử tri cần để họ giữ mọi thứ ở nguyên trạng hơn là tìm kiếm sự thay đổi.
"Nếu không phải vì những yếu tố khác trong nhiệm kỳ, Trump đến nay lẽ ra là tổng thống được lòng cử tri nhất trong lịch sử, dựa trên các kết quả kinh tế", Tony Fratto, người sáng lập tổ chức tư vấn Hamilton Place Strategies, nhận định.
Dù nền kinh tế đất nước khởi sắc, tỷ lệ tín nhiệm trên toàn quốc của Trump vẫn ở mức thấp, giảm hai điểm phần trăm, xuống còn 41% kể từ sau bê bối liên quan đến Ukraine được công bố.
Một vấn đề đối với thông điệp tranh cử của Trump là thực tế, nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu cải thiện từ trước cả khi ông lên nắm quyền, vì thế không ít cử tri cho rằng ông hiển nhiên sẽ đạt được những kết quả như hiện nay nhờ chính sách của người tiền nhiệm Obama.
"Hiện tại, cử tri có thể nghĩ rằng đây chỉ là một nền kinh tế bình thường, do đó, họ sẽ tập trung vào những thứ khác, chẳng hạn như cách hành xử của Tổng thống", Fratto nói.
Mặt khác, dù Trump thường xuyên ca ngợi các thành tựu kinh tế mình đạt được, ông lại tỏ ra say mê hơn khi đả kích đảng Dân chủ về cuộc điều tra luận tội hay chỉ trích các tin tức, thay vì thảo luận về thị trường chứng khoán hay tỷ lệ thất nghiệp. Những bình luận không mang tính xây dựng Trump truyền đi đang làm lu mờ các thành tựu kinh tế của ông, giới chuyên gia đánh giá.
Tại Nhà Trắng hôm 6-12, Trump tuyên bố bằng giọng đều đều rằng tỷ lệ thất nghiệp của nước Mỹ "đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm" và ông tin nó sẽ nhanh chóng "trở thành mức thấp nhất lịch sử".
Tổng thống Mỹ chỉ trở nên sôi nổi hơn khi bàn về việc rút lại các tiêu chuẩn năng lượng đối với bóng đèn. "Bóng đèn mới đắt hơn trước nhiều lần và tôi ghét phải nói điều này nhưng nó khiến bạn trông không đẹp. Tất nhiên, vẻ ngoài sáng sủa là điều vô cùng quan trọng đối với tôi", Trump nói.
Cách Trump lái các cuộc trò chuyện khỏi vấn đề kinh tế đang gây thất vọng cho những thành viên đảng Cộng hòa và giới lãnh đạo doanh nghiệp, trong bối cảnh nước Mỹ đang tận hưởng sức mạnh nhờ nền kinh tế phát triển kỷ lục trong vòng 11 năm qua. Các công ty đã tuyển 2,2 triệu người 12 tháng qua, con số rất đáng khích lệ ở thời điểm tỷ lệ thất nghiệp đạt mức 3,5%, thấp nhất trong nửa thế kỷ qua.
Nhưng câu hỏi đặt ra là tốc độ tăng trưởng này sẽ được giữ vững trong bao lâu nữa. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp và làm chậm quá trình đầu tư của họ. Sản xuất sụt giảm khi tăng trưởng toàn cầu yếu và những căng thẳng địa chính trị đè nặng lên ngành xuất khẩu.
Các cố vấn kinh tế của Trump luôn nhận thức được rằng họ cần giữ cho nền kinh tế tiếp tục hoạt động tốt, ít nhất là tới khi ông tái đắc cử.
"Nước Mỹ đang làm việc và không chỉ làm việc, nước Mỹ còn được nhận thêm tiền sau khi đánh thuế", Larry Kudlow, cố vấn kinh tế hàng đầu của Trump, nói. "Tôi chưa nhìn thấy điểm kết thúc nào. Thứ tôi nhìn thấy chỉ là sức mạnh".
