Covid-19 sáng 31-10: Thêm 5.670 người chết; Ca nhiễm mới tại Nga lại lập kỷ lục

.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 370.000 ca nhiễm và 5.670 ca tử vong. Ca nhiễm mới lại lập kỷ lục ở Nga, trong khi ca tử vong ở nước này và Ukraine dẫn đầu thế giới

 Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Semily, CH Czech. Ảnh: AFP/TTXVN
Chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 tới bệnh viện ở Semily, CH Czech. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 31-10 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 247.098.650 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 5.009.776 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 370.830 và 5.670 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 223.828.656 người, 18.260.218 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 74.591 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Anh dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới, với 41.278 ca; tiếp theo là Nga (40.251) và Ukraine (26.198 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.160 người chết trong ngày; tiếp theo là Ukraine (541 ca tử vong); và Ấn Độ (446 ca).

Nhà chức trách Nga và Ukraine đã có nhiều biện pháp thuyết phục người dân tiêm vắc-xin phòng bệnh nhưng tỷ lệ tiêm vẫn thấp, được cho là nguyên nhân khiến ca mắc và tử vong mới liên tiếp đứng trong top đầu thế giới.

Mỹ, Ấn Độ và Brazil vẫn là 3 nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Số ca nhiễm tại Mỹ  đến nay là 46.797.869 người, trong đó có 766.094 ca tử vong. Ấn Độ ghi nhận tổng cộng 34.272.677 ca nhiễm, bao gồm 458.219 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.804.094 ca bệnh và 607.694 ca tử vong.  

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch Covid-19 với trên 79,27 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với gần 64,33 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 56,21 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 38,4 triệu ca, tiếp đến là châu Phi gần 8,56 triệu ca và châu Đại Dương trên 308.000 ca nhiễm.

Ca nhiễm mới cao kỷ lục, Nga sẽ dùng Sputnik Light làm vắc-xin tăng cường

Ngày 30-10, Nga thông báo có thêm 40.251 ca mắc mới Covid-19, mức trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này. Nga cũng ghi nhận thêm 1.160 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 237.380 ca trong tổng số 8.472.797 ca mắc.

Trước đó, ngày 20-10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho phép đóng cửa các cơ quan, công sở trên cả nước từ ngày 30-10 đến 7-11 và cho phép các địa phương bổ sung các biện pháp khác tùy tình hình dịch bệnh.

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nga, ông Mikhail Murashko cho biết nước này sẽ khuyến cáo chỉ sử dụng vắc-xin Sputnik Light ngừa Covid-19 do nước này sản xuất làm mũi tiêm tăng cường cho những người đã tiêm chủng.

Trước đó, Nga đã thông báo rằng Sputnik Light, trên thực tế là liều đầu tiên của vắc-xin Sputnik V hai mũi tiêm chủ yếu, như một loại vắc-xin độc lập hiệu quả cũng như vắc-xin tăng cường có thể kết hợp với các loại vắc-xin không do Nga điều chế.

Đầu tháng này Nga cho biết vắc-xin Sputnik Light đã chứng minh đạt hiệu quả 70% chống lại biến thể Delta ba tháng sau khi tiêm và có khả năng trở thành vắc-xin chính của nước này.

Trung Quốc có thể ngăn chặn đợt bùng phát mới nhất trong 1 tháng

Ngày 30-10, nhà dịch tễ học hàng đầu Trung Quốc Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan) cho biết nước này sẽ có thể ngăn chặn hiệu quả đợt bùng phát Covid-19 mới nhất trong vòng 1 tháng. Ông Chung Nam Sơn khẳng định “không thể xóa bỏ virus SARS-CoV-2 và đại dịch trong một thời gian ngắn”, đồng thời kêu gọi các quốc gia khác áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt và ưu tiên chống lại Covid-19 cũng như tích cực triển khai tiêm chủng. Ông bày tỏ hy vọng rằng hơn 80% dân số Trung Quốc sẽ được tiêm phòng đầy đủ vào cuối năm nay.

Cho đến nay, dịch bệnh đã bùng phát ở ít nhất 14 tỉnh của Trung Quốc và hàng triệu người đã được xét nghiệm trong tuần qua.

Ngày 30-10, Trung Quốc thông báo có thêm 59 ca lây nhiễm trong cộng đồng, mức trong ngày cao nhất kể từ giữa tháng 9, trong đó có 2 ca ở Bắc Kinh. Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu đóng cửa toàn bộ rạp chiếu phim ở quận Tây Thành cho đến ngày 14-11. Trước đó, giới chức thành phố đã yêu cầu người dân hoãn tổ chức đám cưới và tổ chức tang lễ ngắn gọn...

