Biến thể Delta đe dọa nhiều nước

.

Trước sự lây lan nhanh chóng của Delta (biến thể của SARS-CoV-2), một số nước tái áp đặt các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt.

Đường phố ở Sydney (Úc) vắng vẻ khi áp dụng lệnh phong tỏa. Ảnh: EPA-EFE
Đường phố ở Sydney (Úc) vắng vẻ khi áp dụng lệnh phong tỏa. Ảnh: EPA-EFE

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, chỉ trong tuần qua, biến thể Delta được ghi nhận lần đầu ở Ấn Độ đã lây lan sang 11 quốc gia mới, nâng tổng số nước xác nhận có người nhiễm chủng này lên con số 96.

Cú sốc với người Úc

Hãng tin Reuters cho biết, ngày 30-6, thành phố thứ bảy của Úc phải phong tỏa vì lo ngại biến thể Delta. Như vậy, gần một nửa dân số Úc - hơn 12 triệu người - đang bị ảnh hưởng vì biện pháp phong tỏa.

Gần một năm qua, Úc đã kiểm soát dịch rất tốt với tỷ lệ lây nhiễm gần như bằng 0. Úc cũng đã ngăn chặn hiệu quả nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng bằng các biện pháp như đóng cửa biên giới, cách ly tại khách sạn và hệ thống truy vết gắt gao. Tính đến nay, Úc có hơn 30.600 ca nhiễm và 910 ca tử vong do Covid-19, theo trang thống kê worldometers.

Biến thể Delta đã lây lan nhanh ở 5 trong số 8 bang và vùng lãnh thổ của Úc, chỉ 2 tuần sau khi phát hiện ổ dịch đầu tiên liên quan gần 150 ca tại thành phố Sydney, bang New South Wales. Lãnh thổ Bắc Úc là nơi phát đi lệnh phong tỏa đầu tiên, đặt khoảng 200.000 dân tại thành phố Darwin vào tình trạng bị hạn chế nghiêm ngặt sau khi có ổ dịch liên quan một mỏ vàng.

Sau đó, Thủ hiến bang Tây Úc, ông Mark McGowan quyết định áp đặt phong tỏa với khoảng 2 triệu người tại thành phố Perth và vùng Peel trong 4 ngày chỉ sau ca nhiễm mới thứ ba. Kế đó, bang Queensland áp lệnh phong tỏa quy mô lớn với khoảng 5 triệu người.

Sau khi dịch tái bùng phát, nhiều ý kiến trong dư luận đã đổ lỗi cho tình trạng quản lý cách ly tại khách sạn chưa nghiêm. Chương trình triển khai tiêm vắc-xin của Thủ tướng Scott Morrison cũng bị chỉ trích gay gắt. Tỷ lệ tiêm ngừa tại Úc hiện khá thấp.

Châu Âu “chia rẽ”

Biến thể Delta đang làm dấy lên những căng thẳng liên quan tới quan điểm của các nước Liên minh châu Âu (EU) trong việc quản lý những biên giới bên ngoài khối này. Pháp và Đức lo ngại tình trạng du khách Anh đổ xô tới Nam Âu, đồng thời kêu gọi những nỗ lực điều phối chung của khối nhằm chống lại biến thể Delta. Trong khi đó, các nước Nam Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp không muốn làm căng vì sợ ảnh hưởng ngành công nghiệp không khói rất quan trọng của họ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ trích Bồ Đào Nha mở cửa đón du khách Anh quá sớm. Ngay từ giữa tháng 5, Bồ Đào Nha là thành viên EU duy nhất chào đón các công dân đến từ xứ sở sương mù. Song, theo Reuters, hôm 28-6, Bồ Đào Nha quyết định cách ly 14 ngày với du khách Anh nếu không tiêm đủ vắc-xin ngừa Covid-19.

Bà Merkel muốn đưa Anh vào diện “một quốc gia đáng ngại” vì sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta và siết chặt hơn nữa các điều kiện nhập cảnh trên toàn khối Schengen để phòng biến thể này.

Tại Anh - quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao, số ca nhiễm biến thể Delta đã nhanh chóng vượt số ca nhiễm biến thể Alpha trước đó và chiếm đến 95% số ca bệnh mới. Pháp cũng đối mặt với làn sóng dịch thứ tư do biến thể Delta.

Mỹ lo ngại làn sóng dịch mới trong mùa thu
Theo đài CNN, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ nhận định, Delta sẽ trở thành biến thể SARS-CoV-2 trội nhất ở Mỹ trong vài tuần tới. Với một nửa dân số Mỹ chưa tiêm đủ các liều vắc-xin, các bác sĩ lo ngại Delta có thể là nguyên nhân gây tái bùng phát Covid-19 trong mùa thu. Hiện biến thể Delta xuất hiện ở hầu như toàn bộ 50 bang của Mỹ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.