­­Covid-19 tới 6 giờ ngày 16-10: Thế giới trên 4,9 triệu ca tử vong; Số người thiệt mạng tại Mỹ tăng trở lại

.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 424.258 trường hợp mắc Covid-19 và 6.797 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu xấp xỉ 240,7 triệu ca, trong đó trên 4,9 triệu người không qua khỏi.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho học sinh tại Surakarta, Trung Java, Indonesia, ngày 14/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho học sinh tại Surakarta, Trung Java, Indonesia, ngày 14-10-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 16-10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) trên toàn cầu là 240.791.195 ca, trong đó có 4.903.930 người tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu đều chứng kiến số ca tử vong và mắc mới có xu thế giảm.

Chỉ còn vài nước tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta. Trong số này, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Nga và Brazil số ca mắc mới vẫn cao. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 86.000 ca, trong khi số ca tử vong bất ngờ tăng lên trên 1.600 trường hợp.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 218 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 17 triệu ca và trên 81.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 15-10, thế giới có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 95 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì dịch bệnh.

Với tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tiếp tục tăng, nhiều nước trên thế giới đang lần lượt điều chỉnh chiến lược phòng chống dịch, chuyển từ “zero Covid-19” sang “sống chung với Covid-19”, trong đó một số nước sự kiến sẽ thông quan từ tháng 11 tới.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 741.898 ca tử vong trong tổng số 45.639.563 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với 451.906 ca tử vong trong số 34.041.091 ca. Brazil đứng thứ 3 với 602.201 ca tử vong trong số 21.612.237 ca. Tính theo tỷ lệ dân số, Peru là quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất, theo đó cứ 100.000 người dân thì có 606 người tử vong. Tiếp đến là Bosnia-Herzegovina với 338 người và CH Bắc Macedonia với 331 người/100.000 dân.

Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Xét theo khu vực, Mỹ Latinh và Caribe hiện có hơn 1,5 triệu ca tử vong trong hơn 45,4 triệu ca. Tiếp đến là châu Âu, có hơn 70 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 1,3 triệu ca tử vong. Châu Á ghi nhận hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 76,8 triệu ca. Bắc Mỹ có hơn 1,1 triệu ca tử vong trong hơn 54,1 triệu ca. Châu Phi ghi nhận hơn 214.800 ca tử vong, trong khi số người không qua khỏi ở châu Đại Dương là hơn 3.100 người.

Thủ tướng Scott Morrison thông báo kể từ ngày 1-11 tới, công dân Australia, những người có thị thực thường trú ở Australia và thân nhân trực tiếp của những người này, sẽ không cần cách ly khi nhập cảnh nếu đã tiêm đầy đủ vắc-xin ngừa Covid-19. Tuy nhiên, quy định này chưa áp dụng đối với du khách nước ngoài.

Chính quyền bang New South Wales (NSW) cũng cho biết tất cả du khách đến bang này sẽ không phải cách ly kể từ ngày 1-11 nếu chứng minh được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin ngừa Covid-19, đã được Cơ quan quản lý dược phẩm Australia (TGA) phê duyệt và kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính trước khi khởi hành.

Cho đến nay, TGA đã phê duyệt lưu hành vắc-xin của hãng Pfizer và Moderna, vắc-xin Sinovac của Trung Quốc và Covidshield của Ấn Độ. Theo Thủ hiến bang bang NSW Dominic Perrottet, những người nhập cảnh chưa được tiêm chủng sẽ vẫn phải trải qua thời gian cách ly tại khách sạn, nhưng chính quyền bang chỉ có thể bố trí chỗ ở cách ly cho tối đa 210 người/tuần.

Vùng đô thị Canberra của Australia ghi nhận hơn 99% cư dân trên 12 tuổi đã được tiêm mũi một vắc-xin phòng Covid-19, trong khi 76% người thuộc nhóm tuổi này đã được tiêm đủ 2 mũi. Truyền thông Australia dự báo với tốc độ này thì vào cuối tháng 11, Canberra sẽ vượt Lisbon của Bồ Đào Nha và thủ đô của Singapore để trở thành thành phố có đông dân được tiêm vắc-xin phòng bệnh Covid-19 nhất trên thế giới.

