Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, đại dịch Covid-19 là “làn sóng lớn”, tốc độ lây lan không như các loại virus gây bệnh hô hấp theo mùa thông thường.
Khu mua sắm Shinsekai ở thành phố Osaka (Nhật Bản) vắng vẻ do ảnh hưởng Covid-19. Ảnh: Getty Images |
Hãng Reuters dẫn lời người phát ngôn của WHO, bà Margaret Harris, nhận định trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 28-7 (giờ địa phương) rằng, thế giới vẫn ở làn sóng đầu tiên của dịch bệnh và đây là “làn sóng lớn”. “Dịch bệnh có lúc tăng và giảm đôi chút. Điều tốt nhất là làm phẳng đường cong của dịch bệnh”, bà Harris nói.
Người phát ngôn của WHO cũng cho hay, việc SARS-CoV-2 lây lan không tồn tại theo mùa, không giống như các loại virus gây bệnh hô hấp theo mùa thông thường. Việc nhận định tốc độ lan truyền SARS-CoV-2 sẽ yếu bớt trong mùa hè là không có cơ sở khoa học bởi thực tế đã chứng minh loại virus này không chịu ảnh hưởng của thời tiết mùa hè. Bà Harris một lần nữa kêu gọi mọi người tiếp tục cảnh giác, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tránh tụ tập đông người nhằm đề phòng sự lây lan của loại virus chết người này.
Châu Âu siết chặt quy định phòng, chống dịch
Theo CNN, châu Âu đã trải qua đỉnh dịch trong thời gian gần đây và đợt bùng phát mới lần này tại Đức, Pháp, Tây Ban Nha là làn sóng thứ hai. Tại Đức, trong 7 ngày qua, giới chức y tế ghi nhận thêm trung bình 557 ca nhiễm mới/ngày, tăng so với 350 ca/ngày hồi đầu tháng 6. Hiện Đức có hơn 206.900 ca nhiễm, trong đó có 9.100 ca tử vong.
Người đứng đầu Viện Robert Koch - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức, ông Lothar Wieler, yêu cầu người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, duy trì giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Bộ Ngoại giao Đức cũng khuyến cáo công dân nước này không đi du lịch tới 3 vùng ở miền bắc Tây Ban Nha - nơi đang ứng phó với làn sóng thứ hai của dịch bệnh. Ngoài ra, từ tuần này, Đức thiết lập các cơ sở xét nghiệm mới tại các sân bay.
Pháp cũng khuyến cáo công dân không tới vùng Catalonia của Tây Ban Nha để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh. Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran nói rằng, không thể giảm các biện pháp chống dịch khi đương đầu với một cuộc chiến lâu dài và việc tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội là điều quan trọng, nhằm tránh phải áp đặt lệnh phong tỏa trở lại. “Chúng ta không đối mặt với làn sóng thứ hai, dịch bệnh vẫn tiếp diễn. Một số người không chấp hành các quy định”, Bộ trưởng Veran phát biểu với đài truyền hình LCI.
Theo AFP, ở Tây Ban Nha, chính phủ cũng bắt đầu siết chặt các quy định về phòng chống dịch khi ghi nhận 905 ca nhiễm mới trong ngày 28-7. Tây Ban Nha hiện có hơn 327.000 ca mắc bệnh và gần 28.500 người tử vong.
Nga sẽ sớm có vắc-xin phòng, chống Covid-19
Hiện thế giới chưa có loại vắc-xin hay thuốc có thể phòng ngừa và điều trị bệnh nhân Covid-19. Song, hãng CNN dẫn lời các quan chức Nga cho hay, nước này sẽ có vắc-xin phòng, chống Covid-19 được phê duyệt và đưa vào sử dụng từ ngày 10-8, hoặc có thể sớm hơn. Vắc-xin này do Viện Gamaleya có trụ sở ở Moscow nghiên cứu, phát triển.
Như vậy, Nga có thể là quốc gia đầu tiên có vắc-xin phòng, chống Covid-19. Theo Reuters, giới chức Nga ngày 29-7 ghi nhận thêm hơn 5.400 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 829.900 ca, cao thứ tư trên thế giới. Xứ sở bạch dương hiện có hơn 13.600 ca tử vong, bao gồm 169 ca tử vong mới.
Trong khi đó, chính phủ Anh vừa ký thỏa thuận mua khoảng 60 triệu liều vắcxin Covid-19 do hai tập đoàn dược phẩm Sanofi và GlaxoSmithKline nghiên cứu và phát triển.
Tại Mỹ, Công ty công nghệ sinh học Moderna có thể sẽ đưa vắc-xin phòng, chống Covid-19 vào sử dụng cuối năm 2020. Moderna dự kiến sản xuất từ 500 triệu tới 1 tỷ liều vắc-xin mỗi năm kể từ năm 2021. Công ty này bắt đầu quá trình thử nghiệm lâm sàng đối với 30.000 tình nguyện viên và đây là quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối ở quy mô lớn đầu tiên thuộc chương trình của chính phủ Mỹ nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển các biện pháp chống Covid-19. Hiện số ca nhiễm mới và tử vong ở Mỹ vẫn tăng cao.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, tính đến sáng 29-7 (giờ Việt Nam), trong 24 giờ qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 60.000 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn gần 4,5 triệu ca. Số ca tử vong mới gần 1.600 ca, nâng tổng số ca tử vong lên hơn 148.400 ca.
Ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia cũng nhận được khoảng 2.400 đơn vị vắc-xin Sinovac của Trung Quốc để đưa vào thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Trên cơ sở đó, Công ty dược phẩm Biofarma của Indonesia dự kiến bắt tay vào sản xuất vắc-xin trong quý 1-2021.
THIÊN BÌNH