Iran xác nhận vòng đàm phán thứ bảy tại thủ đô Vienna của Áo cần phải đợi đến khi nước này có chính phủ mới, dự kiến vào đầu tháng 8-2021.
Ông Ebrahim Raisi sẽ nhậm chức Tổng thống Iran vào ngày 5-8. Ảnh: eurasianet |
Trên Twitter, Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran, ông Abbas Araqchi viết: “Chúng tôi đang trong giai đoạn chuyển tiếp khi tiến hành chuyển giao quyền lực dân chủ. Vì vậy, các cuộc đàm phán ở Vienna rõ ràng phải đợi chính phủ mới của chúng tôi”.
Hãng tin AP cho biết, xác nhận nói trên của ông Araqchi dường như xua tan những đồn đoán về thời điểm Iran đồng ý trở lại bàn đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Vòng đàm phán gián tiếp thứ 6 đã kết thúc vào ngày 20-6 vừa qua mà không mang lại kết quả nào. Ông Araqchi lúc đó nói rằng, các phái đoàn về nước để tham vấn, từ đó mới có thể đưa ra quyết định cuối cùng. Các nhà quan sát vẫn bày tỏ hy vọng về khả năng đàm phán sớm được nối lại. Ông Mikhail Ulyanov, đại diện thường trực của Nga tại các tổ chức quốc tế ở Vienna cho biết, hơn 90% công việc đã hoàn thành nhưng vẫn còn nhiều vấn đề khúc mắc cần được thảo luận. Song, đàm phán hiện vẫn đình trệ và chưa rõ số phận của JCPOA sẽ như thế nào sau sự rút lui của Mỹ hồi năm 2018, thời điểm ông Donald Trump đứng đầu Nhà Trắng.
Theo kế hoạch, Tổng thống Iran Hassan Rouhani sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào đầu tháng 8 tới và Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi nhậm chức vào ngày 5-8. Ngày 14-7, ông Rouhani bày tỏ hy vọng người kế nhiệm có thể đạt được thỏa thuận dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, nghĩa là tiến tới một thỏa thuận tại Vienna. Báo Washington Post cũng dẫn lời giới chức Mỹ cho biết, các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân Iran sẽ được nối lại sau lễ nhậm chức của ông Raisi.
Ngày 17-7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho rằng, việc Iran muốn chờ có chính phủ mới rồi mới nối lại đàm phán là “nỗ lực thái quá” nhằm đánh lạc hướng cho những bế tắc hiện tại. “Chúng tôi sẵn sàng trở lại Vienna để hoàn tất công việc, cùng nhau tái tham gia JCPOA sau khi Iran đưa ra các quyết định cần thiết”, người phát ngôn Price nói.
Đối với việc cứu vãn JCPOA, các bên vẫn còn bất đồng về những vấn đề trọng tâm, như các bước Tehran cần thực hiện để trở lại tuân thủ thỏa thuận, các bước nới lỏng trừng phạt mà Washington có thể thực hiện đối với Tehran và các hành động cụ thể phải thực hiện nếu đạt được thỏa thuận. Cuộc bầu cử Tổng thống ở Iran diễn ra vào ngày 18-6 vừa qua với chiến thắng thuộc về ông Raisi, chính trị gia theo đường lối cứng rắn, đặt ra câu hỏi rằng các bước đi tiếp theo sẽ như thế nào nếu đàm phán vẫn bế tắc. Tuy nhiên, theo Reuters, quyền lực chính trị tối cao ở Iran thuộc về Đại giáo chủ Ali Khamenei và ông này đã “bật đèn xanh” cho những nỗ lực hồi sinh JCPOA. Vì vậy, nếu đàm phán được nối lại thì vẫn có nhiều triển vọng cho thỏa thuận này.
Hãng tin AP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh ngày 18-7 cho biết, Iran và Mỹ đã đạt được thỏa thuận về việc phóng thích 10 tù nhân của mỗi bên. Ông Khatibzadeh khẳng định: Tehran sẵn sàng xúc tiến ngay thỏa thuận này, đồng thời nói rằng thỏa thuận trao đổi tù nhân không liên quan đến đàm phán gián tiếp về thỏa thuận hạt nhân năm 2015. |
VĨNH AN