Trục "Merkron" sắp khép lại

.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón tiếp Thủ tướng Đức Angela Merkel tại thủ đô Paris ngày 16-9, đánh dấu cuộc gặp gỡ cuối cùng trước khi khép lại trục “Merkron” - đầu tàu trong Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel ở thủ đô Berlin (Đức) ngày 18-6-2021. 					Ảnh: Reuters
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel ở thủ đô Berlin (Đức) ngày 18-6-2021. Ảnh: Reuters

Theo AFP, Thủ tướng Angela Merkel sẽ từ nhiệm sau cuộc bầu cử ở Đức vào ngày 26-9 tới, khép lại 16 năm bà lãnh đạo chính phủ và làm việc với 4 vị Tổng thống Pháp, bắt đầu với ông Jacques Chirac và hiện tại là ông Emmanuel Macron. Trong khi đó, ông Macron - vốn thua bà Merkel 24 tuổi - không hề che giấu sự ngưỡng mộ nữ Thủ tướng Đức, dù giữa hai nhà lãnh đạo vẫn có những quan điểm khác biệt trong cách tiếp cận các vấn đề của EU.

Năm 2019, khi quan hệ Pháp - Đức xuất hiện những bất đồng, Thủ tướng Merkel nói rằng, bà và Tổng thống Macron đã có “những cuộc tranh luận gay gắt” và suy nghĩ khác nhau, nhưng vẫn có thể thỏa hiệp. Còn ông Macron gọi sự bất đồng đó là “sự đối đầu sinh lợi” với kết quả là những thỏa hiệp cho phép hai nước và EU cùng tiến về phía trước. Hãng tin AFP dẫn lời ông Alexandre Robinet-Borgomano, chuyên gia về Đức tại Viện Nghiên cứu Montaigne của Pháp khẳng định: “Họ có phong cách khác biệt”. Ông Alexandre Robinet-Borgomano lý giải, Thủ tướng Merkel luôn tìm kiếm sự thỏa hiệp, trong khi Tổng thống Macron sẵn sàng đưa ra những tuyên bố táo bạo về “những vấn đề mà ông cảm thấy đang bị phớt lờ”. Thêm vào đó, Pháp từng phản đối Đức “đóng băng” việc bán vũ khí cho Saudi Arabia xung quanh vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi. Bất đồng về xuất khẩu vũ khí được cho là có thể tác động đến các dự án lớn trong tương lai, trong đó có kế hoạch chung của Pháp - Đức phát triển hệ thống máy bay chiến đấu và máy bay không người lái vào năm 2040.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát EU, cả hai nhà lãnh đạo đã nỗ lực thu hẹp khoảng cách về cả tuổi tác (một người 67 tuổi và một người 43 tuổi) lẫn tính cách, hình thành một trục Pháp - Đức dưới thời Macron và Merkel (còn gọi là “Merkron”) hiệu quả nhằm chèo lái một liên minh gồm 27 thành viên. “Bất chấp những khác biệt lớn, sự hợp tác của họ rất hiệu quả”, chuyên gia Pawel Tokarski của Viện Các vấn đề về an ninh và quốc tế của Đức phát biểu với AFP. Theo đó, “Merkron” đã cùng nhau xử lý các cuộc khủng hoảng lịch sử, từ việc Anh rời EU (Brexit), những sóng gió với EU trong nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đến đại dịch Covid-19. Cả hai đều hướng đến tạo ra cú hích mới cho quan hệ hợp tác song phương và xung lực mới cho trục Pháp - Đức, tìm giải pháp để EU và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chống chọi hiệu quả hơn các cuộc khủng hoảng.

Đáng chú ý trong kỷ nguyên “Merkron”, tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ) hồi tháng 7-2020, ông Macron và bà Merkel là “kiến trúc sư” của kế hoạch phục hồi kinh tế hậu đại dịch Covid-19 trị giá trị giá 750 tỷ Euro (910 tỷ USD). Gói cứu trợ này bao gồm 500 tỷ euro dưới dạng viện trợ và 250 tỷ euro cho vay giúp các nước thành viên phục hồi kinh tế.

Cũng theo AFP, giờ đây, trong buổi ăn tối của Tổng thống Macron và Thủ tướng Merkel tại Điện Élysée (giờ Paris), hai nhà lãnh đạo sẽ chuyển sự chú ý sang cuộc khủng hoảng ngoại giao và nhân đạo ở Afghanistan, cũng như các vấn đề cấp bách của EU... Cuộc gặp gỡ này cũng đánh dấu “kỷ nguyên Merkron” sắp khép lại. Song, sự chuyển biến này sẽ không thay đổi vai trò của nước Pháp và Đức. Châu Âu không thể thiếu “đầu tàu” Pháp - Đức và trục “Merkron” đã thành công khi viết tiếp câu chuyện về một liên minh như thế.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.