Ngày 7-10, Ủy ban Noel công bố người đoạt giải Nobel Văn học 2021 là tiểu thuyết gia người Tanzania Abdulrazak Gurnah vì “sự thâm nhập không khoan nhượng và nhân ái của ông đối với những tác động của chủ nghĩa thực dân cũng như số phận của những người tị nạn trong hố sâu ngăn cách giữa các nền văn hóa và lục địa”. Hãng tin AP dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Nobel về văn chương Anders Olsson mô tả Gurnah là “một trong những nhà văn hậu thuộc địa nổi bật nhất thế giới”. Trong những tác phẩm của Gurnah, các nhân vật thường bị kẹt giữa các nền văn hóa và lục địa, phải liên tục làm mới chính mình để phù hợp với môi trường sống.
Tiểu thuyết gia người Tanzania Abdulrazak Gurnah. Ảnh: Getty Images |
Theo AP, Gurnah sinh ra trên đảo Zanzibar (Tanzania) nhưng đến Anh tị nạn vào cuối những năm 1960. Từ năm 1980-1982, ông giảng dạy tại Đại học Bayero Kano ở Nigeria. Sau đó, ông chuyển đến Đại học Kent (Anh), lấy bằng tiến sĩ vào năm 1982.
Gurnah đã xuất bản 10 tiểu thuyết và một số truyện ngắn, với chủ đề xuyên suốt về những người lưu vong. Ông nổi tiếng với tiểu thuyết Paradise (1994), được phát triển từ chuyến đi nghiên cứu đến Đông Phi vào khoảng năm 1990. Paradise có tên trong danh sách đề cử cuối cùng của giải Booker năm 1994. Tiểu thuyết này được đánh giá là bước đột phá của ông trong sự nghiệp văn chương.
Hãng tin AFP cho biết, trong lịch sử 120 năm của giải Nobel Văn học, có đến 95 nhà văn đoạt giải là người châu Âu hoặc Bắc Mỹ, chiếm hơn 80%. Riêng Pháp đã 15 lần giành giải Nobel Văn học, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
BÌNH YÊN