Covid-19 sáng 14-7: Nga ca tử vong mới cao kỷ lục; Anh lây nhiễm thứ ba thế giới

.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 460.000 ca nhiễm và gần 7.000 ca tử vong. Nga ghi nhận ca tử vong mới cao chưa từng thấy, trong khi Anh chứng kiến lây nhiễm trên 36.000 ca/ngày dù quyết dỡ bỏ hạn chế trong vài ngày tới.

Xe vận chuyển thi thể bệnh nhân Covid-19 ở Myanmar. Ảnh: AFP/TTXVN
Xe vận chuyển thi thể bệnh nhân Covid-19 ở Myanmar. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6 giờ ngày 14-7 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng  188.537.408 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 4.064.189 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 468.151 và 6.980 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 172.370.828 người, 12.102.391 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 78.895 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Brazil (45.022 ca), Ấn Độ (40.159) và Anh (36.660 ca); Brazil cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 1.527 ca), tiếp theo là Nga (với 780 ca) và   Ấn Độ (623 ca).

Mỹ, Ấn Độ và Brazil là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ hiện là 34.799.080 người, trong đó có 623.356 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 30.944.893  ca nhiễm, bao gồm 411.439 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 19.151.993 ca bệnh và 535.838 ca tử vong.  

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 26-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Hyderabad, Ấn Độ, ngày 26-6-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Nga: Ca tử vong trong ngày cao chưa từng thấy

Ngày 13-7, Nga thông báo đã ghi nhận thêm 780 ca tử vong do dịch Covid-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, trong khi số ca mắc mới tăng 24.702 trên cả nước. Như vậy, đến nay Nga có hơn 141.000 ca tử vong vì Covid-19 trong tổng số 5,74 triệu ca mắc bệnh.

Số ca mắc mới Covid-19 tại Nga đang có chiều hướng gia tăng do sư lây lan nhanh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 và tiến độ tiêm chủng còn chậm. Trong số các ca mắc mới ghi nhận có 4.991 ca tại thủ đô Moskva, nơi mà Thị trưởng Sergei Sobyanin đánh giá tình hình dịch Covid-19 bắt đầu lắng dịu.

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại một bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga ngày 7-7-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại một bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga ngày 7-7-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo giới chức y tế Nga, khoảng 30 triệu người ở nước này đã tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên. Hiện các cơ quan chức năng đang khuyến khích người dân tiêm vaccine ngừa Covid-19 do số ca mắc mới bắt đầu tăng mạnh vào tháng trước.

Anh: Ca lây nhiễm tăng vọt trước "Ngày Tự do"

Ngày 13-7, Anh ghi nhận 36.660 ca nhiễm mới trong bối cảnh nước này vẫn ấn định sẽ dỡ bỏ các hạn chế nghiêm ngặt phòng dịch kể từ ngày 19-7.

Trước tình hình này, các bệnh viện, bác sĩ đa khoa và các nhà cung cấp dịch vụ y tế khác sẽ vẫn có thể yêu cầu bệnh nhân và du khách đeo khẩu trang. Bộ Y tế Công cộng Anh (PHE) cũng cho biết hướng dẫn hiện có về kiểm soát lây nhiễm Covid-19 vẫn tiếp tục áp dụng sau ngày 19-7.

Các nhà cung cấp dịch vụ y tế đã yêu cầu chính phủ làm rõ vấn đề sử dụng khẩu trang trong bệnh viện khi các yêu cầu pháp lý về việc đeo khẩu trang sẽ được dỡ bỏ. Đáp lại, PHE đã khẳng định rõ rằng hướng dẫn kiểm soát phòng chống lây nhiễm (IPC) của họ vẫn được duy trì, có nghĩa là tình trạng hiện tại về việc đeo khẩu trang trong các cơ sở chăm sóc và sức khỏe tiếp tục có hiệu lực. Hướng dẫn này khuyến nghị giãn cách vật lý là 2 mét và vệ sinh tay kỹ lưỡng, với “bệnh nhân ở tất cả các khu vực chăm sóc vẫn được khuyến khích và hỗ trợ đeo khẩu trang, miễn là việc đó được chấp nhận và không gây bất lợi cho nhu cầu chăm sóc hoặc y tế của họ”.

