Trong thông cáo ngày 24-11, Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật châu Âu (ECDC) cảnh báo gánh nặng vì Covid-19 đổ lên hệ thống y tế các nước sẽ rất lớn trong tháng 12 và tháng 1 nếu các chính phủ không tăng tốc nỗ lực phòng ngừa.
Người dân chờ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 tại thủ đô Vienna ngày 23-11, ngày thứ hai Áo áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn số ca nhiễm tăng trở lại. Ảnh: AP |
Tính đến ngày 25-11, châu Âu có tổng cộng 81,4 triệu ca nhiễm và 1,5 triệu ca tử vong do Covid-19. Thông cáo được ECDC phát trong bối cảnh số ca nhiễm tại “lục địa già” vượt qua các mốc đã ghi nhận trước đó tại nhiều nước châu Âu ngày 24-11. Châu lục này một lần nữa trở thành tâm dịch, đúng như cảnh báo trước đó không lâu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Theo hãng tin Reuters, các nước như Slovakia, Cộng hòa Czech, Hà Lan và Hungary đều đang ghi nhận số ca mắc mới theo ngày tăng cao khi mùa đông cận kề và dịp đoàn tụ, nghỉ lễ Giáng sinh cũng sắp tới. Thông cáo ngày 24-11 một lần nữa khẳng định tính cấp thiết của việc cần tăng tốc các chương trình hành động ngăn dịch lây lan nếu không muốn đối mặt với hậu quả có thể nghiêm trọng trong 1-2 tháng tới.
Giám đốc ECDC Andrea Ammon kêu gọi các chính phủ châu Âu đẩy nhanh tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, trong đó chú ý bổ sung kịp thời các mũi tăng cường và tái áp đặt các biện pháp hạn chế. “Những điều này cần được làm ngay”, báo New York Times dẫn lời bà Ammon nói, đồng thời nhấn mạnh: “Đây không phải chuyện chọn làm hay không”.
Đến nay, khoảng 66% dân số Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm ngừa đủ, nhưng tỷ lệ tiêm giữa các nước chưa đồng đều, theo dữ liệu của ECDC. Chẳng hạn, ở Bulgaria, chỉ 24,2% dân số đã tiêm đủ liều vắc-xin; con số này ở Bồ Đào Nha là 86,7%. Do đó, bà Ammon cho rằng, còn một khoảng trống lớn về tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 trong EU và không thể nhanh chóng khỏa lấp được khoảng trống này, dẫn đến nguy cơ virus có thể lây lan.
Các biện pháp được cơ quan y tế châu Âu khuyến nghị bao gồm đeo khẩu trang, làm việc từ xa, giữ khoảng cách an toàn và giảm các tương tác xã hội nếu có thể. Theo bà Ammon, các biện pháp phong tỏa giống như một cái “phanh gấp” khi các chính phủ “muốn hạ bớt số ca nhiễm cao trong một khoảng thời gian ngắn”.
Thời điểm cuối năm dương lịch cũng là dịp lễ, nghỉ ngơi của người phương Tây. Bà Ammon nói rằng chưa biết các hoạt động lễ cuối năm có bị ảnh hưởng dịch bệnh hay không. “Chúng ta vẫn còn một thời gian nữa mới tới Giáng sinh. Tuy nhiên, nếu tình hình không khả quan hơn, có thể những biện pháp phòng ngừa sẽ kiểm soát luôn cả dịp lễ này”, bà Ammon nói. ECDC cũng khuyến nghị các nước EU nên tiêm vắc-xin tăng cường cho người trưởng thành, đặc biệt ưu tiên những người từ 40 tuổi trở lên. Đây cũng là thay đổi đáng kể so với các hướng dẫn tiêm ngừa của châu Âu khi trước đó chỉ khuyến nghị tiêm bổ sung cho người già và những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Trong những tuần gần đây, châu Âu chứng kiến số ca nhiễm mới, số ca nhập viện và cả số ca tử vong tăng vọt. Đây là lý do buộc nhiều chính phủ phải áp đặt các hạn chế mới, trong đó có Áo - quốc gia đầu tiên tại Tây Âu phải tái áp đặt lệnh phong tỏa kể từ khi có vắc-xin Covid-19.
Ngày 24-11, Ý công bố những quy định hạn chế mới với những người dân chưa tiêm vắc-xin ngừa Covid-19. Những người này bị cấm đến các nhà hàng, bar, hộp đêm; không được xem các chương trình biểu diễn trực tiếp, các sự kiện thể thao và không được tham gia các hoạt động lễ của cộng đồng. Ngày 23-11, Ý cho phép những người trưởng thành tiêm mũi 2 vắc-xin từ ít nhất 5 tháng trước có thể bắt đầu tiêm bổ sung.
Tại Bồ Đào Nha, Bộ trưởng Y tế Marta Temido thông báo, cuối tháng 1 năm tới, nước này sẽ tiêm mũi tăng cường cho 1/4 dân số.
TRẦN ĐẮC LUÂN
WHO: Nên thực hiện biện pháp phòng dịch dù đã tiêm vắc-xin Theo hãng tin MSN, phát biểu trong cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 24-11, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng, nhiều người sai lầm khi nghĩ không cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi đã tiêm vắc-xin. Ông thúc giục người được tiêm chủng đầy đủ vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách, tránh tụ tập và để không gian trong nhà thông thoáng. Biến thể Delta dễ lây lan hơn, đồng nghĩa với hiệu quả giảm lây truyền dịch của vắc-xin giảm sút. “Vắc-xin cứu được nhiều người nhưng không hoàn toàn ngăn chặn dịch lây lan”, ông Tedros nói. THIÊN BÌNH |