Căng thẳng ở biên giới Ba Lan - Belarus

.

Trong bối cảnh lực lượng chức năng của cả Ba Lan lẫn Belarus cùng siết chặt kiểm soát biên giới, những người di cư bị mắc kẹt lại nên phải trú tạm trong những khu lều bạt tạm bợ tại đây trong tiết trời lạnh giá.

Người di cư tập trung tại vùng Grodno, khu vực biên giới giữa Belarus với Ba Lan. Ảnh: Reuters
Người di cư tập trung tại vùng Grodno, khu vực biên giới giữa Belarus với Ba Lan. Ảnh: Reuters

Cảnh sát Ba Lan ngày 11-11 thông báo đã chặn được 2 nhóm người di cư từ biên giới Belarus sang, trong khi lực lượng biên phòng nước này thông báo trên Twitter rằng đã phát hiện 223 người cố tình vượt biên trái phép.

Chặn di chuyển bằng đường hàng không

Ngày 11-11, Liên minh châu Âu (EU) gần đạt được thỏa thuận với các hãng bay để các hãng này giúp EU ngăn chặn việc đưa người di cư từ các nơi tới Belarus. Trước đó, EU cáo buộc chính quyền của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã đưa hàng loạt di dân tới biên giới Belarus và Ba Lan để dùng họ làm “vũ khí” gây sức ép với EU. Minsk bác bỏ những cáo buộc này.

Theo trang Politico, hãng hàng không Turkish Airlines chuẩn bị hợp tác với EU trong việc ngăn dòng người tị nạn di chuyển bằng đường hàng không sau một loạt cuộc đàm phán giữa Warsaw, Ankara, Berlin và Brussels. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã thương thuyết với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Ngoại trưởng Ba Lan Zbigniew Rau thảo luận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu về hoạt động của hãng bay Turkish Airlines trong tuần này.

Các hãng hàng không không tự nhiên hợp tác với EU. Trước đó, không chỉ đe dọa trừng phạt Minsk mà EU còn thảo luận về việc sẽ đưa các hãng bay bên thứ ba như Turkish Airlines và Aeroflot vào danh sách trừng phạt mở rộng vì tội buôn người, đưa người vượt biên nếu họ không hợp tác với Brussels. Những kế hoạch có tính răn đe đó đã phát huy tác dụng vì “rốt cuộc các thị trường EU vẫn quan trọng hơn là 10 chuyến bay tăng thêm tới Belarus”, một nhà ngoại giao cấp cao EU bình luận với Politico.

Theo một quan chức EU, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dừng bán vé máy bay một chiều từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Minsk. Họ cũng không cho hãng bay Belavia của Belarus được khai thác các chuyến bay liên danh ở Trung Đông của Turkish Airlines. Một điểm nữa là hãng bay của Thổ Nhĩ Kỳ cũng dừng bán vé từ Istanbul đi Minsk cho những người mang một số quốc tịch cụ thể như Iraq, Syria, Yemen.

Lithuania là điểm đến tiếp theo?

Bên cạnh những thỏa thuận giữa EU và Turkish Airlines, Ủy viên châu Âu phụ trách di trú, ông Margaritis Schinas, cho biết ngày 11-11 đã có cuộc thảo luận tốt đẹp với những người đồng cấp của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại Dubai - nơi có hai hãng bay Etihad và Emirates và cũng là quốc gia trung chuyển của các chuyến bay kết nối tới Minsk. Ông Schinas kêu gọi Hiệp hội hàng không Arab yêu cầu các thành viên không giúp Tổng thống Lukashenko.

Chưa dừng ở đó, ông Schinas hiện có mặt tại Beirut (Lebanon) để gặp Tổng thống Michel Aoun và Thủ tướng Najib Mikati cùng các quan chức hàng đầu của nước chủ nhà. Đây là những người có thể giúp EU ngăn dòng người di cư bằng đường hàng không tới Minsk trên các chuyến bay của hãng Aeroflot (Nga).
Sau cuộc họp của các ngoại trưởng EU vào tuần tới (ngày 15-11), một cuộc họp khác của các bộ trưởng nội vụ khối này cũng sẽ được triệu tập để giải quyết khủng hoảng.

Ở một diễn biến khác liên quan, Bộ trưởng Quốc phòng các nước Lithuania, Estonia và Latvia phát tuyên bố chung sau cuộc họp ngày 11-11. “Chúng tôi nhận thấy tình huống hiện nay là cuộc khủng hoảng an ninh khó khăn nhất với EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong nhiều năm. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ Ba Lan trong việc bảo vệ các đường biên giới chung của chúng ta; đồng thời kêu gọi EU, NATO có những phản ứng rõ ràng và ngay lập tức để bảo đảm những âm mưu gây bất ổn tại châu Âu sẽ thất bại”, tuyên bố chung nêu.

EU lo ngại sau Ba Lan, Lithuania có thể là điểm đến mới của các di dân khi nước này có chung gần 700km đường biên giới với Belarus.

Tổng thống Nga điện đàm với Thủ tướng Đức
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm tiếp theo trong ngày thứ hai liên tiếp với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 11-11. Trong điện đàm, nhà lãnh đạo Nga kêu gọi chấm dứt cuộc khủng hoảng di cư, cho rằng Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko có thể đã đi quá xa.
Theo thông báo từ Điện Kremlin về cuộc điện đàm thứ hai, ông Putin và bà Merkel “khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay càng sớm càng tốt theo những tiêu chuẩn nhân đạo quốc tế”. Trong khi đó, bà Merkel kêu gọi nhà lãnh đạo Nga xúc tiến các cuộc đàm phán hòa bình tại Ukraine trong bối cảnh Nga được cho là đang tăng cường điều động quân nhân tới khu vực biên giới với Ukraine.

TRẦN ĐẮC LUÂN (Theo Politico, AP)

;
;
.
.
.
.
.