Hàn Quốc thúc đẩy nối lại thượng đỉnh Mỹ - Triều

.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang thúc đẩy nối lại đối thoại Mỹ - Triều trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Song, câu hỏi đặt ra là Tổng thống Donald Trump có tập trung hướng đến một thỏa thuận với Bình Nhưỡng hay không, trong lúc ông đối mặt với nhiều vấn đề ở trong nước.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ hai lần vào năm 2018 và 2019. Hàn Quốc đang thúc đẩy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tiếp theo. Ảnh: Reuters
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ hai lần vào năm 2018 và 2019. Hàn Quốc đang thúc đẩy cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tiếp theo. Ảnh: Reuters

Hãng Reuters cho biết, tại hội nghị trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel ngày 30-6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều nếu được nối lại sẽ giúp khơi thông các cuộc đàm phán hạt nhân giữa hai nước hiện bế tắc. “Tôi tin rằng, việc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên là cần thiết trước khi diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ”, một quan chức Hàn Quốc dẫn lời ông Moon Jae-in nói.

Hãng Yonhap cũng đề cập những nỗ lực của nhà lãnh đạo Hàn Quốc thúc đẩy nối lại đối thoại Mỹ - Triều trong lúc mối quan hệ giữa Seoul và Bình Nhưỡng căng thẳng trong tháng 6 vừa qua vì vấn đề rải truyền đơn ở khu vực biên giới và Triều Tiên bất ngờ phá hủy văn phòng liên lạc liên Triều.

Ngày 2-7, Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc nhóm họp, bàn thảo về vấn đề Triều Tiên và thống nhất tiếp tục nỗ lực vì hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Seoul vẫn hướng đến xây dựng nền hòa bình dài lâu và phồn vinh trên bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp gỡ lần đầu vào tháng 6-2018 tại Singapore. Cuộc gặp lịch sử này làm gia tăng hy vọng về một thỏa thuận buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Đến hội nghị thượng đỉnh lần hai vào năm 2019 ở Việt Nam, ông Trump và ông Kim Jong-un không tìm được tiếng nói chung về dỡ bỏ cơ sở hạt nhân để đổi lấy việc hủy một số biện pháp trừng phạt.

Theo Yonhap, cuộc gặp gỡ mới giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều có thể tạo đà để đàm phán hạt nhân trở lại đúng hướng, đồng thời giúp Tổng thống Moon Jae-in thực hiện chương trình nghị sự: đạt được hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, các câu hỏi được đặt ra là: Ông Trump có thể tập trung hướng đến một thỏa thuận với ông Kim Jong-un không khi người đứng đầu Nhà Trắng đang đối mặt với những vấn đề ngổn ngang ở Mỹ, trong đó có khủng hoảng Covid-19 và cuộc bầu cử vào tháng 11. Đó cũng là lý do mà nhiều nhà quan sát cho rằng, trong lúc này, ông Trump có lẽ chỉ muốn “duy trì hiện trạng”.

Về phía Triều Tiên, nước này có thể thận trọng hơn trong việc nối lại đối thoại với Mỹ. Theo Yonhap, Bình Nhưỡng có thể chờ đợi bước tiếp cận phù hợp trong lúc các thông tin mới từ các cuộc khảo sát cho thấy cử tri Mỹ đang nghiêng về phía ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden hơn Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

GS. Nam Chang-hee về chính trị quốc tế tại Đại học Inha (Hàn Quốc) cho rằng, Tổng thống có thể nghĩ rằng, ông ấy đã có điều mà mình muốn: lệnh cấm Triều Tiên thử tên lửa tầm xa và thử hạt nhân. Vì vậy, ông Trump không vội vàng bước vào một hội nghị thượng đỉnh khác với Bình Nhưỡng. GS. Nam Chang-hee cũng nhận đinh, phía Bình Nhưỡng sẽ không nghĩ nhiều đến hội nghị thượng đỉnh bởi phải ứng phó với các khó khăn về kinh tế. “Điều kiện cho một hội nghị thượng đỉnh hiện chưa chín muồi”, GS. Nam Chang-hee nói.

Ông Moon Chung-in, Cố vấn An ninh đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc, cho rằng việc sắp xếp hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều “có lẽ không dễ dàng”. Hồi đầu tuần này, ông Stephen Biegun - Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cũng cho hay, thượng đỉnh Mỹ - Triều không thể diễn ra trước cuộc bầu cử tháng 11. Tuần tới, ông Biegun sẽ có chuyến công cán đến Hàn Quốc với sứ mệnh kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các hành động và trở lại bàn đàm phán.

Hãng Yonhap cũng dẫn lời một số nhà quan sát cho rằng, dù có những hoài nghi về triển vọng nối lại thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhưng Tổng thống Trump có thể dùng sự kiện ngoại giao lớn như vậy để giảm thiểu sự chỉ trích ở trong nước về khủng hoảng Covid-19, về sự phân biệt chủng tộc và suy thoái kinh tế.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.