Quan hệ Nhật - Hàn nồng ấm thời hậu Abe Shinzo?

.

Mối quan hệ láng giềng Nhật Bản và Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ nồng ấm hơn khi ông Suga Yoshihide làm Thủ tướng của đất nước mặt trời mọc, kế nhiệm ông Abe Shinzo.

Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo (trái) và Tổng thống Moon Jae-in khá căng thẳng. Ông Moon đã gửi thư đến tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, khẳng định sẵn sàng cải thiện quan hệ song phương. Ảnh: Reuters
Mối quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc dưới thời Thủ tướng Abe Shinzo (trái) và Tổng thống Moon Jae-in khá căng thẳng. Ông Moon đã gửi thư đến tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, khẳng định sẵn sàng cải thiện quan hệ song phương. Ảnh: Reuters

Ngay sau khi ông Suga nhậm chức Thủ tướng vào ngày 16-9-2020, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gửi thư đến nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản, khẳng định sẵn sàng ngồi lại bất kỳ lúc nào để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước.

Bất hòa kéo dài

Nhật Bản và Hàn Quốc là hai đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á nhưng có mối quan hệ không mấy nồng ấm trong nhiều năm qua. Gần như mọi xích mích đều liên quan việc bồi thường cho các lao động bị cưỡng ép và phụ nữ giải khuây trong thời gian phát xít Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945. Bất đồng này sau đó kéo sang hai lĩnh vực thương mại và quân sự.

Dưới thời ông Abe Shinzo, Nhật Bản lập luận rằng, tất cả các vấn đề bồi thường đã được giải quyết theo hiệp ước năm 1965 về bình thường hóa quan hệ song phương. Trong khi đó, theo nhiều người Hàn Quốc, họ không có lựa chọn khác vào thời điểm đó và đây là lúc Tokyo phải bồi thường.
Năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đưa ra phán quyết rằng, doanh nghiệp Nhật phải bồi thường cho lao động cưỡng bức của Hàn trong Thế chiến thứ hai.

Tháng 7-2019, Nhật Bản đột ngột thắt chặt việc xuất khẩu 3 vật liệu công nghệ cao dùng trong sản xuất chất bán dẫn và màn hình - gồm nhựa nhiệt dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (resist) và hydro florua có độ tinh khiết cao (HF) sang Hàn Quốc. Đến cuối tháng 8-2019, Nhật Bản loại Hàn Quốc ra khỏi “danh sách trắng” các quốc gia được hưởng các điều khoản thương mại ưu đãi. Seoul trả đũa bằng biện pháp tương tự, phân loại các đối tác thương mại thành 3 nhóm và Nhật Bản không còn nằm trong nhóm đầu.

Cũng trong tháng 8-2019, Hàn Quốc tuyên bố chấm dứt hiệp định chia sẻ thông tin quân sự chung (GSOMIA). Mọi thứ chỉ lắng dịu khi chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump gây sức ép hòa hoãn.
Đến tháng 6-2020, Hàn Quốc tái khởi động quy trình khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghiệp quan trọng sang nước này. Báo The Economist thậm chí gọi đây là cuộc đụng độ hiếm có giữa hai nền dân chủ “đã trưởng thành” của châu Á. Đó là chưa kể Nhật Bản và Hàn Quốc còn tranh chấp liên quan đến đảo Takeshima (phía Hàn gọi là đảo Dokdo). 

Chờ đợi ông Suga Yoshihide

Tân Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide điều hành đất nước đến tháng 9-2021. Chính trị gia 71 tuổi này từng là “cánh tay phải” của ông Abe nên liệu có sự thay đổi chính sách ngay lập tức với Hàn Quốc hay không, nhất là khi ông nói sẽ “tham khảo ý kiến” của ông Abe trong cách điều hành chính phủ? “Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nước láng giềng có nhiều khúc mắc.

Tôi có kế hoạch theo đuổi chính sách ngoại giao cho phép chúng tôi giao tiếp và phát triển các chính sách chiến lược với họ thay vì lựa chọn cái này hay cái kia”, ông Suga nói trong một cuộc tranh luận gần đây. Tổng thống Moon Jae-in của Hàn Quốc và Tân Thủ tướng Suga của Nhật Bản có thể gặp mặt nhau trực tiếp hoặc trực tuyến vào cuối năm nay khi Seoul tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 bên với sự tham gia của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.

Giới bình luận hy vọng ông Suga sẽ cải thiện mối quan hệ song phương giữa Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng phía Seoul cần sự chủ động hơn. Ông Moon gợi ý về mối quan hệ tách bạch các vấn đề lịch sử khỏi hợp tác kinh tế và các lĩnh vực khác. Chuyên gia về Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu chính sách Asan của Hàn Quốc Choi Eun-ni cho rằng, chính Hàn Quốc đang vi phạm những quy tắc quốc tế do liên tục xem xét lại những vấn đề thời chiến dù đã được giải quyết.

Bà Choi Eun-ni cũng hy vọng việc ông Abe rời nhiệm sở sẽ mở ra cơ hội cải thiện quan hệ nhưng không thể có đột phá lớn. Một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết: “Chính phủ sẽ tiếp tục làm việc với Thủ tướng mới của Nhật Bản để thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước”.

GS. Park Won-gon tại Trường Đại học Handong (Hàn Quốc) nhận định, Nhật Bản và Hàn Quốc cần cải thiện mối quan hệ để hướng Mỹ tới các chiến lược khu vực theo chuẩn mực và quy tắc quốc tế. Hai thuận lợi của ông Suga được giới phân tích nêu ra. Thứ nhất, ông không chịu áp lực liên quan tới truyền thống chính trị của gia đình hay phe cánh ngay trong nội bộ đảng cầm quyền. Thứ hai, ông Suga muốn tạo dấu ấn riêng cho mình để thoát cái bóng Abe nhưng vẫn đạt mục tiêu mà vị tiền nhiệm hướng tới là xây dựng đất nước Nhật Bản mạnh mẽ và thịnh vượng.

ANH THƯ (theo AP, Korea Times)

;
;
.
.
.
.
.