Số ca mắc biến thể Delta tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng gần gấp 3

Số ca mắc biến thể Delta tại Thổ Nhĩ Kỳ trong 1 tuần qua đã tăng gần gấp 3, từ mức 284 ca lên 750 ca, trong khi số ca mắc mới cũng tăng 20% so với tuần trước đó. Hiện các ca mắc biến thể Delta đã có mặt tại 36 tỉnh, tăng 6 tỉnh so với 1 tuần trước đó và đã có 3 ca nhiễm biến thể Delta Plus.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca kêu gọi người dân đi tiêm vaccine ngừa Covid-19. Đến nay khoảng 61% tổng số người trưởng thành ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine trong khi nước này đặt mục tiêu ít nhất 70% dân số vào thời thời điểm nghỉ lễ Eid al-Adha tuần tới.

Đến nay, nước này ghi nhận hơn 5,5 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 50.000 người không qua khỏi.

Pháp: Số ca mắc mới tăng gấp đôi sau mỗi 5 ngày

Cũng trong ngày 13-7, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cảnh báo số ca mắc mới Covid-19 ở nước này đang tăng gấp đôi sau mỗi 5 ngày.

Trước đó một ngày, số liệu thống kê của Cơ quan Y tế Công cộng Pháp cho thấy tuần qua mỗi ngày nước này có thêm khoảng 4.000 ca mắc Covid-19, tăng 63% so với tuần trước. Con số này có thể tăng lên 6.000 trong tuần này, 10.000 trong hai tuần tới và thậm chí 20.000 vào đầu tháng 8 nếu nước Pháp không nhanh chóng hành động. Có đến hơn 40% số ca mắc mới ở Pháp mang biến thể Delta dễ lây lan. Tỷ lệ lây nhiễm đang tăng trở lại ở nhiều vùng, trong đó đứng đầu là các vùng Provence-Alpes-Côte-d'Azur và Ile-de-France (vùng Paris).

Liên quan tới tình hình tiêm chủng tại Pháp, gần một triệu người đã cấp tốc đăng ký tiêm chủng trực tuyến trong đêm 12-7 sau khi Tổng thống Emmanuel Macron cùng ngày tuyên bố giấy chứng nhận tiêm chủng và xét nghiệm PCR âm tính sẽ là tấm giấy thông hành bắt buộc nếu người dân muốn đến các quán cà phê, nhà hàng, trung tâm mua sắm, cơ sở y tế, lên máy bay, tàu hỏa hay xe khách đường dài.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Pfizer tại Los Angeles, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Doctolib - một trong những hệ thống đặt lịch tiêm chủng trực tuyến lớn nhất của Pháp, chỉ trong vòng vài phút có tới 7,5 triệu lượt đăng ký tiêm chủng tại hệ thống này. Hơn 926.000 người đã đặt lịch hẹn thành công (trong đó 65% dưới 35 tuổi), cao gấp đôi so với mức kỷ lục ghi nhận ngày 11-5.

Chính phủ Pháp đặt mục tiêu hoàn thành tiêm phòng Covid-19 cho 90% dân số trước tháng 9 để tạo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, cho đến nay mới có gần 60% dân số Pháp đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi, trong khi số người đã tiêm đủ hai mũi chỉ đạt trên 40%.

Hàn Quốc liên tiếp trên 1.000 ca mắc/ngày

Trong khi đó, Hàn Quốc tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 trên 1.000 ca ngày thứ 7 lên tiếp, bất chấp nước này đã áp đặt các biện pháp tăng cường giãn cách xã hội ở mức cao nhất. Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này có thêm 1.150 ca mắc mới Covid-19, trong đó 1.097 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số lên 170.296 ca bệnh.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới vượt ngưỡng 1.000 ca trong 7 ngày liên tiếp. Do biến thể Delta đang lây lan nhanh trong bối cảnh mùa nghỉ Hè đang đến gần, KDCA cảnh báo số ca mắc mới hằng ngày có thể vượt ngưỡng 2.000 vào giữa tháng 8 tới. KDCA cũng cho biết số ca nhiễm biến thể Delta chiếm 26,5% tổng số ca mắc mới được phát hiện ở khu vực thủ đô Seoul trong tuần đầu tiên của tháng 7, cao hơn nhiều lần so với mức 2,8% cùng thời điểm trong tháng 6 vừa qua.

