Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 355.000 ca nhiễm và trên 7.000 ca tử vong. Sau biến thể Delta, Ấn Độ tiếp tục đối mặt biến thể Delta Plus và nguy cơ làn sóng dịch thứ ba, trong khi FDA Mỹ cảnh báo về rủi ro viêm tim sau tiêm vaccine công nghệ mRNA.
Người dân đeo khẩu trang và sát khuẩn tay phòng dịch Covid-19 tại một khu chợ ở Kampala, Uganda, ngày 23/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN |
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 27-6 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 181.524.785 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 3.932.102 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 355.886 và 7.036 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 166.020.547 người, 11.572.136 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 80.754 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (64.134 ca), Ấn Độ (49.851 ca), và Colombia (33.594 ca); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.463 ca), tiếp theo là Ấn Độ (với 1.256 ca) và Colombia (693 ca).
Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.488.306 triệu người, trong đó có 619.329 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 30.232.320 ca nhiễm, bao gồm 395.780 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 18.386.894 ca bệnh và 512.735 ca tử vong.
Ấn Độ lo đối phó nguy cơ làn sóng dịch thứ ba và biến thể Delta Plus
Khoảng 5 triệu người ở bang Maharashtra của Ấn Độ có thể mắc Covid-19 nếu nước này bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ ba. Số ca mắc mới có thể lên tới 800.000 ca vào giai đoạn đỉnh điểm. Đây là những tình huống mà chính quyền bang Maharashtra và giới chuyên gia y tế Ấn Độ đang đặt ra và trao đổi trong cuộc họp ban lãnh đạo, trước khi đưa ra quyết định tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế đối với người dân ở bang này.
Khoảng 500.000 trẻ em ở bang Maharashtra có thể mắc Covid-19, trong đó 50% có thể phải nhập viện để điều trị. Tất cả những khả năng này đã được thảo luận trong cuộc họp do Thủ hiến bang Maharashtra Uddhav Thackeray chủ trì trong tuần qua.
Giải thích nguyên nhân tại sao bang Maharashtra có nguy cơ cao hơn, chuyên gia y tế cao cấp bang Maharashtra Lav Agarwal cho rằng có khả năng nhiều người sẽ bị nhiễm một số biến thể như Delta Plus và trong nhiều trường hợp có thể lan rộng ra khu vực. Ông cũng cảnh báo hiện nay người dân đang chủ quan, chính quyền địa phương tập trung lo phát triển kinh tế, lơ là và ít quan tâm hơn đến việc chống dịch.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Ấn Độ, Tiến sĩ Balram Bhargava, ngày 25-6 cho biết một số quận ở bang Maharashtra vẫn có tỷ lệ dương tính trên 5% là điều đáng lo ngại. Do đó, Tiến sĩ Bhargava đề nghị đây là thời điểm rất nhạy cảm và khuyến nghị chính quyền bang tiếp tục siết chặt các biện pháp hạn chế và giãn cách xã hội ở bang Maharashtra.
Biến thể Delta Plus đầu tiên ở Ấn Độ được phát hiện từ một mẫu ở bang Maharashtra vào tháng 4 vừa qua, chứng tỏ biến thể này đã có mặt ở đó khá lâu. Hiện tại, bang này có số ca nhiễm biến thể Delta Plus cao nhất. Hôm 25-6, Ấn Độ đã được ghi nhận trường hợp tử vong đầu tiên do Delta Plus là một phụ nữ 80 tuổi.
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 24-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN |
Mỹ: FDA cảnh báo chứng viêm cơ tim khi tiêm vaccine Pfizer và Moderna
Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 25-6 đưa ra cảnh báo mới vào các tài liệu quảng cáo đi kèm với vaccine ngừa Covid-19 của các hãng Pfizer-BioNTech và Moderna để nhấn mạnh đến nguy cơ dù hiếm gặp của bệnh viêm cơ tim sau khi sử dụng các vaccine này.
