Châu Âu loay hoay chống Covid-19

.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), với hơn 2,2 triệu ca nhiễm mới và 28.000 ca tử vong do Covid-19 trong tuần qua, nhiều quốc gia có số ca nhiễm mới ở mức chưa từng có, châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch của toàn cầu.

Nhân viên kiểm tra thẻ xanh y tế của khách tại một quán cà phê ở Paris (Pháp). Ảnh: New York Times
Nhân viên kiểm tra thẻ xanh y tế của khách tại một quán cà phê ở Paris (Pháp). Ảnh: New York Times

Hãng tin Reuters cho biết, ngày 16-11, Đức ghi nhận hơn 52.800 ca nhiễm mới, trong khi Cộng hòa Czech có thêm gần 22.500 ca nhiễm. Đây là mức tăng hằng ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại 2 quốc gia châu Âu này. Ngày 17-11, phát biểu trong cuộc gặp gỡ các thủ hiến bang để thảo luận về đại dịch Covid-19, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: “Tình hình dịch bệnh hiện tại ở Đức rất nghiêm trọng. Làn sóng thứ tư đang tấn công đất nước chúng ta”.

Nhiều bang ở Đức, nhất là những bang bị ảnh hưởng nặng, đang thực hiện những biện pháp cứng rắn để hạn chế những người chưa tiêm chủng tham gia các hoạt động đời sống xã hội. Từ ngày 20-11, bang Hamburg không cho những người chưa tiêm chủng vào các quán ăn, nhà hàng, câu lạc bộ và các sự kiện trong không gian kín. Tại bang Baden-Wurttemberg, người chưa tiêm vắc-xin cũng bị hạn chế các hoạt động từ ngày 17-11.

Ông Olaf Scholz, người sẽ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Đức vào tháng 12 tới, mô tả những nỗ lực của giới chức là minh chứng cho thấy nước này đang ứng phó với dịch bệnh và ngăn các bệnh viện trở nên quá tải trong mùa đông. Trong khi đó, bà Merkel thúc giục người dân Đức đi tiêm vắc-xin. “Mọi người được tiêm chủng là nhằm bảo vệ chính mình và bảo vệ những người khác”, bà Merkel nói. Theo Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI), đến ngày 16-11, có 58,3 triệu người Đức (70,1%) đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin; 56,2 triệu người (67,7%) đã tiêm đầy đủ 2 mũi.

Tại Áo, từ ngày 15-11, nước này áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại đối với những người chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 hoặc người mới khỏi bệnh (chưa tiêm phòng). Có khoảng 65% trong số gần 9 triệu người Áo đã được tiêm chủng đầy đủ, thấp hơn mức trung bình 67% của các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), theo AFP. “Bảo vệ người dân là nhiệm vụ của chính phủ Áo”, Thủ tướng Alexander Schallenberg nói.

Hà Lan một lần nữa thực hiện phong tỏa một phần trong 3 tuần. Các bar, nhà hàng và các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa lúc 18 giờ, các cửa hàng thiết yếu đóng cửa lúc 20 giờ. Chính phủ Hà Lan cũng thông báo chiến dịch tăng cường vắc-xin sẽ bắt đầu vào tháng 12 dù 82% dân số trên 12 tuổi đã được tiêm phòng đầy đủ.

Pháp quyết định siết chặt các điều kiện đi lại đối với những người chưa được tiêm chủng tại 8 quốc gia thành viên EU gồm: Đức, Áo, Bỉ, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Hà Lan và Cộng hòa Czech. Du khách chưa được tiêm vắc-xin đến từ các quốc gia này phải trình xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên được thực hiện trong vòng 24 giờ trước khi khởi hành đến Pháp.

Các nước Đông Âu như Bulgaria và Romania, với tỷ lệ tiêm vắc-xin lần lượt là 24% và 36%, mức thấp nhất ở “lục địa già”, cũng đang chứng kiến số ca nhiễm và tử vong gia tăng, nhưng nguyên nhân được cho là không phải do thiếu vắc-xin.

BÌNH YÊN

;
;
.
.
.
.
.