Các quan chức chính quyền đang tìm cách để đảm bảo tốc độ tăng trưởng nền kinh tế, bao gồm cả biện pháp cắt giảm thuế nhắm trực tiếp vào tầng lớp trung lưu. Nhà Trắng chưa thông báo khung thu nhập nào sẽ được hưởng mức thuế thấp hơn, nhưng Trump có thể sẽ ủng hộ một kế hoạch cắt giảm vĩnh viễn thuế thu nhập cá nhân theo gói biện pháp thuế ông ký hồi năm 2017. Những khoản cắt giảm này dự kiến hết hạn vào năm 2025.
Trump không ít lần lập luận rằng việc cắt giảm thuế bổ sung là lý do cử tri nên bầu cho ông và các ứng viên khác thuộc đảng Cộng hòa, cảnh báo nền kinh tế và các tài khoản hưu trí sẽ "chìm nghỉm" nếu đảng Dân chủ kiểm soát được Nhà Trắng.
"Nếu bất kỳ ai trong số những người mà tôi đã theo dõi trên sân khấu này được bầu thì quỹ hưu trí 401(k) sẽ đổ sông đổ bể", Trump hồi tháng 10 tuyên bố trước các cử tri. "Các bạn sẽ hủy hoại đất nước".
Tại những buổi vận động tranh cử và trong các bài diễn văn, Trump thường xuyên nói với người ủng hộ rằng "các bạn không có lựa chọn nào khác ngoài bầu cho tôi", viện dẫn những hậu quả kinh tế khủng khiếp nếu bất kỳ ứng viên đảng Dân chủ nào được bầu.
Đến nay, nền kinh tế đang đi đúng hướng với thông điệp tái tranh cử của Trump. Thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 3,1% trong năm nay, tính đến tháng 11. Đây là một tốc độ vừa phải nhưng bền vững. Mức lương tăng giúp người tiêu dùng có nhiều tiền chi tiêu hơn, từ ăn uống ở nhà hàng tới mua sắm cho kỳ lễ, qua đó tiếp thêm động lực cho nền kinh tế.
Một nền kinh tế phát triển mạnh mẽ còn giúp Trump đẩy lùi các đòn phản công từ phe Dân chủ nói rằng họ có thể làm tốt hơn ông. Nhưng đòn tấn công của phe Dân chủ đang được mài sắc nhờ cuộc điều tra luận tội nhằm vào Trump.
"Hiến pháp đã nêu rõ ràng rằng không ai đứng trên pháp luật", thượng nghị sĩ Dân chủ bang Massachusetts Elizabeth Warren nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn mới đây với kênh MSNBC. "Tôi hy vọng chúng ta có thể khiến ông ấy phải chịu trách nhiệm".
Dù không có cơn bão luận tội, chưa rõ nền kinh tế sẽ tiếp tục song hành với thông điệp tranh cử của Trump trong bao lâu nữa.
Trump tuần qua nói rằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc có khả năng kéo dài tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, khiến thị trường chứng khoán toàn cầu chao đảo. Mức thuế bổ sung với hàng hóa Trung Quốc sẽ có hiệu lực từ ngày 15-12 và đến nay cũng chưa rõ nó có được hoãn lại hay không. Tăng trưởng toàn cầu vẫn mong manh. Nhiều nhà kinh tế dự đoán nó sẽ tăng tốc vào năm 2020, nhưng mọi kỳ vọng có thể sụp đổ nếu chiến tranh thương mại leo thang.
"Chúng ta thực sự không thể dự đoán được năm sau sẽ ra sao với những yếu tố địa chính trị như hiện nay", Ernie Tedeschi, nhà kinh tế học tại viện nghiên cứu Evercore ISI, bình luận.
Song bất kể tương lai ra sao, hiện tại, Trump vẫn ôm hy vọng rằng thông điệp kinh tế của ông sẽ lấn át bão luận tội. "Thị trường chứng khoán tăng kỷ lục", Trump ngày 6-12 tweet. "Đây mới là kinh tế, lũ ngốc".
Theo vnexpress.net