Động thái mới của Pháp liên quan tới vấn đề quyền đánh bắt cá

.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết định hoãn các biện pháp trừng phạt mà nước này dự kiến sẽ áp dụng với Vương quốc Anh từ ngày 2-11 để tiếp tục đàm phán, sau những can thiệp của Ủy ban châu Âu (EC) nhằm giảm bớt bất đồng gia tăng giữa hai nước về quyền đánh bắt cá kể từ khi Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một cuộc họp báo ở Paris. Ảnh: AFP/TTXVN
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một cuộc họp báo ở Paris. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, Pháp tuyên bố sẽ cấm tàu đánh cá Anh cập bến tại các cảng của Pháp và tăng cường kiểm tra hàng hóa nhập khẩu của Anh vào Pháp từ ngày 2-11 nếu chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson không cấp thêm giấy phép cho các tàu cá của nước này. Tuy nhiên, vài giờ trước thời hạn trên, Tổng thống Macron tuyên bố sẽ trì hoãn các biện pháp để "tạo cơ hội" cho các cuộc đàm phán, sẽ tiếp tục vào ngày 2-11.

Phát biểu bên lề Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh, ông Macron cho biết không nên áp đặt các biện pháp trừng phạt khi đàm phán đang diễn ra, và cho rằng Anh sẽ có những đề xuất mới trong cuộc đàm phán tại Paris vào cuối tuần này giữa Bộ trưởng Brexit của Vương quốc Anh David Frost và Bộ trưởng phụ trách châu Âu của Pháp.

Tổng thống Macron cho biết, ông tin rằng Thủ tướng Anh sẽ xem xét các đề xuất của Pháp một cách nghiêm túc để các cuộc đàm phán có thể thành công.

Người phát ngôn của Chính phủ Anh hoan nghênh thông báo của Pháp và cho biết Anh sẵn sàng tiếp tục các cuộc thảo luận về đánh bắt cá, bao gồm việc xem xét bằng chứng mới để hỗ trợ các đơn xin cấp phép còn lại.

Bất đồng giữa hai bên về quyền đánh bắt cá đã âm ỉ trong nhiều tháng sau khi Anh không cấp phép cho một số tàu thuyền nhỏ của Pháp đánh cá trong vùng biển của Anh, vốn là một yếu tố quan trọng của thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU.

Pháp "phàn nàn" Anh chỉ cấp một nửa số giấy phép đánh bắt mà nước này được hưởng theo thỏa thuận. Trong khi Anh cho rằng đã cấp giấy phép cho gần 1.700 tàu của EU đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này từ ngày 31-12-2020, chiếm tới 98% các đơn xin cấp phép của EU, Pháp khẳng định số còn lại (khoảng 10%) không được cấp chủ yếu là tàu thuyền của Pháp.

Anh cho biết chỉ từ chối cấp phép cho các tàu thuyền không chứng minh được lịch sử đánh cá trong vùng biển của Anh trước Brexit, trong khi Pháp cho rằng London cố tình kéo dài quy trình cấp phép và nhắm chủ yếu vào các tàu đánh cá của nước này.

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 1-11 thông báo triệu tập một cuộc họp trực tuyến giữa các quan chức của EC, Pháp, Anh để đưa ra giải pháp nhanh chóng cho các vấn đề còn tồn tại. Trong khi Pháp muốn có thêm giấy phép cho các tàu đánh cá, các quan chức Anh khẳng định cuộc họp khó có thể giải quyết tranh chấp trừ khi Pháp đưa ra bằng chứng mới về lịch sử hoạt động đánh bắt tại vùng biển nước này.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.