Khách du lịch tại bãi biển Heopjae trên đảo Jeju, Hàn Quốc ngày 11-7-2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Khách du lịch tại bãi biển Heopjae trên đảo Jeju, Hàn Quốc ngày 11-7-2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Chỉ tính riêng trong tuần đầu tiên của tháng 7 này, biến thể Delta được ghi nhận chiếm tới 60% tổng số ca mắc Covid-19 ở Hàn Quốc. Tỷ lệ lây nhiễm là 1,24. Ngoài ra, số lượng ca nhiễm mới không xác định nguồn lây chiếm 1/3 tổng số ca nhiễm mới trong tuần qua cũng làm dấy lên những lo ngại nhiều hơn về những bệnh nhân không có triệu chứng.

Thủ tướng Hà Lan xin lỗi về sai lầm trong đánh giá tình hình dịch bệnh

Cũng liên quan công tác phòng chống dịch Covid-19, ngày 12-7, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã thay mặt toàn bộ thành viên Nội các nước này xin lỗi vì đã phạm sai lầm trong đánh giá tình hình dịch bệnh, dẫn tới đưa ra quyết định nới lỏng các biện pháp hạn chế vào cuối tháng 6 vừa qua.

Ông Rutte bày tỏ lo ngại về tình hình dịch bệnh hiện nay ở Hà Lan và không loại trừ khả năng số người nhập viện sẽ tăng trở lại trong những tuần tới. Do đó, ông quyết định sẽ bổ sung các biện pháp phòng dịch trong mùa Hè này.

Tuần trước, Hà Lan đã công bố các biện pháp mới phòng chống dịch, có hiệu lực từ ngày 10-7 đến 13-8. Tỷ lệ nhiễm SARS-CoV-2 ở Hà Lan đã tăng nhanh hơn nhiều so với dự kiến kể từ khi quốc gia này mở cửa trở lại gần như hoàn toàn vào ngày 26-6 vừa qua. Hầu hết các trường hợp lây nhiễm được ghi nhận do ổ dịch ở những nơi có đời sống về đêm và những bữa tiệc tập trung đông người.

Vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Johnson & Johnson. Ảnh; AFP/TTXVN
Vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Johnson & Johnson. Ảnh; AFP/TTXVN

Nhật Bản: Nguy cơ lây lan dịch do sự thiếu thống nhất giữa các địa phương

Chính phủ Nhật Bản và chính quyền thủ đô Tokyo vừa qua một lần nữa yêu cầu tất cả các cơ sở ăn uống dừng cung cấp đồ uống có cồn. Tuy nhiên, sự thiếu thống nhất triển khai quy định này giữa các địa phương có thể dẫn tới tình trạng người dân di chuyển từ trung tâm Tokyo ra các tỉnh lân cận tham gia các bữa tiệc, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19.

Một quan chức Chính phủ Nhật Bản cảnh báo dịch bệnh Covid-19 có thể sẽ vẫn lây lan nghiêm trọng, bất chấp Chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp và áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm đối với thủ đô Tokyo và 3 tỉnh lân cận kéo dài 6 tuần, bao trùm toàn bộ thời gian diễn ra thế vận hội Olympic Tokyo cũng như lễ hội Obon truyền thống. Lý do là sự thiếu thống nhất trong công tác triển khai biện pháp chống dịch của các địa phương.

Riêng về quy định liên quan đến cung cấp đồ uống có cồn, Chính phủ đã yêu cầu “đình chỉ về nguyên tắc” đối với việc cung cấp rượu, bia tại khu vực áp dụng các biện pháp trọng điểm phòng dịch Covid-19, nhưng chính quyền mỗi địa phương thuộc Vùng thủ đô vẫn có thể cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống được cung cấp rượu bia cho khách hàng ở “mức độ hạn chế” và "có điều kiện".