Đến nay, với 97.080 ca mắc Covid-19, trong đó có 4.636 ca tử vong, số ca mắc mới Covid-19 tại Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với hầu hết quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, với việc Bắc Kinh sẽ đăng cai Thế vận hội Mùa Đông vào tháng 2-2022, giới chức tỏ ra vô cùng thận trọng và nhanh chóng áp dụng các biện pháp ứng phó. Hiện, khoảng 6 triệu người ở các thành phố của Trung Quốc có ca mắc Covid-19 đã bị áp đặt hạn chế đi lại. Công ty vận hành đường sắt quốc gia Trung Quốc sẽ hoãn hoặc hạn chế các tuyến đường sắt tại những vùng dịch bệnh. Việc đi vào nhiều  khu vực, phải có kết quả xét nghiệm âm tính, nhất là đối với những người đến từ vùng dịch.

Hàn Quốc: Ca mắc mới liên tiếp tăng khi sắp nới lỏng hạn chế

Trong khi đó, ngày 30-10 là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới Covid-19 ở Hàn Quốc vượt hơn 2.100 ca trong bối cảnh nước này sắp nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch để trở lại tình trạng bình thường mới.

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), nước này có thêm 2.104 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 2.089 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca bệnh lên 362.639 ca. Hàn Quốc cũng có thêm 13 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số ca tử vong đến nay lên 2.830 ca. Trước đó, ngày 25-10, số ca mắc mới tại Hàn Quốc đã giảm xuống 1.190 ca so với mức cao nhất 3.272 ca ghi nhận ngày 25-9 trong làn sóng dịch bệnh thứ 4 bùng phát vào tháng 7. Tuy nhiên, số ca mắc mới tăng trở lại trong tuần này và vượt 2.000 ca vào ngày 28-10.

Số ca bệnh gia tăng làm dấy lên lo ngại về một làn sóng lây nhiễm mới trong bối cảnh Hàn Quốc ngày 1-11 sẽ nới lỏng một loạt biện pháp phòng chống dịch để chuyển sang trạng thái bình thường mới.  Tính đến ngày 29-10, khoảng 41,09 triệu người, tương đương 80% trong tổng số 52 triệu dân của Hàn Quốc đã được tiêm ít nhất một mũi vắc-xin trong khi 38,29 triệu người, hay 74,6% đã hoàn thành tiêm chủng.

Người từng mắc Covid-19 có nguy cơ tái nhiễm cao gấp 5 lần nếu không tiêm vắc-xin

Một nghiên cứu mới được công bố ngày 30-10 cho thấy nguy cơ mắc Covid-19 sẽ cao hơn gấp 5 lần đối với những trường hợp không tiêm chủng trong khi đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh này.

Nghiên cứu trên do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) tiến hành đối với 7.000 trường hợp sinh sống tại 9 bang của Mỹ, phải nhập viện do mắc các bệnh về đường hô hấp hoặc có các triệu chứng giống như mắc Covid-19. Kết quả nghiên cứu cho thấy những người chưa được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 và từng mắc bệnh này có nguy cơ tái nhiễm virus SARS-CoV-2 cao gấp 5 lần so với những người đã được tiêm chủng đầy đủ và chưa từng mắc bệnh này.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại trung tâm y tế ở Tarzana, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại trung tâm y tế ở Tarzana, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo CDC, các dữ liệu khoa học đã chứng minh rằng việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 có thể tạo ra phản ứng miễn dịch cao hơn, mạnh mẽ hơn và ổn định hơn, theo đó người đã được tiêm sẽ không phải nhập viện điều trị trong trường hợp mắc bệnh và "tấm lá chắn" này có tác dụng trong tối thiểu 6 tháng.

Jordan trục xuất lao động nước ngoài nếu không tiêm vắc-xin

Jordan cảnh báo sẽ trục xuất những lao động nước ngoài chưa tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa Covid-19.

Bộ Nội vụ Jordan cho biết các biện pháp chặt chẽ sẽ được áp dụng đối với những lao động nước ngoài chưa tiêm 2 mũi vắc-xin, bắt đầu từ ngày 15-12. Theo bộ trên, người lao động nước ngoài được tiêm miễn phí và không cần trình thẻ cư trú hay giấy phép lao động.

Cho đến nay, trên 3,5 triệu người trong tổng số 10 triệu dân ở Jordan đã hoàn thành tiêm chủng. Quốc gia vùng Vịnh này đã ghi nhận hơn 859.000 ca mắc Covid-19 và hơn 11.000 ca tử vong.

Philippines: Ca tử vong bất ngờ vọt tăng kỷ lục

Ngày 30-10, Philippines ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 trong 24 giờ qua tăng cao nhất từ trước đến nay.

Theo Bộ Y tế Philippines, nước này có thêm 423 ca tử vong do Covid-19, vượt kỷ lục 401 ca ghi nhận ngày 9-4, nâng tổng số ca tử vong do Covid-19 lên 43.044 ca. Quốc gia Đông Nam Á này cũng có thêm 4.008 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc Covid-19 đến nay lên 2.783.896 ca. Philippines hiện là nước có số ca mắc và tử vong do Covid-19 cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Indonesia.

