Ngoại trưởng nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) họp trực tiếp tại thành phố Matera, miền nam nước Ý ngày 29-6 nhằm thúc đẩy giải pháp ứng phó với các cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Các nước G20 chiếm hơn 80% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, 75% kim ngạch thương mại toàn cầu và 60% dân số thế giới. Nhóm họp lần này, các ngoại trưởng G20 tập trung vào cách thức cải thiện hợp tác, hồi sinh kinh tế thế giới sau đại dịch cũng như thúc đẩy phát triển ở châu Phi. Với cương vị Chủ tịch G20, chương trình nghị sự của Ý dựa trên 3 trụ cột hành động: “Con người, hành tinh và thịnh vượng”.
Đặc biệt, Ý mong muốn có phản ứng tích cực mang tính quốc tế đối với đại dịch nhằm phục hồi nhanh chóng nền kinh tế thế giới dựa trên nhu cầu của người dân, những người dễ bị tổn thương nhất và phát triển bền vững để bảo vệ sự ổn định khí hậu. Ngoài ra, Ý đề xuất một loạt chủ đề khác thảo luận tại hội nghị như: chủ nghĩa đa phương, thương mại toàn cầu, an ninh lương thực, vấn đề châu Phi...
Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio cho rằng, đại dịch đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có cách thức ứng phó mang tính quốc tế với các tình huống khẩn cấp vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định tầm quan trọng của việc cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo hơn. Theo ông Blinken, cuộc khủng hoảng y tế do Covid-19 gây ra làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng kinh tế trên toàn thế giới và G20 sẽ tiếp tục hỗ trợ các nước thu nhập thấp giải quyết gánh nặng nợ.
Trước đó, ngày 28-6, ba nhóm tư vấn của G20 đưa ra đề xuất “Giảm nợ vì sự phục hồi xanh và bao trùm” nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng hoảng nợ, góp phần giúp các nước có gánh nặng nợ lớn đẩy nhanh các nỗ lực hướng tới tăng trưởng nợ bền vững hơn và một nền kinh tế carbon thấp trong quá trình hồi phục sau đại dịch. Hiện nay, có tới 22/72 nước thu nhập thấp và trung bình vẫn trong tình thế ngặt nghèo về nợ. Theo Viện Tài chính quốc tế, nợ tiếp tục tăng ở các thị trường mới nổi, lên mức cao kỷ lục trên 86.000 tỷ USD trong quý 1-2021.
Còn Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi kêu gọi các nước G20 tuân thủ và tăng cường các quy tắc thương mại quốc tế một cách công bằng, tự do - nhân tố cần thiết để cung cấp lương thực ổn định, đồng thời ngăn chặn các biện pháp hạn chế xuất khẩu. Ngoài ra, Nhật Bản nhấn mạnh các nước tuân thủ các quy tắc quốc tế về tài chính phục vụ cho phát triển, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao nhưng coi trọng tính minh bạch, bền vững.
Một trọng tâm khác được G20 quan tâm là một phần của các cuộc đàm phán thuế toàn cầu với sự tham gia của khoảng 140 quốc gia do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dẫn đầu trong bối cảnh những “gã khổng lồ” kỹ thuật số như Google LLC và Apple Inc. bị chỉ trích không đóng phần thuế phù hợp với mức lợi nhuận. G20 có kế hoạch đạt được một thỏa thuận sâu rộng về cải cách thuế quốc tế trong tháng 7-2021, đề ra các quy định mới về áp thuế đối với các công ty công nghệ toàn cầu nhằm hạn chế hành vi trốn thuế.
Theo đó, G20 có thể cho phép các quốc gia đánh thuế đối với những “gã khổng lồ” kỹ thuật số có doanh thu và mức lợi nhuận lớn từ 15% trở lên, ngay cả khi họ không hoạt động ở một quốc gia nhưng tạo ra doanh số và lợi nhuận ở đó, một phương thức được gọi là thuế kỹ thuật số. Các nền kinh tế lớn, trong đó có Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, dự kiến nhất trí mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu khoảng 15%. Đây được xem là một bước ngoặt lịch sử trong cải cách thuế quốc tế.
Như vậy, chỉ trong tháng 6-2021, hàng loạt hội nghị trực tiếp đã diễn ra ở châu Âu: thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Thượng đỉnh Mỹ - EU, thượng đỉnh Nga - Mỹ, và nay là hội nghị ngoại trưởng G20. Điều đó cho thấy “lục địa già” đang trở thành tâm điểm cho các vấn đề mang tính toàn cầu nhằm tìm kiếm giải pháp để thiết lập lại các mối quan hệ song phương và đa phương đang bị “chệch hướng”, ứng phó với các cuộc khủng hoảng sâu sắc do tác động từ những biến cố địa chính trị và Covid-19 gây ra.
TUYẾT MINH