Châu Âu lại chia rẽ vì chuyện nhập cư

.

Liên minh châu Âu (EU) vừa công bố kế hoạch sửa đổi các quy định về nhập cư và tị nạn, trong đó siết chặt nghĩa vụ chia sẻ trách nhiệm giữa các nước thành viên.

Những người nhập cư chờ đợi để vào một cơ sở tị nạn tạm thời ở đảo Lesbos của Hy Lạp sau vụ hỏa hoạn tại trại tị nạn Moria hồi tháng 9-2019. Ảnh: Reuters
Những người nhập cư chờ đợi để vào một cơ sở tị nạn tạm thời ở đảo Lesbos của Hy Lạp sau vụ hỏa hoạn tại trại tị nạn Moria hồi tháng 9-2019. Ảnh: Reuters

Báo Washington Post cho hay, 5 năm sau làn sóng nhập cư lịch sử đổ vào châu Âu, “lục địa già” này đang nỗ lực hỗ trợ các nước ở tuyến đầu Địa Trung Hải như Hy Lạp và Ý, nơi những người di cư đặt chân đến đầu tiên để tìm đường vào các nước khác trong EU. Song, đề xuất lần này của Brussels lại gây chia rẽ nội khối và nhượng bộ các quốc gia theo đường lối cứng rắn chống lại việc tiếp nhận người nhập cư và tị nạn, mặc dù số người kéo đến châu Âu đã giảm 10 lần so với 5 năm trước.

Theo hãng Reuters, yếu tố gây tranh cãi là hạn ngạch phân bổ nhập cư (quota), nghĩa là Ủy ban châu Âu (EC) mỗi năm đưa ra một con số về số người nhập cư và tị nạn mà mỗi nước thành viên phải tiếp nhận, dựa trên tính toán về sức mạnh kinh tế, dân số mỗi nước. Song, EC lần này quy định chặt chẽ hơn về mức phạt đối với các nước không tuân thủ nghĩa vụ. Bên cạnh đó, EC trợ cấp cho các nước tiếp nhận người tị nạn 10.000 euro đối với mỗi người tị nạn và 12.000 euro nếu đó là trẻ vị thành niên. Những người di cư được cứu trên biển sẽ được tái định cư trong EU, thay vì trả về nơi xuất phát. Gói chính sách mới này có thể sẽ được chính thức áp dụng từ năm 2023.

Phát biểu khi công bố kế hoạch nói trên, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh: “Đây là lúc phải đối mặt với các thách thức để cùng quản lý vấn đề nhập cư”. Bà Leyen cũng thừa nhận vấn đề nhập cư rất phức tạp, hệ thống cũ với những chính sách của EU không còn hiệu quả và bị tê liệt từ nhiều năm qua. Theo bà, vụ hỏa hoạn ở trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp hồi tháng 9-2019 nhắc nhở cần có gói chính sách mới về nhập cư và tị nạn để các nước đều chia sẻ lợi ích cũng như gánh nặng.

Trại tị nạn Moria vốn có hơn 12.000 người sinh sống, nhiều gấp 4 lần sức chứa của trại. Sau vụ hỏa hoạn đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố Berlin và Pháp sẽ tiếp nhận những trẻ em di cư không còn nơi trú ẩn. Bà Merkel cho rằng, việc nhập cư là vấn đề chung, nếu các quốc gia bất đồng sâu sắc thì câu chuyện nhập cư và tị nạn vô hình trung trở thành gánh nặng cho châu Âu.

Hãng Reuters cho hay, EU hiện tiếp nhận 1,5 triệu người nước ngoài đến sinh sống hợp pháp mỗi năm, trong khi có đến 140.000 người tị nạn bất hợp pháp đổ về “lục địa già”. Năm 2015, hơn 1 triệu người di cư, trong đó hầu hết là người tị nạn chạy trốn khỏi cuộc chiến ở Syria, ùn ùn kéo đến châu Âu, châm ngòi cho một trong những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất của EU. Các nước đã tranh cãi về trách nhiệm đối với những người tị nạn đến châu Âu; đồng thời đặt vấn đề rằng, các nước EU có nghĩa vụ phải giúp đỡ các thành viên EU khác ở Địa Trung Hải như Hy Lạp, Ý và Malta vốn bị ảnh hưởng nặng nề từ dòng người tị nạn hay không.

Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Czech vốn bị chỉ trích vì không tiếp nhận số người di cư theo tỷ lệ được phân bổ. Tháng 4-2020, Tòa án Công lý Liên minh châu Âu (ECJ) ra phán quyết rằng Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Czech không chấp nhận chương trình tái phân bổ người nhập cư đã được Hội đồng châu Âu nhất trí hồi năm 2015. Cụ thể, 3 nước này không chịu chia sẻ 120.000 người xin tị nạn đã đến Ý và Hy Lạp.

Giờ đây, người phát ngôn chính phủ Hungary Zoltan Kovacs khẳng định: “Hungary không ủng hộ việc phân bổ bắt buộc”, đồng thời kêu gọi EU và các nước thành viên hợp tác để giữ dòng người nhập cư ở bên ngoài biên giới. Theo đó, các nước châu Âu sẽ không dễ dàng chấp nhận gói chính sách mới, nhất là nhóm nước luôn từ chối tiếp nhận người tị nạn chuyển đến từ nước khác. Bộ trưởng Tư pháp Hungary Varga Judit từng lý giải, hạn ngạch nhập cư đã không hợp lý ngay từ đầu và chưa bao giờ được hầu hết các quốc gia thực hiện đầy đủ.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.