Trên Twitter, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres viết: “Kết quả của COP26 là sự thỏa hiệp, phản ánh những mối quan tâm, mâu thuẫn và ý chí chính trị trên thế giới ngày nay. Hiệp ước này là một bước tiến quan trọng nhưng vẫn chưa đủ”.
Tất cả 197 nước tham dự COP26 đã ký thỏa thuận chống biến đổi khí hậu. Ảnh: EPA |
Hãng tin Reuters cho biết, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26) bế mạc vào ngày 13-11 tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) với thỏa thuận nhất trí hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C, mục tiêu được đề ra trong Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận tại COP26 kêu gọi các nước “giảm dần điện than, không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả”, đồng thời thừa nhận sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng. Đây là lần đầu tiên điện than và nhiên liệu hóa thạch được đề cập tại một thỏa thuận của hội nghị thượng đỉnh khí hậu LHQ.
Để thực hiện được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C, thế giới phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.
Thỏa thuận cũng nhấn mạnh sự cấp thiết trong việc huy động nguồn tài trợ khí hậu, bao gồm việc tăng đáng kể hỗ trợ cho các nước đang phát triển, vượt quá 100 tỷ USD/năm; thúc giục các nước phát triển hoàn thành mục tiêu tài trợ 100 tỷ USD đã cam kết…
COP26 được xem là bài kiểm tra quan trọng để đánh giá mức độ đáng tin cậy của tiến trình quốc tế và Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu. Hãng tin Reuters dẫn lời Đặc phái viên Mỹ về khí hậu, ông John Kerry, bày tỏ: “Tôi nghĩ rằng cuộc đàm phán rất hiệu quả”. Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, thỏa thuận là bước tiến lớn nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong những năm tới. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng nhận định, sẽ không có thời gian để nghỉ ngơi bởi công việc khó khăn vẫn ở phía trước.
COP26 diễn ra trong 2 tuần và kéo dài thêm 1 ngày so với kế hoạch nhưng vẫn không xoa dịu được những quan ngại của các nước dễ bị tổn thương về cam kết của các nước giàu có trong việc tài trợ chống biến đổi khí hậu. Đến phút cuối, Ấn Độ bác bỏ một điều khoản kêu gọi loại bỏ điện than. Sau cuộc tranh luận giữa Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), điều khoản này đã được sửa đổi vội vã để yêu cầu các nước “cắt giảm” việc sử dụng than đá (thay đổi cụm từ “loại bỏ than đá” thành “giảm dần sử dụng than đá”).
Phát biểu với Reuters, Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu của Ấn Độ Bhupender Yadav cho rằng, nước này nói lên tiếng nói của các nước đang phát triển. Theo ông, thỏa thuận COP26 đề cập loại bỏ than đá, nhưng vẫn “im lặng” về dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.
Xét cho cùng thì COP26 chưa làm ấm lòng tất cả các bên, nhất là các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu. Trên Twitter, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres viết: “Kết quả của COP26 là sự thỏa hiệp, phản ánh những mối quan tâm, mâu thuẫn và ý chí chính trị trên thế giới ngày nay. Thỏa thuận này là bước tiến quan trọng nhưng vẫn chưa đủ”. Ông Guterres cho rằng, thảm họa khí hậu đang đến gần và Trái đất đang trong cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”.
Trong khi đó, theo Chủ tịch COP26 Alok Sharma, thỏa thuận dù chưa thực sự hoàn hảo nhưng cho thấy “sự đồng thuận và ủng hộ” của nhiều nhà lãnh đạo trên toàn cầu về biến đổi khí hậu vì một “hành tinh xanh”. Vấn đề còn lại là hiện thực hóa những gì đạt được tại COP26 và đây sẽ là chặng đường dài.
VĨNH AN