Bất kể hầu hết độc giả chưa sẵn lòng trả tiền để xem tin tức online, các tờ báo hàng đầu thế giới vẫn tiếp tục dựng “tường thu phí” (paywall).
Đồ họa: MAI ANH |
Tờ Wall Street Journal (WSJ) đã “dựng tường” tính phí từ năm 1996 và cho tới nay họ đang thuộc top 10 tờ báo có nhiều bạn đọc đăng ký trả phí nhất thế giới.
“Chiếc phao” cho báo chí
Trong khi mạng xã hội đang lấn lướt báo điện tử về lượng truy cập, thu nhập từ quảng cáo của các loại hình báo chí truyền thống lao dốc, nhiều tờ báo phải đóng cửa, các bức tường thu phí chính là “chiếc phao” giúp báo chí tồn tại thời 4.0. Song, trên thực tế, tại Mỹ, số độc giả sẵn sàng trả tiền đọc tin tức chưa cao. Theo kết quả khảo sát gần đây của Viện Nghiên cứu Báo chí thuộc hãng tin Reuters, chỉ 20% người dân Mỹ đang trả tiền đọc báo điện tử. Trong số những người trả tiền này, hầu hết chỉ đăng ký trả tiền cho một tờ báo mà họ yêu thích.
Vậy câu hỏi mà rất nhiều người muốn biết là những trang báo điện tử nào đang khiến độc giả sẵn lòng rút hầu bao chi trả? Dễ thấy là báo The New York Times nổi trội hơn hẳn khi số độc giả trả phí của họ nhiều hơn gấp đôi so với tờ báo ở vị trí thứ hai là The Washington Post. Trong số các trang web tin tức không bằng tiếng Anh, hãng tin Nikkei của Nhật Bản đứng số một.
Đến cuối tháng 4-2020, Reuters - một trong những hãng tin lớn nhất thế giới - quyết định triển khai chiến lược mới nhằm tăng nguồn thu với các nội dung online của họ. Đây thực sự là sự thay đổi rất lớn với Reuters, căn cứ hơn 41 triệu lượt truy cập mỗi tháng vào trang Reuters.com của họ. Nhiều nguồn tin cho hay, Reuters sẽ cho phép người dùng đọc miễn phí mỗi tháng 5 tin/bài của họ, sau đó thu phí 34,99 USD/tháng. Mức phí này hẳn cũng đã có sự tham khảo, đối chiếu với các đối thủ cạnh tranh lớn khác trong cùng lĩnh vực với Reuters. Theo trang Techgeeked, hiện The New York Times đang thu phí 18,42 USD/tháng, trang Bloomberg.com của hãng tin Bloomberg thu 34,99 USD/tháng, báo Wall Street Journal là 38,99 USD/tháng.
Đồ họa: MAI ANH |
Tuy nhiên, khách hàng lớn nhất của Reuters - nhà cung cấp dữ liệu Refinitive cho biết, kế hoạch thu phí nội dung online của Reuters vi phạm hợp đồng giữa hai bên. Ông David Craig, Giám đốc điều hành Refinitive cho rằng, việc yêu cầu độc giả của Reuters phải trả tiền sẽ gây tổn thất nghiêm trọng cho Refinitive và gây thiệt hại không thể đền bù. Refinitive đang trả cho Reuters 325 triệu USD/năm (theo hợp đồng tới năm 2048) để hãng tin này cung cấp tin tức cho “các khách hàng dịch vụ tài chính lớn nhất của họ, trong đó có JPMorgan, Wells Fargo, Bank of America và Goldman Sachs”. Vì những tranh cãi nói trên, Reuters mới đây đã thông báo hoãn kế hoạch dựng tường thu phí.
Linh hoạt với paywall
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành toàn cầu, các vấn đề liên quan tới thông tin sai lệnh, tin giả một lần nữa cho thấy vai trò của các nguồn tin xác tín với công chúng. Để tồn tại được trong thời công nghệ 4.0, tất cả tờ báo điện tử, trang tin online đều nỗ lực không ngừng, dám thay đổi và dám chấp nhận cuộc lột xác. Chẳng hạn, Reuters đang kiếm được khoản thu nhập lớn từ quảng cáo online. Tuy nhiên lúc này, hãng tin cũng bắt đầu cải tổ trang web tin tức của họ, dự kiến thu hút nhiều hơn các “độc giả chuyên nghiệp” với chủ trương tập trung nhiều hơn vào mảng tin tức pháp luật và các buổi livestream.
Theo Giám đốc doanh thu Josh Brandau của báo Los Angeles Time, các bức tường thu phí sẽ “thay đổi kịch tính” trong bối cảnh khắp làng báo online tiến tới “khai tử” sự tồn tại các tệp cookie của bên thứ ba. Cookie là các tệp được tạo ra khi bạn truy cập vào website. Cookie sẽ lưu thông tin trên trình duyệt web mà bạn dùng, giúp bạn có những trải nghiệm tốt hơn. Sau khi chấm dứt hoạt động của cookie bên thứ ba, các tòa soạn báo sẽ bắt đầu thử nghiệm những loại tường thu phí của họ để thu thập dữ liệu của bên thứ nhất nhằm tìm ra đâu là các nhóm độc giả sẵn sàng trả tiền, đâu là nhóm buộc phải cho họ tiếp cận những thông tin miễn phí để duy trì lượng truy cập (traffic) và thu nhập từ quảng cáo.
Báo New York Times có 7,5 triệu thuê bao. Ảnh: NYT |
Trang Digiday đã thảo luận vấn đề này với nhiều tòa báo và nhận thấy họ đang có xu hướng lựa chọn mô hình các tường thu phí có định lượng trước trong vài năm qua. Thay vì một “quota” áp chung cho nhiều người, các tờ báo này sẽ sử dụng thuật toán riêng, căn cứ đặc điểm của các nhóm độc giả để quyết định họ sẽ được đọc miễn phí bao nhiêu bài trong một tháng. Nhờ vậy, các tòa soạn báo có thể thường xuyên thử nghiệm và điều chỉnh các kiểu tường thu phí của họ dựa trên dữ liệu thu thập theo thời gian thực đó. “Những thay đổi nhỏ với tường thu phí có thể tạo nên hiệu quả lớn”, bà Beth Diaz thuộc bộ phận phát triển độc giả và phân tích dữ liệu của The Washington Post chia sẻ nhận định với trang Digiday.
TRẦN ĐẮC LUÂN