Các bản cập nhật đánh giá thực tế của cả hai loại vaccine cho các nhân viên chăm sóc sức khỏe đều có cảnh báo rằng các báo cáo về tác dụng phụ cho thấy nguy cơ gia tăng của bệnh viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim, đặc biệt sau khi tiêm mũi thứ hai và bắt đầu các triệu chứng trong vài ngày sau tiêm.
Tính đến ngày 11-6, hơn 1.200 ca viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim đã được báo cáo lên Hệ thống báo cáo tác dụng phụ của vaccine (VAERS) trong số 300 triệu liều vaccine mRNA đã được tiêm. Trong các ca nói trên, số bệnh nhân nam nhiều hơn và thường mắc trong vòng 1 tuần sau mũi thứ hai. Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đã ghi nhận 309 ca nhập viện vì viêm cơ tim ở những người từ 30 tuổi, trong đó 295 người đã được xuất viện. Các cơ quan quản lý y tế tại một số nước đã điều tra các ca viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim sau khi tiêm một mũi vaccine của Pfizer hoặc Moderna.
Hiện các hãng Pfizer-BioNTech và Moderna chưa bình luận gì về việc này.
Canada lo ngại sức tàn phá của biến thể Delta
Cơ quan Y tế công cộng Canada (PHAC) ngày 25-6 cảnh báo nếu biến thể Delta trở thành dòng virus phổ biến ở Canada, có thể dẫn đến sự gia tăng trở lại các ca nhiễm Covid-19 với số lượng lớn hơn dự kiến trong mùa Thu này. Người đứng đầu PHAC, Tiến sĩ Theresa Tam cho biết “sự tái bùng phát” này có thể được kiểm soát nếu các biện pháp bảo vệ cá nhân vẫn được duy trì cho đến khi Canada đạt được mức tiêm chủng cao hơn.
Giới chức y tế cho biết 75% người dân Canada phải được tiêm chủng đầy đủ trước khi các biện pháp bảo vệ ở không gian trong nhà có thể được dỡ bỏ hoàn toàn. Nhưng nếu biến thể Delta trở thành dòng “chủ đạo” ở Canada, Tiến sĩ Theresa Tam cho rằng 80% dân số sẽ phải được tiêm chủng đầy đủ trước khi các biện pháp đó được dỡ bỏ, để tránh nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại vào mùa Thu. Theo Tiến sĩ Tam, tăng nhận thức ở người trẻ tuổi là chìa khóa để giúp tránh kịch bản dịch bệnh bùng phát trở lại. Những người Canada dưới 40 tuổi đang thuộc nhóm chưa đạt mốc 75% tiêm liều đầu tiên.
Iceland - quốc gia châu Âu đầu tiên dỡ bỏ tất cả hạn chế trong nước
Iceland ngày 25-6 cho biết sẽ chấm dứt tất cả các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 được áp đặt trước đó trên toàn quốc, 15 tháng sau khi đưa ra biện pháp hạn chế đầu tiên. Quyết định này được đưa ra sau khi Iceland đạt được những tiến bộ trong chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19.
Theo đó, những quy định về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người sẽ được dỡ bỏ, trong khi các quán bar, nhà hàng cũng được mở cửa trở lại như bình thường từ ngày 26-6. Với quyết định trên, Iceland trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Âu dỡ bỏ mọi hạn chế sau khi thực hiện lộ trình nới lỏng dần dần theo 4 giai đoạn.
Quyết định dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp hạn chế được lên kế hoạch từ trước là vào nửa cuối tháng 6 này, khi mà 75% dân số trên 16 tuổi tại Iceland đã được tiêm chủng ít nhất 1 mũi. Tính đến ngày 24-6, con số này đã tăng lên 88%, tương đương 295.000 người trong tổng số 365.000 dân Iceland đã nhận được ít nhất 1 liều vaccine ngừa Covid-19.
Italy: Số bệnh nhân nhiễm 2 loại biến thể Delta và Kappa tăng mạnh
Viện Y tế cấp cao (ISS) Italy cho biết số lượng bệnh nhân Covid-19 của nước này mắc 2 loại biến thể Delta và Kappa đã tăng mạnh, chiếm 16,8% số bệnh nhân trong tháng 6 (tính đến ngày 21-6), so với mức 4,2% trong tháng 5. Tại Italy, đa số các ca Covid-19 đều mắc biến thể Alpha với 74,9% số ca.
