Ngăn khủng hoảng kép ở Afghanistan

.

Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cam kết hỗ trợ Afghanistan vượt qua cuộc khủng hoảng kép kinh tế và nhân đạo.

Những người tị nạn từ Afghanistan đến Pakistan ngày 1-9. 				                 Ảnh: Reuters
Những người tị nạn từ Afghanistan đến Pakistan ngày 1-9. Ảnh: Reuters

Chủ trì hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của G20 theo hình thức trực tuyến ngày 12-10, Thủ tướng Ý Mario Draghi nói rằng, ưu tiên hiện nay là phải tìm câu trả lời cho cuộc khủng hoảng kép tại Afghanistan; để thực hiện được điều đó thì thế giới phải hợp tác và hành động. Hãng tin Reuters cho biết, vấn đề được đặt ra là để hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan thì phải có các cuộc tiếp xúc với Taliban - lực lượng nắm quyền ở quốc gia Nam Á này từ ngày 15-8. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), chưa công nhận hoặc không công nhận chính phủ lâm thời Taliban ở Afghanistan.

Theo Reuters, EU cam kết viện trợ 1 tỷ euro (1,2 tỷ USD) cho Afghanistan, bao gồm tiền hỗ trợ các nhu cầu nhân đạo khẩn cấp và tiền hỗ trợ các nước láng giềng đang tiếp nhận người dân Afghanistan tị nạn. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, nói rằng khoản viện trợ nói trên nhằm ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế - xã hội và nhân đạo lớn. Song, khoản tiền này sẽ được “hỗ trợ trực tiếp” cho người dân Afghanistan và chuyển đến các tổ chức quốc tế, chứ không thông qua chính phủ lâm thời Taliban.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cam kết cung cấp 1 tỷ USD viện trợ và hỗ trợ cho Afghanistan trong 20 năm tới. Nhật Bản cung cấp tổng cộng 200 triệu USD trong năm nay. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận với các nhà lãnh đạo G20 về tình hình Afghanistan. Chính phủ Mỹ sẽ đưa ra quyết định về các khoản dự trữ của Afghanistan dựa trên cơ sở hành động của chính phủ tương lai ở quốc gia Nam Á này.

Kể từ khi Taliban giành quyền kiểm soát Afghanistan, đất nước vốn phải xoay xở với hạn hán và nghèo đói sau nhiều thập niên chiến tranh, nay tiếp tục chứng kiến nền kinh tế bên bờ vực sụp đổ khi mọi viện trợ bị ngừng lại, làm dấy lên lo ngại về dòng người tị nạn, nạn buôn bán ma túy bất hợp pháp, mạng lưới tội phạm gia tăng... Gần 9,5 tỷ USD tài sản của Ngân hàng trung ương Afghanistan bị Mỹ đóng băng; viện trợ phát triển của EU cho Afghanistan cũng bị ngừng; ngân hàng hết tiền; viên chức không được trả lương; giá thực phẩm và tình trạng thất nghiệp gia tăng. Hàng triệu người có nguy cơ thiếu đói nghiêm trọng khi mùa đông đến. Các nước châu Âu lo ngại người tị nạn Afghanistan sẽ kéo đến EU. Theo ước tính của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR), tới cuối năm nay, sẽ có khoảng 500.000 người Afghanistan rời khỏi nước này. Nhiều người được cho là sẽ tới các nước châu Á như Pakistan hoặc Tajikistan. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, cộng đồng quốc tế không thể đứng nhìn 40 triệu người sống trong tình trạng không có điện, không có hệ thống tài chính...

Theo AFP, Thủ tướng Ý Draghi gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là “phản ứng đa phương đầu tiên” đối với cuộc khủng hoảng Afghanistan. “Chủ nghĩa đa phương đang trở lại, dù có chút khó khăn nhưng nó đang trở lại”, ông Draghi nói. Song, vị Thủ tướng Ý cho rằng, việc phối hợp với Taliban để giải quyết khủng hoảng không đồng nghĩa với việc công nhận chính phủ do lực lượng này nắm quyền. Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo G20 cũng nêu rõ: Các chương trình nhân đạo trong tương lai nên tập trung vào phụ nữ và các bé gái ở Afghanistan; đồng thời nên dành lối đi an toàn cho người dân - những người muốn rời khỏi đất nước.

Song, tất cả những hỗ trợ nói trên chỉ là giải pháp tạm thời. Taliban tuyên bố, Afghanistan đang bên bờ vực thảm họa nhân đạo, còn các nước phương Tây tiếp tục thảo luận về “những vấn đề xa xôi” như giáo dục cho phụ nữ. Việc không công nhận chính phủ Taliban, những thách thức về kinh tế và những thách thức trong việc Taliban điều hành đất nước có thể làm gia tăng căng thẳng ở Afghanistan trong những ngày tới.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.