Cụ thể, tỉnh Saitama cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phục vụ rượu, bia đối với khách hàng “đi ăn một người hoặc nhóm nhưng phải cùng một gia đình; tỉnh Chiba đưa ra điều kiện khách hàng “tối đa 2 người trong một nhóm” và chỉ được phục vụ tối đa 90 phút; tỉnh Kanagawa đưa ra điều kiện “nhóm tối đa 4 người và phải cùng một gia đình”, thời gian cũng giới hạn trong 90 phút.

Tất cả các địa phương này đều yêu cầu các cơ sở kinh doanh ăn uống phải áp dụng triệt để các biện pháp phòng dịch như lắp tấm chắn, quạt thông gió và khử khuẩn thường xuyên.

Như vậy, có khác biệt về việc áp dụng các biện pháp phòng dịch Covid-19 giữa Tokyo và các địa phương khác, chưa kể chính quyền khó có thể kiểm soát triệt để mức độ chấp hành các điều kiện kể trên của các cơ sở kinh doanh. Ngoài ra, người dân Tokyo, vốn đang mệt mỏi vì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh kéo dài, có thể tìm đến địa phương lân cận để tham gia các bữa tiệc được sử dụng rượu bia, đặc biệt trong kỳ nghỉ hè và lễ hội Obon truyền thống. Đây sẽ là nguy cơ lớn lây lan dịch bệnh Covid-19, khiến nỗ lực ngăn chặn của Chính phủ Nhật Bản thông qua việc ban bố tình trạng khẩn cấp trở nên vô nghĩa.

Một điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Ontario, Canada. Ảnh: THX/TTXVN
Một điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Ontario, Canada. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan khăng khăng sử dụng kết hợp 2 loại vaccine

Ngày 13-7, Thái Lan đã đưa ra quan điểm bảo vệ việc sử dụng kết hợp 2 loại vaccine ngừa Covid-19 khác nhau nhằm ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm mới, bất chấp cảnh báo của một nhà khoa học hàng đầu thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) rằng đây là "một xu hướng nguy hiểm" chưa được chứng minh.

Nhà chức trách Thái Lan cho biết sẽ kết hợp 2 loại vaccine của hãng AstraZeneca và hãng Sinovac, trong đó sử dụng vaccine của hãng Sinovac để tiêm mũi một, còn vaccine của hãng AstraZeneca tiêm mũi hai. Theo chuyên gia về virus của Thái Lan Yong Poovorawan, việc kết hợp này nhằm đạt được hiệu quả miễn dịch trong vòng 6 tuần sau tiêm thay vì 12 tuần như thường lệ. Ông nhấn mạnh Thái Lan không thể chờ tới 12 tuần để đạt hiệu quả miễn dịch trong bối cảnh số ca nhiễm và tử vong tăng vọt và gây sức ép lên hệ thống y tế như hiện nay. Ông nói thêm rằng trong tương lai có thể sẽ có giải pháp tốt hơn khi tình hình tốt lên và vaccine được cải tiến.

Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 9-7-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 9-7-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Phát biểu của ông Poovorawan đưa ra một ngày sau khi nhà khoa học hàng đầu của WHO, bà Soumya Swaminathan cho rằng việc kết hợp các loại vaccine là "một xu hướng nguy hiểm" vì đến nay hình thức tiêm chủng như vậy chưa được chứng minh.

Thái Lan hiện ghi nhận tổng cộng hơn 353.700 ca nhiễm, trong đó 2.847 ca tử vong vì Covid-19, phần lớn trong số đó là những ca bệnh phát hiện trong làn sóng dịch bệnh mới nhất bùng phát kể từ tháng 4 từ một khu giải trí ban đêm ở Bangkok.

Indonesia lại kỷ lục ca mắc mới

Ngày 13-7, Indonesia đã ghi nhận thêm 47.899 ca mắc mới Covid-19 mới, vượt xa mức cao chưa từng có 38.124 ca được thiết lập chỉ một ngày trước đó. Trong khi đó, số ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua là 869 ca - cao thứ ba kể từ khi đại dịch bùng phát vào đầu tháng 3 năm ngoái.