Bà Anna Teresa Palamara, Giám đốc phụ trách các bệnh truyền nhiễm của ISS, cho hay việc theo dõi dịch tễ học của viện này cho thấy biến thể Delta đang trở nên phổ biến tại Italy, cũng như phần còn lại của châu Âu. Đáng quan ngại hơn, biến thể này có thể làm mất hiệu lực bảo vệ của vaccine và được chứng minh là có khả năng lây lan cao hơn 60%.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza cho biết Italy sẽ trở thành quốc gia không còn lệnh giới nghiêm vì Covid-19 sau khi khu vực cuối cùng còn áp đặt quy định này chấm dứt các biện pháp hạn chế vào ban đêm từ ngày 28-6 tới.
Hàn Quốc: Nhiều doanh nghiệp tự triển khai tiêm vaccine
Trong khi đó, tại châu Á, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đang triển khai tự tiêm vaccine cho nhân viên. Tập đoàn Samsung cho biết sẽ bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên bằng vaccine của hãng dược Moderna (Mỹ) tại các bệnh viện trực thuộc từ ngày 27-7. Theo đó, đối tượng tiêm chủng là từ 18-59 tuổi, gồm nhân viên của hãng và nhân sự thuộc công ty đối tác thường xuyên. Các công ty con của tập đoàn Samsung như Samsung SDI, Samsung Display, công ty điện Samsung cũng sẽ tự tiêm chủng cho nhân viên từ cuối tháng 7.
Các tập đoàn lớn khác như Hyundai, SK Hynix và LG Display cũng đang xúc tiến tự tiêm chủng cho nhân viên. Hãng Hyundai đang xem xét tiêm phòng tại các bệnh viện trực thuộc và SK Hynix đang có kế hoạch tiêm chủng cho nhân viên và nhân sự của các công ty đối tác thường xuyên tại chi nhánh ở thành phố Icheon (tỉnh Gyeonggi) và thành phố Cheongju (tỉnh Bắc Chungcheong).
Trong khi đó, LG Display có kế hoạch tuyển dụng y tá điều dưỡng tại các cơ sở y tế trực thuộc để tiêm phòng cho nhân viên. Tập đoàn Posco cũng thông báo đang chuẩn bị trình kế hoạch tự tiêm chủng Covid-19 lên cơ quan phòng dịch.
Theo kế hoạch tiêm chủng quý III, cơ quan phòng dịch sẽ mở rộng tiêm chủng lần lượt cho công dân trên 18 tuổi. Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng vaccine mũi một cho 36 triệu người dân đến cuối tháng 9 tới.
Australia mở rộng phong tỏa toàn khu vực Sydney
Toàn bộ thành phố Sydney cùng nhiều khu vực khác ở bang New South Wales (NSW), Australia, sẽ bị phong tỏa trong vòng hai tuần, bắt đầu từ chiều 26-6 nhằm giảm thiểu số lượng người trong cộng đồng có khả năng phơi nhiễm trước sự lây lan rất nhanh của biến thể Delta gây ra đại dịch tại địa phương.
Thông báo trên được đưa ra khi bang đông dân nhất của Australia ghi nhận thêm 12 trường hợp mắc Covid-19 mới trong cộng đồng trong 24h qua, nâng tổng số ca mắc bệnh tại đây lên 80 ca, cùng với danh sách ngày càng tăng các địa điểm có nguy cơ phơi nhiễm, gây lo ngại bang này sẽ đối mặt với nhiều ca mắc mới trong các ngày tới.
Theo các quy định phòng chống dịch mới, hơn 5 triệu cư dân ở các khu vực trên chỉ có thể rời khỏi nhà với 4 lý do thiết yếu, bao gồm đi chợ mua sắm thực phẩm hoặc các đồ dùng và dịch vụ thiết yếu khác, khám chữa bệnh (trong đó có đi tiêm phòng Covid-19), tập thể dục ngoài trời theo nhóm không quá 10 người, đi làm hay đi học nếu không thể làm tại nhà.
