Thành phố New York, vùng tâm dịch Covid-19 của Mỹ, bắt đầu mở cửa một phần hoạt động từ ngày 8-6 (giờ địa phương) sau đúng 100 ngày kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên tại đây.
Các cửa hàng bán lẻ ở thành phố New York mở cửa trở lại. Ảnh: Getty Images |
Hãng AFP cho biết, thành phố New York bước vào “giai đoạn 1” mở cửa, bắt đầu trở lại không khí nhộn nhịp như thời điểm trước khi xảy ra đại dịch. Khoảng 400.000 người lao động đến làm việc tại 32.000 công trường xây dựng. Các công ty sản xuất và các cửa hàng bán lẻ cũng mở cửa. Nhiều người ra khỏi nhà và sử dụng các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm, xe buýt.
Tính đến nay, thành phố New York có hơn 205.000 ca nhiễm, trong đó có gần 22.000 ca tử vong. Phát biểu tại cuộc họp báo ở khu Brooklyn Navy Yard, Thị trưởng New York Bill de Blasio nói rằng, thật khó khăn để “thành phố không bao giờ ngủ” trở lại hoạt động thường nhật bởi “chúng ta là tâm chấn của đại dịch”.
Theo ông Bill de Blasio, ngày 8-6, tỷ lệ ca nhiễm tại New York giảm xuống dưới 3%, thấp hơn mức cho phép 15% để mở cửa trở lại. Ông Bill de Blasio thúc giục tất cả người lao động mang khẩu trang, duy trì khoảng cách khi tiếp xúc và rửa tay thường xuyên để giảm khả năng lây nhiễm, nhất là những người dùng phương tiện công cộng. Vị Thị trưởng New York cũng khẳng định sẽ theo dõi sát sao và cẩn trọng về khả năng lây lan dịch bệnh sau khi hàng nghìn người biểu tình, trong đó nhiều người không mang khẩu trang, tràn xuống đường phố New York tuần hành chống nạn phân biệt chủng tộc sau cái chết của công dân da màu George Floyd. Đáng nói là tình trạng hôi của xảy ra khiến an ninh ở New York bất ổn cùng nỗi lo làn sóng thứ hai của dịch bệnh bùng phát. Nếu không xảy ra tình trạng lây nhiễm từ những cuộc biểu tình này, việc mở cửa có thể được tiếp tục; thậm chí chính quyền còn cho phép người dân đến các tiệm làm tóc, nhà hàng và các cơ sở kinh doanh khác.
Hãng Reuters dẫn lời Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nhấn mạnh, những khu vực khác của bang New York đã bước vào giai đoạn mở cửa nhưng số ca nhiễm mới không tăng phần lớn nhờ các biện pháp hạn chế, chẳng hạn chỉ cho phép nhà hàng phục vụ khách ngoài trời và các nhà bán lẻ chỉ được bán hàng bên ngoài cửa hàng. Theo ông Cuomo, nếu người dân tuân thủ các hướng dẫn của chính quyền thì sẽ không gia tăng số ca nhiễm mới. Thành phố New York là khu vực cuối cùng của bang mở cửa sau khi đáp ứng 7 tiêu chí do ông Cuomo quy định. Một số khu vực khác của bang này đã bước sang giai đoạn 2 trong lộ trình mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, thành phố New York sẽ đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông, bởi hàng triệu người vẫn chưa dám sử dụng tàu điện ngầm. Các nhà chức trách đang cân nhắc sẽ mở mới và mở rộng các tuyến xe buýt nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc.
Các quán bar tại New York sẽ hoạt động vào giai đoạn 3. Rạp chiếu phim và bảo tàng sẽ mở cửa trong giai đoạn 4, có thể vào cuối tháng 7.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca nhiễm vẫn tăng kỷ lục trên toàn cầu. Ngày 8-6 (giờ Geneva, Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, thế giới có 136.000 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, mức nhiều nhất trong một ngày, nâng tổng số ca nhiễm lên 7,1 triệu người và có 406.000 ca tử vong. Khoảng 75% số ca nhiễm mới tập trung chủ yếu ở 10 quốc gia, hầu hết tại khu vực châu Mỹ và Nam Á. “Mặc dù tình hình ở châu Âu đang được cải thiện nhưng toàn cầu đang xấu đi”, hãng AFP dẫn lời ông Tedros nói.
Thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết, tính đến ngày 8-6 (giờ địa phương), nước Mỹ có thêm hơn 18.500 ca nhiễm và 476 ca tử vong do Covid-19. Theo đó, Mỹ có tổng cộng hơn 1,9 triệu ca nhiễm và 111.000 ca tử vong. |
PHÚC NGUYÊN