Tính đến nay, Indonesia ghi nhận tổng cộng 2.615.529 ca mắc, trong đó có 68.219 ca không qua khỏi. Giới chuyên gia cho rằng số ca mắc Covid-19 tại Indonesia liên tục tăng trong vài tuần qua là do hệ quả của kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr hồi tháng 5, cũng như sự xuất hiện của các biến thể mới nguy hiểm, trong đó có biến thể Delta.

Làn sóng lây nhiễm thứ 2 tại nước này đã khiến hàng loạt bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Để đối phó với tình hình cấp bách này, Chính phủ Indonesia đã áp đặt lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp tại Java và Bali từ ngày 3-20-7 và mở rộng sang 15 khu vực khác bên ngoài 2 hòn đảo đông dân này.

Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện ở Jakarta, Indonesia, ngày 9-7-2021. Ảnh: THX/ TTXVN
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân Covid-19 tới bệnh viện ở Jakarta, Indonesia, ngày 9-7-2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Indonesia phát động chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 toàn quốc vào ngày 13-1 vừa qua, với mục tiêu cung cấp vaccine cho ít nhất 181,5 triệu người để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay. Tính đến nay, quốc gia này đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 cho 15.190.998 người và 36.914.607 người đã được tiêm mũi 1 vaccine.

Cũng trong ngày 13-7, Indonesia đã tiếp nhận thêm 1,4 triệu liều vaccine thành phẩm do hãng dược Sinopharm của Trung Quốc sản xuất. Đây là lô vaccine ngừa Covid-19 thứ 22 và là lô vaccine thứ ba mà quốc gia này tiếp nhận từ nước ngoài.

Malaysia lần đầu vượt ngưỡng 10.000 ca mắc mới/ngày

Ngày 13-7, Malaysia ghi nhận thêm 11.079 ca mắc Covid-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này và lần đầu tiên vượt ngưỡng 10.000 ca/ngày.

Bộ Y tế Malaysia cho biết đến nay nước này có tổng cộng 855.949 ca mắc Covid-19. Bang Selangor tiếp tục là địa phương ghi nhận số ca mắc mới cao nhất cả nước với 5.263 ca, tiếp đó là lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur với 1.521 ca và bang Nigeri Sembilan với 1.033 ca.

Phó Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob lý giải số ca mắc mới Covid-19 ở nước này gần đây tăng mạnh là do tăng cường năng lực xét nghiệm tại đại đa số khu vực đang thực hiện Lệnh Hạn chế di chuyển tăng cường (EMCO) thuộc bang Selangor và lãnh thổ liên bang Kuala Lumpur.

Campuchia: Ca mắc mới giảm nhẹ

Số ca mắc mới Covid-19 tại Campuchia theo thông báo ngày 13-7 là 830 ca, giảm nhẹ so với mức gần 1.000 ca/ngày kéo dài suốt hai tuần qua. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh ở Campuchia tiếp tục diễn biến xấu khi số ca nhập cảnh vẫn ở mức cao (217 ca trong 24 giờ qua).

Thông cáo của Bộ Y tế Campuchia cho biết, tính đến ngày 13-7, nước này ghi nhận tổng cộng 62.700 ca mắc Covid-19, vượt xa mức 500 ca trước “sự cố cộng đồng ngày 20-2”. Bộ trên cũng xác nhận có thêm 26 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong vì Covid-19 tại đây lên 953 người.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 2-7-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 2-7-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 13-7, chính quyền Phnom Penh và Bộ Y tế Campuchia tiếp tục cảnh báo có thể thực hiện một đợt phong tỏa nữa nếu người dân, đặc biệt là những người trẻ, không tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch.

Lào đẩy mạnh chương trình tiêm chủng

Lào đã đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho 50% dân số trong năm nay. Đến nay, hơn 1 triệu người tại Lào đã được tiêm mũi đầu vaccine ngừa Covid-19, trong khi hơn 600.000 người tiêm đủ 2 mũi.

Bộ Y tế Lào nêu rõ, mặc dù tình hình dịch bệnh trong cộng đồng đã giảm nhẹ nhưng nguy cơ bùng phát dịch tại Lào vẫn còn do số lượng lao động trở về từ vùng dịch ở các nước láng giềng ngày càng tăng cao, đặc biệt là từ Thái Lan.

Theo Baotintuc.vn

;
;
.
.
.
.
.