Trong khi đó, các khu vực còn lại của bang NSW sẽ phải tuân theo các hạn chế như không tiếp quá năm khách (kể cả trẻ em) tại nhà cùng một lúc, đeo khẩu trang tại tất cả các địa điểm trong nhà, tái áp dụng quy tắc giãn cách xã hội tối thiểu 4m2 tại các địa điểm trong nhà và ngoài trời.
Đài Loan (Trung Quốc) có mắc biến thể Delta đầu tiên trong cộng đồng
Đài Loan (Trung Quốc) đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể Delta trong cộng đồng, khiến các nhà chức trách địa phương phải siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch tại một khu vực phía Nam của hòn đảo này.
Theo người đứng cơ quan y tế Đài Loan Chen Shih-chung, ca mắc trong cộng đồng trên là một trong số 6 ca mắc biến thể Delta mới được phát hiện tại huyện Bình Đông, phía Nam đảo Đài Loan. Lực lượng chức năng đã triển khai xét nghiệm trên diện rộng tại khu vực có ca mắc, đồng thời tiến hành cách ly những người tiếp xúc gần với ca bệnh. Ông Chen Shih-chung cho biết thêm các nhà chức trách cũng yêu cầu siêu thị, nhà hàng, chợ bán đồ tươi sống tại khu vực trên tạm thời đóng cửa trong 3 ngày, đồng thời khẳng định sẽ nỗ lực chặn đứng nguy cơ lây lan của biến thể Delta.
Cũng từ ngày 26-6, chính quyền Đài Loan sẽ siết kiểm soát nhập cảnh, trong đó yêu cầu những người đến từ quốc gia nơi mà biến thể mới lần đầu xuất hiện, trong đó có Anh, phải cách ly tập trung. Cho tới nay, Đài Loan đã ghi nhận 14.545 ca mắc Covid-19, trong đó có 623 ca tử vong.
Indonesia ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục
Ngày 26-6, Bộ Y tế Indonesia công bố số liệu cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 21.095 ca mắc mới Covid-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Như vậy, tổng số ca mắc Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này hiện là 2.093.962 ca.
Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia có thêm 358 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca không qua khỏi lên 56.729 ca. Hiện Indonesia là nước có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Indonesia đang nỗ lực ứng phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan mạnh cùng với sự gia tăng các ca bệnh nặng trong số các nhân viên y tế. Trước dó, số ca nhiễm trên cả nước đã tăng cao, vượt mốc 2 triệu ca vào ngày 21-6, khiến tỷ lệ nằm viện tăng lên hơn 75% tại thủ đô và nhiều khu vực có dịch.
Campuchia: Quê hương Angkor Wat trở thành “điểm nóng”
Tại Campuchia, Siem Reap - tỉnh du lịch nổi tiếng với di sản thế giới Angkor Wat, nằm cách thủ đô Phnom Penh khoảng 300 km về phía Bắc - đã trở thành “điểm nóng” Covid-19 mới nhất tại nước này, với số ca nhiễm tăng nhanh và gần chạm ngưỡng ba chữ số trong một ngày.
Báo cáo của Sở Y tế tỉnh Siem Reap tối 25-6 cho hay tỉnh phát hiện tới 99 ca mắc mới Covid-19 trong vòng 24 giờ. Giám đốc Sở Y tế tỉnh Siem Reap cũng thừa nhận số ca lây nhiễm Covid-19 tại tỉnh liên tục tăng. Số ca mới được phát hiện sau khi chính quyền đề nghị đóng cửa chợ Leu Thom Thmey ở thành phố Siem Reap và tiến hành xét nghiệm hơn 400 người bán hàng tại đây và đã từng đến khu chợ này.
Trong bối cảnh có thêm nhiều tỉnh ở Campuchia xác nhận số ca mắc mới tăng hai chữ số trong một ngày, Bộ Y tế Campuchia ngày 26-6 ra thông báo xác nhận thêm 745 ca mắc mới Covid-19 trên cả nước trong 24 giờ qua, trong đó có 62 ca nhập cảnh và có thêm 14 ca tử vong.
