Theo đề xuất dàn xếp, các nhà phân phối thuốc bao gồm McKesson Corp, Cardinal Health Inc và AmerisourceBergen Corp dự kiến sẽ trả tổng cộng 21 tỷ USD, trong khi Johnson & Johnson sẽ trả 5 tỷ USD.
Ước tính khoảng 500.000 người dân Mỹ đã tử vong vì sử dụng quá liều opioid kể từ năm 1999 đến năm 2019. (Nguồn: AP) |
Người đứng đầu ngành tư pháp và luật sư của các bang của Mỹ dự kiến sẽ công bố một thỏa thuận mang tính bước ngoặt trị giá 26 tỷ USD vào ngày 21-7 tới nhằm giải quyết các khiếu nại về việc ba nhà phân phối thuốc lớn nhất nước Mỹ và nhà sản xuất thuốc Johnson & Johnson (J&J) đã thúc đẩy cuộc khủng hoảng opioid trên toàn quốc.
Theo đề xuất dàn xếp vụ việc trên, các nhà phân phối thuốc bao gồm McKesson Corp, Cardinal Health Inc và AmerisourceBergen Corp dự kiến sẽ trả tổng cộng 21 tỷ USD, trong khi Johnson & Johnson sẽ trả 5 tỷ USD.
Các bang sẽ có 30 ngày để quyết định có tham gia thỏa thuận trên hay không. Nguồn thạo tin ước tính, hơn 40 bang của Mỹ sẽ ký vào thỏa thuận dàn xếp trên, trong khi những bang khác có thể chọn tiếp tục với các phương án của riêng họ.
Các điều khoản tài chính trong thỏa thuận phù hợp với tiết lộ trước đó của ba nhà phân phối thuốc và J&J về khoản tiền họ dự kiến sẽ phải trả sau các cuộc đàm phán kéo dài.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính khoảng 500.000 người dân Mỹ đã tử vong vì sử dụng quá liều opioid kể từ năm 1999 đến năm 2019.
Bộ Y tế Mỹ ước tính rằng cuộc khủng hoảng là nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm tuổi thọ trung bình trong bốn năm liên tiếp tại nước này vào các năm 2014, 2015, 2016 và 2017. Vào tháng 10-2017, cựu Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố đây là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc gia.
Cuộc khủng hoảng này dường như đang lắng dịu trước sự bùng phát của đại dịch Covid-19, đặc biệt là nhờ vào việc kiểm soát chặt chẽ hơn việc kê đơn thuốc, nhưng CDC gần đây đã báo cáo về sự gia tăng trở lại số ca tử vong do sử dụng quá liều opioid.
Theo CDC, dữ liệu tạm thời cho thấy năm 2020 là năm kỷ lục về số ca tử vong do sử dụng ma túy quá liều, với 93.331 ca, tăng 29% so với một năm trước đó. Phần lớn trong số đó liên quan đến opioid, với tỷ lệ 74,7% số ca, tương đương 69,710 ca.
Các nhà phân phối bị cáo buộc kiểm soát lỏng lẻo khi cho phép chuyển lượng lớn thuốc giảm đau gây nghiện vào các nguồn bất hợp pháp.
Trong khi đó, J&J bị cáo buộc đã thực hiện các chiến dịch quảng cáo hạ thấp nguy cơ gây nghiện của thuốc giảm đau nhóm opioid, khiến nhiều người sử dụng bị nghiện và thậm chí tử vong.
Chính quyền các bang của Mỹ cho biết số tiền phạt trên sẽ được sử dụng để tài trợ cho việc điều trị nghiện, các chương trình hỗ trợ hộ gia đình, giáo dục và các sáng kiến y tế khác để giải quyết cuộc khủng hoảng opioid.
Các thỏa thuận khác liên quan tới vấn đề tương tự cũng đang được thương lượng, với các nhà sản xuất thuốc là Purdue Pharma và Mallinckrodt Plc hiện đang làm việc với các tòa án phá sản để thực hiện thỏa thuận dàn xếp trị giá lần lượt hơn 10 tỷ USD và 1,6 tỷ USD.
Theo TTXVN/Vietnam+