Dù các nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại sau thời gian dài đình trệ nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19, có những yếu tố sau đây khiến sự phục hồi có thể chậm lại:
Một là, nguy cơ dịch bệnh quay trở lại. Tờ Le Monde (Pháp) dẫn dự báo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công bố ngày 4-10 cho biết, hiện có 2 mối nguy đối với sự phục hồi kinh tế toàn cầu, có khả năng khiến thế giới quay trở lại “thời kỳ bất ổn”: Thứ nhất, giá cả tăng nhanh có thể dẫn đến việc các chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến trao đổi thương mại bị cản trở; thứ hai, đại dịch có thể quay trở lại, “có thể gây ra những rủi ro thậm chí còn lớn hơn đối với sản xuất và trao đổi thương mại toàn cầu nếu xuất hiện nhiều biến thể gây chết người hơn”.
Điểm nhấn mà WTO nêu ra là trong khi hơn 6 tỷ liều vắc-xin đã được sản xuất trên toàn thế giới, chỉ có 2,2% dân số ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất một liều. Theo cảnh báo của WTO, sự chênh lệch quá khác biệt sẽ tạo điều kiện cho nguy cơ xuất hiện và lây lan các dạng virus mới có khả năng vô hiệu hóa vắc-xin, điều này có thể dẫn đến việc áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế dịch bệnh ở nhiều nước, khiến các hoạt động kinh tế bị tê liệt.
Hai là, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn. Các nước khu vực châu Á vốn là nơi cung cấp vật tư, thiết bị quan trọng cho nhiều nhà máy quan trọng cũng như các hàng hóa thiết yếu khác ở Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, biến thể Delta đe dọa nghiêm trọng nhiều nước trong khu vực này, làm đình trệ sản xuất của các nhà máy, nhất là các chíp điện tử, hàng hóa... Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 9 lần đầu tiên suy giảm kể từ đầu năm nay. Tại Pháp, hoạt động sản xuất cũng rơi xuống mức thấp nhất từ tháng 1-2021. Ở Nhật Bản, sản lượng công nghiệp tháng 8 cũng giảm và đây cũng là tháng giảm thứ hai liên tiếp...
Ba là, thiếu năng lượng. Giá năng lượng từ Trung Quốc đến Anh đều leo thang do nhu cầu được kích hoạt vào thời điểm nguồn cung thiếu hụt. Tình trạng mất điện tại Trung Quốc, cạn kiệt nhiên liệu ở Anh và đóng cửa các nhà máy ở Đức... thời gian gần đây cho thấy nguồn năng lượng bị thiếu hụt nghiêm trọng. Nguyên nhân do Trung Quốc khan hiếm than đá cung cấp cho các nhà máy điện; Anh thiếu lái xe tải để vận chuyển xăng, dầu tới các điểm phân phối trên cả nước và giá khí đốt tăng mạnh trên toàn châu Âu khi cầu vượt quá nguồn cung.
Đối với châu Âu, thiếu hụt năng lượng và giá cả gia tăng không chỉ đe dọa sự phục hồi kinh tế mà còn tác động tiêu cực đến xã hội khi mùa đông đến gần. Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch lập kho dự trữ khí đốt chiến lược của khối này, đồng thời tách giá điện khỏi giá khí đốt. EC dự kiến công bố một loạt biện pháp tạm thời để đối phó với giá năng lượng tăng, nhưng sẽ phải chờ Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến vào ngày 21 và 22-10 để thảo luận về các biện pháp thích ứng dài hạn hơn.
Trong khi đó, Nga tuyên bố, các tuyến trung chuyển khí đốt hiện nay có thể bảo đảm việc tăng nguồn cung nhiên liệu trước khi đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga sang Đức bắt đầu được vận hành; tất cả chỉ còn phụ thuộc vào nhu cầu, các quy định theo hợp đồng và các thỏa thuận thương mại.
Còn Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) sẽ tiến hành cuộc họp trực tuyến nhằm quyết định liệu có tăng sản lượng hay không nhằm "hạ nhiệt" giá dầu.
Tình hình thị trường dầu mỏ thay đổi không đáng kể từ sau cuộc họp của OPEC+ vào đầu tháng trước, khi nhu cầu tiếp tục tạo gánh nặng lên nguồn cung dầu thô toàn cầu. Giá dầu mỏ lần đầu tiên đã tăng lên mức hơn 80 USD/thùng vào tháng trước sau gần 3 năm. Việc giá dầu tăng một mặt có lợi cho các nhà sản xuất bằng cách tăng khối lượng xuất khẩu và doanh thu, mặt khác lại gây ra những hạn chế vì giá dầu tăng có nguy cơ kìm hãm sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Có thể nói, hàng loạt yếu tố không thuận lợi đan xen lẫn nhau đã và đang tác động tiêu cực tới sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.
TUYẾT MINH