COP26: Hiện thực hóa Thỏa thuận khí hậu Paris

.

Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) khai mạc ở thành phố Glasgow của Scotland (Vương quốc Anh) ngày 31-10. Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson gọi sự kiện này là “khoảnh khắc của sự thật” để hiện thực hóa thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.

Các cuộc tuần hành diễn ra ở Rome (Ý) ngày 30-10 kêu gọi G20 hành động để cứu hành tinh. Ảnh: AP
Các cuộc tuần hành diễn ra ở Rome (Ý) ngày 30-10 kêu gọi G20 hành động để cứu hành tinh. Ảnh: AP

Theo Reuters, COP26 là hội nghị thượng đỉnh về khí hậu lớn nhất kể từ hội nghị ở Paris (Pháp) năm 2015. COP26 cũng được xem là “cơ hội tốt cuối cùng” để thế giới có thể bảo đảm mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015. Mục tiêu tham vọng nhất trong thỏa thuận này là khống chế mức tăng nhiệt của Trái đất dưới 1,5 độ C, đồng nghĩa với việc giảm 50% mức phát thải ròng vào năm 2030 và đưa về mức 0 vào năm 2050.

Hành động khẩn cấp để tránh thảm họa khí hậu

Hãng tin BBC cho biết, các phái đoàn đến từ khoảng 200 quốc gia sẽ công bố họ cắt giảm khí thải như thế nào trước năm 2030. Với tình trạng Trái đất đang ấm nóng do nhiên liệu hóa thạch, các nhà khoa học cảnh báo cần hành động khẩn cấp để tránh thảm họa khí hậu. Thủ tướng Anh Boris Johnson gọi COP26 là “khoảnh khắc của sự thật”. “Nếu chúng ta không giữ được tia hy vọng ở COP26, nhân loại sẽ đối mặt với vấn đề thật sự”, ông Johnson phát biểu tại Rome (Ý) ngày 30-10 khi tham dự hội nghị thượng đỉnh các quốc gia công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Ông Johnson cũng nhận định, nếu các nhà lãnh đạo thế giới không thể tìm được tiếng nói chung tại COP26 thì sẽ dẫn đến “những sự kiện địa chính trị vô cùng khó khăn”.

Hãng tin Reuters dẫn lời bà Jennifer Haverkamp, từng là nhà đàm phán về khí hậu trong chính phủ Mỹ thời Tổng thống Barack Obama cho rằng, COP26 thực sự quan trọng vì diễn ra sau khi Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC) công bố báo cáo về khí hậu khẳng định phát thải do con người gây ra đã làm thay đổi hành tinh một cách nguy hiểm và vĩnh viễn. Báo cáo hồi tháng 8 của IPCC cũng kêu gọi các chính phủ và doanh nghiệp giảm phát thải ngay lập tức, tiến tới giảm 50% lượng khí ô nhiễm vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Hầu hết các nước đã nâng mức cam kết giảm khí thải. Ngay trước thềm COP26, hai quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu tại vùng Vịnh là Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Saudi Arabia tuyên bố sẽ đưa lượng khí thải ròng về mức 0 vào các năm 2050 và 2060. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng cam kết giảm 50% lượng khí thải ròng của nước này vào năm 2030 so với mức của năm 2005. Tuy nhiên, theo các quan chức LHQ, thế giới còn xa mới đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris.

Mục tiêu trung hòa khí thải

COP26 diễn ra từ ngày 31-10 đến 12-11 có thể sẽ không mang lại một hiệp ước, nhưng được kỳ vọng hiện thực hóa những nội dung của Thỏa thuận Paris. COP26 cũng là cơ hội để Tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện cam kết và vai trò dẫn dắt của cường quốc hàng đầu thế giới sau khi người tiền nhiệm Donald Trump rút khỏi Thỏa thuận Paris. Tổng thống Biden muốn chứng tỏ rằng, Mỹ - quốc gia phát thải lớn thứ hai thế giới - đang trở lại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhưng những tranh cãi trong nước đang đe dọa làm suy yếu thông điệp mà ông mang đến Glasgow.

Một vấn đề đặt ra là hội nghị thượng đỉnh G20 ở Rome - sự kiện tạo đà cho COP26 - cho thấy sẽ không có cam kết chắc chắn nào về việc khống chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, cũng như cách thức đưa mức phát thải ròng về 0. G20 (trong đó có các thành viên Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức, Mỹ...) vốn chiếm 80% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Trung Quốc đã cam kết lượng khí phát thải CO2 đạt mức cao nhất trước năm 2030, sau đó giảm dần và đạt mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2060. Song, theo AP, Trung Quốc chưa ấn định thời gian kết thúc việc xây dựng các nhà máy than đá ở trong nước. Đồng thời, cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều chống lại các nỗ lực của G20 về việc loại bỏ dần tiêu thụ than đá.

Các nhà hoạt động vì khí hậu cũng hy vọng G20 có các bước đi hiện thực hóa khoản tài chính 100 tỷ USD mỗi năm tài trợ cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực tế, các nước giàu đã không viện trợ đầy đủ theo cam kết này và không có gì chắc chắn họ sẽ hành động đúng với lời nói.
Tham dự COP26, các quốc gia ít nhiều có những thách thức riêng trong việc đạt mục tiêu trung hòa khí thải. Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu đang kêu gọi sự quan tâm nhiều hơn và được tài trợ nhiều hơn. Song, vấn đề chính được đặt ra trên bàn đàm phán là lòng tin, như Thủ tướng Johnson nói: “Một trong những thách thức lớn nhất mà các cuộc đàm phán về khí hậu phải đối mặt là sự thiếu hụt lòng tin giữa các bên”. Và COP26 có thể sẽ là cơ hội để kết nối sự sự tin tưởng giữa các quốc gia nhằm hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.

VĨNH AN

;
;
.
.
.
.
.