Thông tin trên được ra ra trong bối cảnh vùng thủ đô của Australia vừa chấm dứt biện pháp phong tỏa sau 9 tuần áp dụng, cho phép nới lỏng một số biện pháp hạn chế, trong đó các quán rượu, nhà hàng, phòng tập thể hình, các trung tâm giải trí và các cửa hàng cắt tóc được hoạt động trở lại với các hạn chế về số người được phục vụ ở cùng một thời điểm.

Trong khi đó tại Mỹ, chính phủ sẽ dỡ bỏ các hạn chế đi lại với những người nước ngoài đã được tiêm phòng đầy đủ. Theo đó, người đến từ hơn 30 quốc gia cụ thể sẽ được phép nhập cảnh Mỹ qua các cửa khẩu hàng không và đường bộ từ ngày 8-11.

Sinh viên xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Sydney, Australia, ngày 9/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Sinh viên xếp hàng chờ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại Sydney, Australia, ngày 9-8-2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ tháng 3-2020, Mỹ đã hạn chế du khách nhập cảnh nước này, trừ trường hợp thực sự cần thiết, để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch Covid-19. Ngày 20-9 vừa qua, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ hạn chế với du khách từ 33 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và hầu hết các nước châu Âu, từ đầu tháng 11.

Tuy nhiên, khi đó, Mỹ chưa nêu thời điểm cụ thể sẽ thực hiện quyết định này. Khi đó, Nhà Trắng cũng thông báo sẽ yêu cầu người nước ngoài nhập cảnh từ mọi quốc gia trên thế giới phải có chứng nhận tiêm phòng vắc-xin đầy đủ. Những người không phải là công dân Mỹ khi nhập cảnh bằng đường hàng không sẽ phải có xác nhận tiêm phòng trước khi lên máy bay và phải có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19. Những du khách nước ngoài khi nhập cảnh bằng đường bộ không cần có kết quả xét nghiệm âm tính.

Hải quân Mỹ thông báo nhân viên và quân nhân trong lực lượng này buộc phải tiêm đủ liều vắc-xin trước thời hạn ngày 28-11 tới, những trường hợp từ chối tiêm buộc phải ra khỏi lực lượng. Theo Hải quân Mỹ, hiện 98% trong tổng số 350.000 nhân viên trong lực lượng này đã tiêm một mũi vắc-xin hoặc tiêm phòng đầy đủ.

Trong khi đó, số liệu của Lầu Năm Góc cho thấy 96,7% trong gần 1,4 triệu quân nhân nước này đã tiêm ít nhất 1 mũi và 83,7% đã tiêm đủ liều. Phó Đô đốc Hải quân John Nowell cho biết dịch Covid-19 đã khiến 164 nhân viên trong lực lượng này tử vong, đáng chú ý là 144 người trong số này chưa tiêm vắc-xin.

Cũng trong ngày 15-10, Pháp đã dừng chương trình xét nghiệm Covid-19 miễn phí cho tất cả người dân. Đây là một phần trong nỗ lực của chính phủ nước này nhằm khuyến khích người dân đi tiêm phòng.

Hiện nay, tại Pháp, để có thể vào các nhà hàng, quán cafe, địa điểm thi dấu thể thao và các địa điểm giải trí như rạp chiếu phim, người dân phải có chứng nhận âm tính với Covid-19, chứng nhận mới hồi phục sau khi mắc bệnh hoặc chứng nhận đã được tiêm phòng đầy đủ. Khi việc tiêm phòng đã trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn cho tất cả mọi người, Chính phủ Pháp cho rằng không nên coi xét nghiệm là một biện pháp thay thế cho tiêm phòng.

Như vậy, gần 7 triệu người dân Pháp hiện chưa tiêm phòng hoặc mới tiêm được một mũi sẽ phải trả từ 22-44 euro (25-50 USD) cho một lần xét nghiệm. Việc xét nghiệm miễn phí sẽ chỉ được áp dụng với những người không thể tiêm phòng vì các lý do y tế được xác nhận, những người mới tiếp xúc với người bệnh, những người mới có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc những người được yêu cầu đi xét nghiệm vì lý do y tế.

