Triển vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran

.

Việc ông Ebrahim Raisi - nhân vật theo đường lối cứng rắn giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Iran hồi tháng 6 vừa qua - dự kiến nhậm chức vào ngày 5-8 tới đặt ra câu hỏi rằng, liệu các cuộc đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) sẽ ra sao?

Qua 6 vòng đàm phán tại Vienna (Áo), các bên hiện vẫn bất đồng về những vấn đề trọng tâm, như các bước Iran cần thực hiện để trở lại tuân thủ thỏa thuận, các bước nới lỏng trừng phạt mà Mỹ có thể thực hiện đối với Tehran và các hành động cụ thể khác phải thực hiện nếu đạt được thỏa thuận.

Ngày 17-7, một tín hiệu cho thấy đàm phán về JCPOA sẽ được tiếp tục khi Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran, ông Abbas Araqchi, viết trên Twitter: “Chúng tôi đang trong giai đoạn chuyển tiếp khi một cuộc chuyển giao quyền lực dân chủ được tiến hành tại thủ đô. Do đó, các cuộc đàm phán ở Vienna rõ ràng phải đợi chính quyền mới của chúng tôi”.

Phát biểu tại một cuộc họp báo hằng tuần gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh nêu rõ: Chính phủ của Tổng thống đắc cử Ebrahim Raisi cũng sẽ tiếp tục nỗ lực vì thỏa thuận tiềm năng này do việc tôn trọng các nghĩa vụ và cam kết luôn là nguyên tắc của Tehran. Ông Khatibzadeh còn cho biết đã có tiến triển tại các cuộc đàm phán hạt nhân ở Vienna và điều này được tất cả các bên tham gia đàm phán công nhận.

Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh vẫn còn những vấn đề quan trọng cần được các bên khác quyết định, đặc biệt là Mỹ, khi việc hoàn tất thỏa thuận về khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 “dựa trên ý chí chính trị và những quyết định cứng rắn của các bên tham gia”. Ông Khatibzadeh cũng cảnh báo Iran sẽ không đưa ra thời hạn chót cho việc đạt được một thỏa thuận và Tehran cũng không vội vàng đạt một thỏa thuận, “song sẽ không cho phép đàm phán bị xói mòn”.

Iran từng cảnh báo không đàm phán “bất tận” về khôi phục JCPOA. Nhưng Mỹ và các bên liên quan trong nhóm P5+1 đều thấy rõ chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Hassan Rouhani hay người sắp kế nhiệm Ebrahim Raisi chỉ thực hiện những bước đi cụ thể, còn quyền lực chính trị tối cao ở Iran luôn thuộc về Đại giáo chủ Ali Khamenei - người đã “bật đèn xanh” cho JCPOA ký năm 2015 cũng như những nỗ lực hồi sinh thỏa thuận này.

JCPOA quy định Iran làm giàu uranium ở mức độ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% có thể tạo ra vũ khí hạt nhân. Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt Iran năm 2018, Tehran đã dần thu hẹp các cam kết của mình trong thỏa thuận. Đến nay, Iran đã làm giàu uranium lên tới độ tinh khiết 60%.

Về phía Mỹ, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 30-6, Phó Đại sứ Mỹ Jeffrey DeLaurentis khẳng định Washington luôn duy trì mục tiêu bảo đảm Iran sẽ không sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời tin tưởng ngoại giao là con đường tốt nhất để thực hiện mục tiêu này cùng sự phối hợp với các quốc gia đồng minh và các đối tác trong khu vực. Mỹ đánh giá những vòng đàm phán nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran diễn ra gần đây tại Vienna đã giúp “kết tinh các lựa chọn” cần được Tehran và Washington thực hiện để tiến đến mục tiêu cùng trở lại tuân thủ thỏa thuận.

Có thể nói, việc hồi sinh JCPOA nhằm tháo một trong những “ngòi nổ” phức tạp ở khu vực Trung Đông là một thách thức cho nhóm P5+1 nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.