Quốc gia thứ 3 trên thế giới vượt mốc 2 triệu ca mắc COVID-19

.

Ấn Độ đã trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới vượt mốc 2 triệu ca mắc COVID-19.

Bác sĩ và 1 bệnh nhân COVID-19 cùng tập yoga tại bệnh viện ở Ấn Độ. Ảnh: AFP.
Bác sĩ và 1 bệnh nhân COVID-19 cùng tập yoga tại bệnh viện ở Ấn Độ. Ảnh: AFP.

Dấu mốc nghiệt ngã được ghi nhận sau khi Ấn Độ tăng hơn 60.000 ca mắc những ngày gần đây. Theo Worldometers, tính đến chiều 7-8, số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đang ở mức 2.030.001, trong đó 41.673 người tử vong. "Gã khổng lồ" Nam Á đã trở thành quốc gia thứ 3 cán mốc này, sau Mỹ (hơn 5 triệu ca) và Brazil (gần 3 triệu ca).

Theo AFP, Ấn Độ ghi nhận 1 triệu ca mắc COVID-19 cách đây chỉ 3 tuần trước và dường như tỉ lệ lây nhiễm tại quốc gia đông dân thứ 2 thế giới chưa hề có dấu hiệu giảm tốc. Giới chuyên gia lo ngại con số thực tế có thể còn cao hơn trong số 1,3 tỉ dân với nhiều người sinh sống chen chúc ở những không gian chật hẹp, đông đúc vào bậc nhất thế giới.

Trong đợt dịch bùng phát trước đó, chính phủ Ấn Độ đã nhanh chóng ban bố lệnh phong tỏa lớn nhất hành tinh vào cuối tháng 3. Tuy nhiên, khi nền kinh tế lớn thứ 3 Châu Á quay cuồng vì ảnh hưởng đại dịch với hàng chục triệu lao động nhập cư mất việc sau 1 đêm, các hạn chế đã dần được nới lỏng.

Trước đây, các điểm nóng về dịch bệnh chính là các siêu đô thị New Delhi và Mumbai, nơi có những khu ổ chuột lớn nhất thế giới. Hiện giờ dịch đã tấn công mạnh mẽ các thành phố nhỏ hơn và khu vực nông thôn - nơi 70% người Ấn Độ sinh sống.

Nhiều bằng chứng cho thấy tại các khu vực này, người dân vẫn phớt lờ các hướng dẫn về giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Bên cạnh đó, những trận lũ lụt do gió mùa trong những tuần gần đây đã ảnh hưởng đến hàng triệu người cũng như gây cản trở không nhỏ tới nỗ lực ứng phó với đại dịch.

Ngoài ra, một số người nhiễm bệnh còn hứng chịu sự tẩy chay, dẫn đến sự kỳ thị về virus SARS-CoV-2 khiến nhiều người dân bỏ lỡ cơ hội được xét nghiệm.

Rajib Kumar, đại diện trung tâm y học xã hội và sức khỏe cộng đồng tại đại học Jawaharlal Nehru, Delhi, cho biết: “Một căn bệnh mới với mức độ biến chứng và tử vong tương đối cao, cùng với các quy định giãn cách xã hội chắc chắn dẫn đến nỗi sợ hãi, e ngại và kỳ thị cho nhiều người dân. Họ vừa sợ dịch bệnh vừa sợ sự cô lập và cách ly".

Theo LĐO

;
;
.
.
.
.
.