Bên cạnh mục đích khuyến khích người dân đi tiêm, biện pháp trên sẽ giúp chính phủ tiết kiệm được chi phí cho việc xét nghiệm Covid-19, dự kiến sẽ lên mức 6,2 tỷ euro (7,2 triệu USD) trong năm 2021, tăng mạnh so với mức 2,2 tỷ USD vào năm 2020.

Hiện Pháp ghi nhận hơn 5.000 ca mắc mới/ngày, với nhiều dấu hiệu cho thấy làn sóng dịch bệnh thứ 4 tại nước này đang dần qua đi. Cũng từ ngày 15-10, các nhân viên làm việc tại bệnh viện, phòng khám và viện dưỡng lão cũng như các lính cứu hỏa và lái xe cứu thương tại nước này sẽ phải cung cấp xác nhận tiêm phòng đầy đủ nếu muốn tiếp tục hợp đồng làm việc và nhận lương.

Từ ngày 15-10, tất cả người lao động ở Italy sẽ bắt buộc phải xuất trình chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, còn gọi là thẻ xanh, khi đến nơi làm việc. Quy định thẻ xanh được Chính phủ Italy thông qua hồi tháng trước, theo đó tất cả người lao động phải có chứng chỉ kỹ thuật số hoặc giấy tờ xác nhận đã tiêm phòng Covid-19, kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ hoặc được điều trị khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng, mới được đến nơi làm việc.

Những lao động không có thẻ xanh sẽ bị đình chỉ làm việc mà không được trả lương, hoặc đối mặt với mức phạt 1.500 euro (khoảng 1.700 USD) nếu phớt lờ quy định. Chính phủ Italy hy vọng quy định bắt buộc có thẻ xanh Covid-19 sẽ giúp thay đổi quan điểm của những người chưa tiêm chủng. Hiện Italy có hơn 80% dân số trên 12 tuổi đã tiêm phòng Covid-19 đầy đủ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 15% số lao động trong lĩnh vực tư nhân và 8% trong lĩnh vực công ở nước này chưa có thẻ xanh.

Bộ Y tế Nam Phi cho biết nước này sẽ bắt đầu tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên vào tuần sau, đồng thời tiêm mũi bổ sung cho những người gặp vấn đề về hệ miễn dịch. Theo bộ này, bắt đầu từ ngày 20-10, trẻ em sẽ có thể được tiêm một mũi vắc-xin duy nhất của hãng Pfizer. Mũi thứ hai sẽ được hoãn lại để chờ các nghiên cứu sâu hơn về các tác dụng phụ hiếm gặp.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 13-10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 29.639 ca mắc bệnh Covid-19 so với 1 ngày trước; Trong khi tổng số ca tử vong tới nay tăng lên trên 272.400 người.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á đang tiếp tục xu thế hạ nhiệt, số ca mắc mới và tử vong tại các nước đi ngang trong mấy ngày gần đây. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì Covid-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Brunei, Lào và Việt Nam.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận trên 1.000 ca bệnh mới và chỉ có 48 ca tử vong.

Diễn biến dịch cũng bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Ngày 13-10, Philippines chứng kiến số ca mắc mới cao thứ hai và ca tử vong cao nhất Đông Nam Á. Malaysia từng là điểm nóng song 1 ngày qua chỉ ghi nhận 4,712 ca mắc mới. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ không công bố số liệu dịch bệnh. Tình hình Covid-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Chỉ còn Thái Lan là vẫn đáng ngại, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 13-10 ghi nhận thêm trên 10.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 82 người, đứng thứ ba toàn khối.

Campuchia có xu thể dịch đi ngang mấy ngày trước đây, với 272 bệnh nhân mới và 15 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Bangkok, Thái Lan, ngày 8/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Nhân viên y tế tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho người dân ở Bangkok, Thái Lan, ngày 8-10-2021. Ảnh: THX/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 270.223 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 429 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 12,6 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 11,9 triệu trường hợp.

Nhìn chung, toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca Covid-19 mới, trong khi 3 nước không công khai số liệu.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.