Tính đến ngày 26-6, Campuchia ghi nhận tổng cộng 46.810 ca mắc Covid-19 và 523 ca tử vong.
Trước tình trạng số ca nhập cảnh ở mức cao, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bun Heng ngày 26-6 đã kêu gọi giới chức các tỉnh tăng cường khả năng lưu trú của các trung tâm cách ly ở biên giới, đồng thời thực hiện chặt chẽ các biện pháp cách ly để ngăn chặn biến thể Delta xâm nhập từ các nước khác vào Campuchia gây lây nhiễm cộng đồng.
Sáng 26-6, thêm một triệu liều vaccine Sinovac mà Campuchia mua của Trung Quốc đã đến sân bay quốc tế Phnom Penh và theo Quốc vụ khanh Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, nước này sẽ nhận thêm 5 triệu liều vaccine trong tháng 7-2021 và 4 triệu liều nữa trong tháng tiếp theo.
Từ ngày 7-2 đến nay, Campuchia đã nhận hơn 10 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, phần lớn từ Trung Quốc. Tính đến ngày 25-6, nước này đã tiêm phòng cho 3.803.169 người, tương đương 38,03% trong tổng số 10 triệu người trưởng thành cần được tiêm phòng theo mục tiêu đặt ra.
Thái Lan điều quân đội giám sát các khu lán trại của công nhân xây dựng
Quân đội Thái Lan ngày 26-6 đã triển khai binh sĩ tới giám sát tất cả các khu lán trại của công nhân xây dựng ở thủ đô Bangkok và vùng phụ cận để đảm bảo không ai lọt ra ngoài khi các khu trại bị phong tỏa vào tuần tới.
Trước đó một ngày, Trung tâm Xử lý Tình hình Covid-19 (CCSA) đã bác bỏ đề xuất phong tỏa toàn bộ Bangkok và các vùng lân cận. Tuy nhiên, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trên cương vị là người đứng đầu CCSA đã ra lệnh cho tất cả công trường xây dựng có ca mắc Covid-19 sẽ bị đóng cửa trong một tháng từ ngày 28-6.
Truyền thông sở tại cho biết, do lo ngại các công nhân sẽ về quê và làm lây lan dịch bệnh, Tư lệnh các lực lượng quốc phòng, Đại tướng Chalermpol Srisawat, đã ra lệnh cho quân đội giám sát tất cả các khu lán trại.
Bangkok là tâm điểm của đợt bùng phát Covid-19 thứ ba ở Thái Lan, với khoảng 1.000 ca mắc mới ghi nhận mỗi ngày. Hiện mới chỉ có 25% trong số 7 triệu dân số của thành phố đã được tiêm chủng, cách xa mục tiêu 70% dân số được tiêm vaccine ngừa Covid-19 để tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Lào: Ngày thứ 2 liên tiếp không có ca nhiễm trong cộng đồng
Bộ Y tế Lào ngày 26-6 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 6 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và đều là trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Đây là ngày thứ 2 liên tiếp Lào không ghi nhận ca nhiễm nào trong cộng đồng.
Bộ Y tế cho biết trong 48 giờ qua, tâm dịch ở thủ đô Viêng Chăn không ghi nhận ca nhiễm mới cho thấy các hành động của Bộ trong việc chủ động truy vết và khoanh vùng dịch đã đạt hiệu quả tốt. Sự hợp tác của mọi tầng lớp nhân dân trong công tác phòng chống dịch cũng góp phần giúp tình hình dịch bệnh tại thủ đô Viêng Chăn tiếp tục có xu hướng giảm.
Dù số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng giảm, nhà chức trách Lào đang lo ngại về các biến thể mới của virus có khả năng lây lan nhanh và nguy hiểm hơn. Chính vì vậy, Bộ Y tế kêu gọi người dân tuân thủ chặt chẽ quy định phòng dịch để có thể nới lỏng các biện pháp trong thời gian tới.
Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 2.100 ca nhiễm, trong đó có 3 va tử vong.
Theo Báo Tin Tức