Nhiều quan điểm khác biệt về chống biến đổi khí hậu

.

Sắp nhóm họp ở thủ đô Rome của Ý, các nhà lãnh đạo nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vẫn có những quan điểm khác biệt về việc loại bỏ dần than đá và giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5 độ C.

Một người biểu tình mang tấm biển có dòng chữ “Hãy cứu hành tinh” khi tham gia một cuộc đình công ở Milan (Ý) ngày 1-10. Ảnh: Reuters
Một người biểu tình mang tấm biển có dòng chữ “Hãy cứu hành tinh” khi tham gia một cuộc đình công ở Milan (Ý) ngày 1-10. Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters dẫn lời Thủ tướng Ý Mario Draghi cho biết, hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome ngày 30 và 31-10 sẽ bàn về biến đổi khí hậu, Covid-19 và giải pháp phục hồi toàn cầu sau đại dịch. Trong đó, vấn đề biến đổi khí hậu là nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho hội nghị lần thứ 26 (COP26) các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) ở thành phố Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) diễn ra từ ngày 31-10 đến 12-11.

Phát biểu tại Thượng viện Ý ngày 21-10, Thủ tướng Draghi nói rằng, nếu không có sự tham gia của các nền kinh tế lớn nhất thế giới thì sẽ không thể thực hiện được các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và hạn chế tình trạng ấm nóng toàn cầu. Đến nay, các nước như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ trong việc giảm khí thải kể từ khi các bộ trưởng Năng lượng và Môi trường G20 nhóm họp ở thành phố Naples của Ý hồi tháng 7. Song, theo ông Draghi, các bước đi chậm như vậy là bình thường và sẽ khó có sự nhượng bộ của bất kỳ nước nào trước khi diễn ra cuộc họp vào ngày 30 và 31-10 ở Rome.

Hãng tin Reuters dẫn lời một bộ trưởng G20 cho rằng, vấn đề đặt ra chính là cam kết giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5 độ C và giai đoạn loại bỏ than đá, nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc, Ấn Độ cùng Nga.

Hiệp định Paris được các nước ký kết năm 2015 kêu gọi giới hạn mức nhiệt của Trái đất ở mức dưới 2 độ C và ở mức 1,5 độ C nếu có thể. Tại Naples hồi tháng 7, các bộ trưởng G20 thống nhất rằng, “việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, nhất là sau giai đoạn Covid-19, là công cụ thúc đẩy nhanh và toàn diện tăng trưởng kinh tế - xã hội, tạo ra việc làm và phải là một tiến trình chuyển đổi mà không ai bị bỏ lại phía sau”. Song, các bộ trưởng chưa nhất trí về cách diễn đạt giới hạn sự ấm lên của Trái đất ở mức từ 1,5-2 độ C mà Hiệp định Paris đề ra, đồng thời yêu cầu cần thu hẹp sự khác biệt này khi các nhà lãnh đạo họp thượng đỉnh ở Rome.

Ấn Độ là nước phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ đến Rome. Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng xác nhận sẽ đến thủ đô của Ý. Tuy nhiên, ít nhất 4 nhà lãnh đạo G20 sẽ vắng mặt gồm: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tham dự COP26, nhưng chưa rõ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có đến sự kiện quan trọng này hay không. 

Cũng theo Reuters, cả Nga, Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều không cam kết đưa mức phát thải về còn 0 vào năm 2050, vốn được xem là một mục tiêu quan trọng trong việc giữ nhiệt độ Trái đất tăng không quá 1,5 độ C. Trung Quốc đã công bố mục tiêu đầy tham vọng là sẽ trung hòa carbon vào năm 2060. Bắc Kinh cũng tuyên bố sẽ dừng hoạt động đầu tư nước ngoài vào các nhà máy điện sử dụng than đá, nhưng gần 60% hoạt động kinh tế của nước này vẫn dựa vào nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch. Ấn Độ là nước tiêu thụ than đá thứ hai thế giới, nhưng New Delhi chưa công bố thời hạn đưa mức khí thải carbon ròng về 0. Còn với Nga, Tổng thống Putin hôm 16-10 tuyên bố nước này sẽ nỗ lực trung hòa carbon trước năm 2060.

Ông Alok Sharma, Chủ tịch COP26 nói rằng, G20 - vốn chiếm 80% khí thải toàn cầu - có thể đạt được những đột phá về biến đổi khí hậu tại Glasgow hơn là ở Rome.

HOÀNG DƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.