COP26 phải đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris

.

Mục tiêu chính của hội nghị Liên Hợp Quốc đang diễn ra ở thành phố Glasgow (Scotland, Vương quốc Anh) là bảo đảm cam kết của các nước về việc giảm phát thải khí nhà kính, giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu không tăng quá 1,5 độ C. Đây cũng là nội dung của Thỏa thuận Paris về khí hậu.

Nhà máy điện than thuộc sở hữu của Công ty Indonesia Power ở Suralaya, tỉnh Banten, Indonesia. Ảnh: Reuters
Nhà máy điện than thuộc sở hữu của Công ty Indonesia Power ở Suralaya, tỉnh Banten, Indonesia. Ảnh: Reuters

Hãng tin AP dẫn lời ông Frans Timmermans, người đứng đầu chính sách khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) ngày 8-11 khẳng định: Các cuộc đàm phán tại hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow phải tập trung đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015. Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson cũng kỳ vọng điều này.

Các nhà khoa học cho rằng, để đạt được những nội dung của Thỏa thuận Paris, lượng khí thải CO2 ròng phải về 0 vào năm 2050. Đáng lưu ý là nhiều nước gây ô nhiễm nhất thế giới đã tuyên bố tiếp tục cắt giảm lượng phát thải carbon trong những thập niên tới, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chuyển từ than sang điện sạch

Than đá là nhân tố riêng lẻ lớn nhất gây biến đổi khí hậu. Tại COP26, tổng cộng 190 quốc gia và các tổ chức đã cam kết bỏ than đá theo lộ trình phù hợp với từng nước. Tuy nhiên, thỏa thuận có tên “Tuyên bố chuyển đổi từ than sang điện sạch toàn cầu” vắng bóng các nước sản xuất than và khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, Nhật Bản.

Hãng tin Reuters cho biết, ngày 8-11, giới chức Úc thông báo sẽ tiếp tục khai thác và bán than đá trong nhiều thập niên tới. Bộ trưởng Tài nguyên Úc Keith Pitt nói rằng, nhu cầu về than vẫn tiếp tục tăng cho đến năm 2030, nếu Úc không chiếm lĩnh thị trường này thì các quốc gia khác cũng sẽ thay thế Canberra.
Úc đã chịu thiệt hại nặng nề trong các đợt hạn hán và cháy rừng khốc liệt do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra. Hiện còn khoảng 300.000 người dân Úc đang làm việc trong lĩnh vực phụ thuộc vào khai thác than. Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng đã công bố kế hoạch đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Tuy nhiên, quốc gia này không tham gia cam kết toàn cầu về loại bỏ điện than.

COP26 cũng đặt kỳ vọng vào những cam kết của Mỹ và vai trò lãnh đạo của cường quốc này trong vấn đề chống biến đổi khí hậu. Song, Tổng thống Mỹ Joe Biden chưa có công cụ hiệu quả để hiện thực hóa các cam kết của mình, trong đó có việc không đưa ra lập trường rõ ràng về việc chấm dứt sứ mệnh của than đá, có lẽ để tránh những áp lực từ nghị trường trong nước. 

Năng lượng hạt nhân trở lại

Trải qua những thời điểm giá khí đốt tăng cao, nhiều nước châu Âu chọn điện hạt nhân là giải pháp trung hạn. Hãng tin Reuters cho biết, Pháp và các nước Đông Âu đang thúc đẩy đưa năng lượng hạt nhân và khí tự nhiên vào danh sách phân loại năng lượng. Pháp, Phần Lan, Cộng hòa Czech coi năng lượng nguyên tử là phương tiện để đạt được các mục tiêu khí hậu, vì nhà máy điện hạt nhân không thải ra CO2. Bỉ có kế hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện để loại bỏ dần các nhà máy điện hạt nhân vào năm 2025.

Tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu ÂU (EU) hồi tháng 10 ở Brussels (Bỉ), Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Von der Leyen nói rằng, năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời là lựa chọn tốt giúp châu Âu bảo đảm sự độc lập về năng lượng trong tương lai, trong lúc khối này cần giảm CO2 để chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, châu Âu vẫn cần năng lượng hạt nhân để bảo đảm nguồn cung ổn định.

Năng lượng hạt nhân được cho là giúp sản xuất điện mà không sản sinh ra khí CO2. Đây là đòn bẩy quan trọng để trung hòa lượng carbon vào năm 2050, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Trong lúc COP26 đang diễn ra ở Glasgow, nhiều nhóm biểu tình thúc giục các chính trị gia tìm giải pháp giảm khí thải, nhưng không nhóm nào chống lại điện hạt nhân.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.