Tổng cộng 172 quốc gia đang tham gia kế hoạch mang tên COVAX do Liên Hợp Quốc (LHQ) dẫn đầu nhằm bảo đảm sự tiếp cận công bằng vắc-xin ngừa Covid-19. Trong khi đó, chuyên gia Mỹ cảnh báo việc vội vàng cấp phép vắc-xin sẽ gây ra nhiều nguy cơ.
Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều dự án vắc-xin ngừa Covid-19 được nghiên cứu và phát triển. Ảnh: Reuters |
Cuộc đua tìm vắc-xin ngừa Covid-19 đã được khởi động từ đầu năm, lúc Covid-19 bùng phát toàn cầu. Song, đến khi Nga đăng ký loại vắc-xin có tên Sputnik V và sản xuất lô đầu tiên, đồng thời chuẩn bị thử nghiệm ở giai đoạn 3, thì cuộc cạnh tranh càng “nóng” hơn.
Theo hãng Reuters, trên thế giới hiện có khoảng 165 loại vắc-xin ngừa Covid-19 được nghiên cứu và phát triển, trong đó có 32 loại vắc-xin đang được thử nghiệm trên người. Song, chỉ có 7 dự án vắc-xin tiềm năng nhất, đang được thử nghiệm giai đoạn 3. Phát biểu với báo giới ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 24-8 (giờ địa phương), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, hiện có 172 quốc gia tham gia dự án mang tên COVAX do LHQ dẫn đầu nhằm bảo đảm tiếp cận công bằng vắc-xin ngừa Covid-19. Dự án giúp các nước đang phát triển giảm rủi ro và mua được vắc-xin, đồng thời bảo đảm duy trì giá vắc-xin ở mức “thấp nhất có thể” để nhiều người dân tiếp cận.
Theo người đứng đầu WHO, dự án COVAX có 9 vắc-xin tiềm năng, bảo đảm nguồn cung và phân phối khoảng 2 tỷ liều vắc-xin cho các nước đăng ký vào cuối năm 2021. Ông Ghebreyesus đã gửi thư tới tất cả các quốc gia thành viên của WHO, đề nghị những nước này tham gia nỗ lực đa phương về phát triển vắc-xin ngừa Covid-19 khi đại dịch làm hơn 23,6 triệu người nhiễm và 813.000 người tử vong.
Cũng trong ngày 24-8, Ý đã khởi động các cuộc thử nghiệm lâm sàng trên người đối với vắc-xin GRAd-COV2 ngừa Covid-19. Trong những tuần tới, Bệnh viện Lazzaro Spallanzani tại thành phố Rome chuyên điều trị các bệnh truyền nhiễm sẽ tiến hành thử nghiệm đối với 90 tình nguyện viên. Nếu việc thử nghiệm thành công, vắc-xin GRAd-COV2 sẽ có mặt ở thị trường vào cuối năm 2020.
Hãng CNN dẫn lời GS. Andrew Pollard, người đứng đầu Nhóm Vắc-xin Oxford (Anh) cho hay, loại vắc-xin mang tên ChAdOx1 nCoV-19, do Đại học Oxford và công ty dược phẩm AstraZeneca phát triển, có thể ra mắt vào cuối năm nay. Các nhà khoa học châu Âu cũng đánh giá cao ChAdOx1 nCoV-19. Ủy ban châu Âu đang tìm kiếm thỏa thuận từ nhiều hãng trên thế giới để cung ứng vắc-xin cho công dân “lục địa già” ứng phó với Covid-19.
Trong khi đó, các nhà khoa học Trung Quốc đang nghiên cứu ít nhất 8 loại vắc-xin ngừa Covid-19. Các loại vắc-xin này đã bước vào những giai đoạn thử nghiệm lâm sàng khác nhau. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, Bắc Kinh đã bắt đầu thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 cho những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh từ hồi tháng 7 như: nhân viên y tế, những người làm việc trong ngành thực phẩm, giao thông, dịch vụ…
Về phía Mỹ, chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã tốn tới 5,1 tỷ USD cho việc sản xuất vắc-xin. Moderna là công ty dược đầu tiên ở Mỹ tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 từ cuối tháng 7. Lúc đó, vắc-xin mRNA-1273 của Moderna được xem là ứng viên hàng đầu của thế giới trong cuộc đua vắc-xin ngừa Covid-19, nhưng đến nay Washington đang chậm chân hơn so với Moscow.
Vì vậy, có những đồn đoán rằng, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) có thể chịu sức ép cấp phép cho một loại vắc-xin quá sớm. Theo hãng tin Bloomberg, Nhà Trắng đang xem xét đẩy nhanh tiến trình cấp phép đối với một loại vắc-xin ngừa Covid-19 đang trong quá trình thử nghiệm do Đại học Oxford và hãng dược phẩm AstraZeneca của Anh phát triển để sử dụng tại Mỹ trước thềm bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Có khoảng 10.000 tình nguyện viên thử nghiệm, nhưng các cơ quan Mỹ yêu cầu con số này là 30.000 người.
Ngày 24-8 (giờ Washington), TS. Anthony Fauci, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ cảnh báo, việc bỏ qua những tiêu chuẩn và vội vàng cấp phép vắc-xin khi chưa chứng minh hiệu quả sẽ gây ra nhiều nguy cơ. Việc Mỹ sớm có vắc-xin ngừa Covid-19 sẽ thúc đẩy cơ hội chiến thắng cho ông Donald Trump trong cuộc bầu cử. Theo BBC, đảng Dân chủ ngoài việc liên tiếp cáo buộc vị Tổng thống đương nhiệm thất bại trong chính sách ứng phó với Covid-19, còn chỉ trích ông sẵn sàng gây nguy hiểm đến tính mạng của người Mỹ để đạt được lợi ích chính trị. Thống kê của Đại học Johns Hopkins cho hay, tính đến nay, Mỹ có hơn 5,7 triệu ca mắc Covid-19 và 177.000 ca tử vong.
BÌNH YÊN