Cho đến nay, Philippines đã tiêm chủng đầy đủ cho 26,8 triệu người trong tổng số 110 triệu dân ở nước này.

Lào: Ca mắc mới lại tăng mạnh, gấp đôi ngày trước

Bộ Y tế Lào ngày 30-10 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 858 ca mắc mới Covid-19 và 1 ca tử vong. Theo bộ trên, số ca mắc mới Covid-19 tại nước này tăng mạnh trong 24 giờ qua, trong đó có tới 856 ca cộng đồng ghi nhận tại 15/18 tỉnh, thành; còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Như vậy, chỉ sau một ngày có chiều hướng giảm (trên 400 ca) thì ngày 30-10, nước này lại có số ca mắc mới tăng cao trở lại.

Đáng chú ý, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn cũng gia tăng với 361 ca trong một ngày. Ngoài ra, tỉnh Luang Namtha cũng ghi nhận số ca mắc mới tăng đột biến với 155 ca. Điều này cho thấy, tình hình dịch bệnh tại Lào vẫn rất phức tạp. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc Covid-19 tại Lào đã lên tới 39.586 ca, trong đó có 62 ca tử vong.

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào giao Ủy ban chuyên trách các cấp chỉ đạo thành phần có liên quan khẩn trương lập kế hoạch phân bổ và tiêm vắc-xin cho các nhóm đối tượng, đồng thời giao chính quyền thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh trên cả nước phối hợp với các thành phần có liên quan tiếp tục cải thiện trung tâm cách ly và cơ sở điều trị để ứng phó khi số người nhiễm tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Campuchia cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Sputnik V/Nga

Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng ngày 29-10 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin Sputnik V do Nga sản xuất.

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia cấp phép sử dụng khẩn cấp 4 loại vắc-xin khác cũng do Nga sản xuất là CoviVac của Trung tâm Chumakov, Sputnik-Light của Viện Gamaleya, EpiVacCorona của Viện Nghiên cứu khoa học về sinh học phân tử (hay còn gọi là vắc-xin IMB SRC Vector) và EpiVacCorona của Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về virus và công nghệ sinh học.

Tháng 2-2021, Campuchia đã cấp phép sử dụng khẩn cấp các vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng Sinopharm và Sinovac (Trung Quốc), và vắc-xin của hãng AstraZeneca do Đại học Oxford của Anh phát triển.

Tính đến ngày 29-10, 85,64% dân số Campuchia đã được tiêm phòng ngừa Covid-19.

Ngày 30-10, số ca mắc Covid-19 tại Campuchia tiếp tục ở mức thấp với 106 ca, trong đó có 16 ca nhập cảnh. Bộ Y tế Campuchia cũng thông báo có thêm 8 ca tử vong, trong đó có 5 ca chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19.

Malaysia dự chi ngân sách kỷ lục thúc đẩy phục hồi sau đại dịch

Với mục tiêu thúc đẩy quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, chính phủ Malaysia đã đưa ra mức chi ngân sách kỷ lục trong năm 2022, tập trung vào ba trụ cột tăng cường phục hồi, xây dựng khả năng phục hồi và kích thích tăng trưởng.

Trong phiên họp Hạ viện ngày 29-10, Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Aziz đã trình bày dự thảo ngân sách cho năm 2022 với tổng số tiền dự chi kỷ lục lên tới 332,1 tỷ RM (gần 80,2 tỷ USD), tương đương 20,3% GDP và tăng gần 3% so với mức 322,54 tỷ RM (77,8 tỷ USD) đã chi tiêu trong năm 2021.

Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 31-5-2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Theo Bộ trưởng Zafrul Aziz, với triển vọng tăng trưởng kinh tế sáng sủa hơn, được dự báo ở mức từ 5,5-6,5% trong năm 2022, nguồn thu ngân sách của Malaysia sẽ đạt 234 tỷ RM (80,64 tỷ USD) trong năm tới, đủ đảm bảo cho mức dự chi trên. Ông cho biết, trong phân bổ ngân sách, chi tiêu hoạt động chiếm hơn 70% tổng dự chi với số tiền lên tới 233,5 tỷ RM, trong khi 75,6 tỷ RM (22,8%) cho chi phát triển và 23 tỷ RM còn lại chi cho Quỹ Covid-19 cùng với khoản chi dự phòng 2 tỷ RM.

Bộ Giáo dục tiếp tục nhận được khoản phân bổ ngân sách lớn nhất với 52,6 tỷ RM (12,7 tỷ USD), tương đương 16% tổng dự chi, tiếp đến Bộ Y tế nhận được 32,4 tỷ RM (7,82 tỷ USD, tương đương 9,2%) để chi cho hoạt động và phát triển. Dự luật Ngân sách sẽ được thảo luận tại Hạ viện Malaysia và dự kiến sẽ được thông qua vào cuối kỳ họp thứ hai trong năm 2021.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.