Châu Âu xoay xở với khủng hoảng năng lượng

.

Châu Âu đang ở tâm điểm cuộc khủng hoảng năng lượng lớn khi giá khí đốt tự nhiên tăng tới 600%, kéo theo những biến động và bất ổn lên nhiều lĩnh vực kinh tế trọng yếu khác khắp châu lục, từ sản xuất phân bón đến ngành công nghiệp thực phẩm cũng như chăm sóc y tế.

Công nhân làm việc tại đoạn ống dẫn thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) thuộc thành phố Kingisepp, Nga. Ảnh: Reuters
Công nhân làm việc tại đoạn ống dẫn thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) thuộc thành phố Kingisepp, Nga. Ảnh: Reuters

Dĩ nhiên cuộc khủng hoảng này không tự nhiên mà có và cũng không phải chỉ mới xuất hiện “qua một đêm”. Nó bùng lên sau những tích tụ hệ quả từ nhiều yếu tố như nhu cầu nhiên liệu tăng lại của giai đoạn phục hồi kinh tế hậu Covid-19; các biến cố liên quan thời tiết; những đứt gãy, trục trặc tại các nhà máy khai thác, sản xuất khí đốt trên toàn cầu và một số nguyên nhân khác.

Đề xuất giải pháp “hạ nhiệt” giá năng lượng

Hiện 27 quốc gia thành viên EU vẫn phải nhập khẩu khoảng 90% lượng khí tự nhiên phục vụ nhu cầu về năng lượng. Có một số quan điểm từ châu Âu cho rằng, việc Nga quyết định không chuyển khí đốt qua Ukraine hoặc Moscow đã tăng thêm nguồn tích trữ nhiên liệu của họ tại châu Âu cũng là nguyên nhân khiến cuộc khủng hoảng năng lượng ở “lục địa già” nghiêm trọng hơn.

Trang Atlantic Council dẫn một số quan điểm cáo buộc Nga biến khí đốt thành vũ khí tấn công châu Âu, cho rằng Điện Kremlin cố tình làm như vậy để gây sức ép với giới chức Đức cũng như Liên minh châu Âu (EU) phải chấp thuận cấp phép về cả kỹ thuật lẫn cơ chế quản lý để Nga có thể triển khai suôn sẻ đường ống dẫn khí đốt của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Ngày 13-10, Ủy ban châu Âu (EC) công bố danh sách các biện pháp đề xuất mà EU có thể áp dụng để “hạ nhiệt” giá năng lượng đang tăng cao nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và ngành công nghiệp, trong đó có cả tùy chọn (tự nguyện) để các nước mua chung khí đốt. Song, các biện pháp này được cho là chỉ mang tính tạm thời. Ngày 26-10 tới, các bộ trưởng châu Âu sẽ tổ chức phiên họp bất thường để thảo luận vấn đề giá nhiên liệu tăng vọt. Nếu mùa đông năm nay trở nên càng lạnh giá thì châu Âu sẽ càng khổ sở hơn. Chuỗi cung ứng sẽ bị gián đoạn, giá cả sẽ đắt đỏ, lạm phát sẽ tăng cao.

“Mấu chốt” Dòng chảy phương Bắc 2

Ngày 13-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow không dùng khí đốt làm vũ khí tấn công nước khác và quốc gia này sẵn sàng giúp châu Âu gỡ thế bế tắc trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng hiện nay. Theo Reuters, phát biểu tại hội nghị năng lượng có tên Tuần năng lượng Nga ở Moscow ngày 13-10, ông Putin cho rằng, mặc dù thị trường khí đốt chưa được cân bằng và không dễ đoán, nhất là tại châu Âu, nhưng Nga đang đáp ứng đầy đủ các trách nhiệm cam kết trong hợp đồng về việc cung cấp đủ nguồn hàng cho đối tác và sẵn sàng nâng sản lượng nếu được yêu cầu. Tổng thống Putin bác bỏ những cáo buộc rằng Nga đang lợi dụng năng lượng như một thứ vũ khí. Nhà lãnh đạo Nga cũng đề nghị Đức chấp thuận dự án Dòng chảy phương Bắc 2 để có thể giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ một quan chức của EC cho biết, EU hiện nay chưa yêu cầu Nga tăng thêm nguồn cung khí đốt cho khối này. Nga và châu Âu thời gian qua vẫn mắc mứu xung quanh tranh cãi về đường dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, vốn được xây dựng xuyên biển Baltic để cung cấp khí đốt từ Nga tới Đức. Đường ống đã được xây xong nhưng đang chờ được cấp phép để bắt đầu hoạt động.

Việc cấp phép này đang vướng sự phản đối gay gắt của Mỹ và một số nước châu Âu, đặc biệt là những nước ở Đông Âu với quan điểm rằng, đường ống cung cấp nhiên liệu đó sẽ khiến châu Âu ngày càng lệ thuộc hơn vào nguồn năng lượng của Nga.

“Chính quyền Đức nên đưa ra quyết định này. Họ vẫn chưa quyết định”, ông Putin nói. Theo nhà lãnh đạo Nga, mặc dù đường ống thuộc dự án Dòng chảy phương Bắc 2 là cần thiết để thay thế hệ thống hạ tầng cũ kỹ cũng như bảo đảm nguồn cung nhiên liệu không bị gián đoạn cho châu Âu, nhưng cũng sẽ làm triệt tiêu nguồn thu lâu nay của một số nước, cụ thể là Ukraine, khi hệ thống vận chuyển nhiên liệu không còn đi qua lãnh thổ của họ nữa.

Nga - nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới - hiện cung cấp tới 40% lượng khí đốt châu Âu. “Lục địa già” đang ngày càng tăng cường nhập khí đốt tự nhiên để sản xuất điện thay vì dùng các nguồn nhiên liệu hóa thạch như trước đây.

TRẦN ĐẮC LUÂN (Theo Atlantic Council, Reuters, Straitstimes)

;
;
.
.
.
.
.