EU sẽ giảm lượng khí thải ít nhất 55% đến năm 2030

.

Liên minh châu Âu (EU) sẽ đưa ra dự luật bao gồm hàng loạt kế hoạch đầy tham vọng, mang tính ràng buộc về mặt pháp lý nhằm chống lại biến đổi khí hậu, trong đó phấn đấu đến năm 2030 giảm ít nhất 55% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ròng so với mức của năm 1990 và tiến tới trung hòa khí thải carbon đến năm 2050.

Theo hãng tin Reuters, ngày 14-7, Ủy ban châu Âu sẽ đề xuất 12 chính sách định hình lại sự phát triển của các ngành công nghiệp, năng lượng, giao thông và hệ thống sưởi được lắp đặt trong các tòa nhà nhằm hạn chế phát thải khí CO2. Các đề xuất này bao gồm cải cách thị trường carbon của EU, tiêu chuẩn CO2 khắt khe hơn và các mục tiêu năng lượng tái tạo đầy tham vọng hơn.

Theo đó, các nhà máy điện, nhà máy và hãng hàng không có đường bay ở châu Âu phải mua giấy phép phát thải CO2. EU cũng sẽ đánh thuế lên nhiên liệu máy bay gây ô nhiễm, đồng thời miễn thuế 10 năm đối với nhiên liệu hàng không phát thải lượng carbon thấp. Ô-tô chạy bằng xăng và dầu diesel có thể bị cấm sử dụng vào năm 2035.

Đáng chú ý, EU dự kiến công bố mức thuế điều chỉnh biên giới carbon đối với hàng hóa từ các quốc gia có lượng khí thải carbon cao như thép và xi-măng. Luật mới về biến đổi khí hậu cũng yêu cầu Brussels thành lập cơ quan độc lập để tư vấn về các chính sách khí hậu và một cơ chế giống như ngân sách để tính toán tổng lượng khí thải mà EU có thể tạo ra trong giai đoạn từ năm 2030-2050 theo các mục tiêu khí hậu của khối.

Hãng tin Reuters cho hay, trước đó, các nền kinh tế lớn đã cam kết cắt giảm phát thải khí CO2 nhằm chống lại biến đổi khí hậu. Trung Quốc cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060. Vương quốc Anh đặt mục tiêu đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Mỹ công bố mục tiêu cắt giảm 50-52% lượng khí thải so với mức năm 2005.

Theo thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được ký năm 2015, các quốc gia thống nhất hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu không quá 2 độ C và an toàn hơn là ở mức 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.

THƯ LÊ

;
;
.
.
.
.
.