Xung đột Armenia-Azerbaijan: Nguy cơ thảm họa ở Caucasus

.

Xung đột bùng phát, leo thang giữa Armenia và Azerbaijan có thể đẩy vùng Caucasus vào thảm họa nếu châm ngòi cho cuộc chiến quy mô lớn, kéo theo sự can dự của các nước khác.

Binh lính Armenia ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh. 	             Ảnh: AP
Binh lính Armenia ở vùng tranh chấp Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP

Báo Washington Post cho hay, gần 13 triệu người đang sống ở Armenia và Azerbaijan, hai nước từng thuộc Liên Xô cũ. Kể từ khi xung đột ở Nagorno-Karabakh bùng phát cách đây 1 tuần, hàng trăm người đã thiệt mạng, trong đó có dân thường. Càng lúc các bên càng thể hiện quan điểm cứng rắn nên khó hy vọng xung đột sẽ nhanh chóng kết thúc.

Chẳng hạn, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đặt điều kiện ngừng giao tranh tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh là Armenia phải đưa ra thời gian biểu về việc rút quân khỏi khu vực này và các vùng lân cận.

Tuy nhiên, phía Armenia bác bỏ yêu cầu này, cho rằng điều kiện nói trên là không thể chấp nhận được. Armenia đặt điều kiện: Phía Azerbaijan phải từ bỏ sử dụng vũ lực và tham gia đàm phán mang tính xây dựng. Vấn đề đặt ra là cuộc xung đột bùng phát lần này có thể kéo các cường quốc khu vực như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác can dự sâu hơn.

Cáo buộc lẫn nhau

Các quan chức Armenia và Azerbaijan cáo buộc lẫn nhau về việc kích động căng thẳng và nhằm vào dân thường. Ngày 4-10, giới chức ở Azerbaijan cho biết, Armenia tiến hành không kích nhằm vào thành phố Ganja làm ít nhất 1 người dân thiệt mạng và 4 người khác bị thương.

Trong khi đó, hãng AP dẫn lời giới chức Armenia nói rằng, thủ phủ Stepanakert của Nagorno-Karabakh đang bị quân Azerbaijan bắn phá dữ dội. Ông Elin Suleymanov, Đại sứ Azerbaijan ở Washington, khẳng định nước ông không nhằm vào dân thường, đồng thời chỉ trích phía Armenia đã bắn phá bừa bãi nhằm vào quốc gia nằm trên ngã tư đường giữa Đông Âu và Tây Á này.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan ngày 4-10 tuyên bố: “Chúng ta đang đối mặt với thời khắc quyết định nhất trong lịch sử hàng thiên niên kỷ của mình. Tất cả chúng ta phải tập trung cho một mục tiêu duy nhất: chiến thắng”.

Trong lúc đó, trả lời phỏng vấn đài Al Jazeera, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev kêu gọi lực lượng Armenia rút quân khỏi các vùng tiếp giáp với Nagorno-Karabakh, đồng thời cáo buộc chính phủ của ông Pashinyan hủy hoại tiến trình hòa bình quốc tế có liên quan đến hai nước.

Vai trò của “trung gian hòa giải”

Báo The Guardian cho biết, việc Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các bên liên quan ngừng bắn ở khu vực Nagorno-Karabakh có thể tác động đến ông Carey Cavanaugh, cựu Đại sứ Mỹ có nhiệm vụ giúp tháo gỡ cuộc xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.

Lý do là Mỹ không có động thái nào trong lúc xung đột bùng phát trở lại và leo thang nhanh chóng, làm hơn 400 người chết, trong đó có nhiều dân thường (theo thống kê từ phía Armenia và con số thực tế có thể cao hơn).

Một lý do nữa là Mỹ cùng Nga và Pháp hình thành nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhằm chấm dứt xung đột từ năm 1994, nhưng nay Washington không tham gia tuyên bố cùng Moscow và Paris. “Mỹ không phối hợp trong cuộc thảo luận đó”, ông Cavanaugh xác nhận. Tuy nhiên, theo các nguồn tin khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn cùng những người đồng cấp Nga và Pháp ra tuyên bố chung kêu gọi ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trả lời phỏng vấn báo chí đã nói rằng, Washington không khuyến khích “quốc tế hóa” cuộc xung đột Armenia - Azerbaijan. “Chúng tôi nghĩ các nước bên ngoài không nên can dự. Chúng tôi đang thúc giục ngừng bắn...”, ông Pompeo cho hay và kêu gọi các bên chấm dứt giao tranh, trở lại thương lượng “sớm nhất có thể”.

Trong nhóm Minsk, vai trò trung gian hòa giải của Nga là quan trọng nhất vì Moscow có quan hệ với cả Armenia lẫn Azerbaijan. Nga đương nhiên muốn giữ ổn định vùng Caucasus, nâng cao vị thế của mình, nhưng chưa rõ Moscow sẽ dàn xếp cục diện như thế nào.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov kêu gọi cần sớm có lệnh ngừng bắn, đồng thời tái khẳng định sự sẵn sàng của Moscow trong việc hỗ trợ các bên xung đột giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao và chính trị dưới sự trung gian của nhóm Minsk.

Armenia đã xây dựng một thỏa thuận quốc phòng chung với Nga. Còn Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Azerbaijan. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, với những lợi ích liên quan, sẽ không đứng ngoài cuộc. Theo đó, cách thức tiếp cận của Nga và Thổ sẽ tác động trực tiếp đến cuộc xung đột.

Theo hãng AFP, Armenia là thành viên Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU), Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và cùng với Azerbaijan là thành viên Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG). Không những thế, Azerbaijan còn là thành viên của Tổ chức Hợp tác kinh tế biển Caspi. Tất cả các tổ chức này đều có sự tham gia của Nga. Còn Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Hiệp định Đối tác chiến lược và tương trợ lẫn nhau với Azerbaijan.

PHÚC NGUYÊN

 

;
;
.
.
.
.
.