Ngày 27-12, Iran yêu cầu Mỹ và các đồng minh cam kết về việc cho phép Tehran xuất khẩu dầu thô trong bối cảnh đàm phán nhằm hồi sinh thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 (còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA) được nối lại.
Vòng đàm phán tiếp theo về JCPOA đang diễn ra tại Vienna (Áo) với sự tham gia của đại diện Iran, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp, Đức. Các nhà đàm phán tiếp tục thảo luận về triển vọng Mỹ quay lại JCPOA cũng như cách thức bảo đảm tất cả các bên thực thi đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận. Hãng tin AP dẫn lời Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian cho biết, nước này muốn vòng đàm phán tập trung xác nhận cụ thể về thời điểm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran.
Theo đó, Mỹ và đồng minh phải cho phép Iran nối lại việc xuất khẩu dầu thô “một cách dễ dàng và không có bất kỳ rào cản nào”, đồng thời tiền bán dầu phải được chuyển vào tài khoản ngân hàng của nước Cộng hòa Hồi giáo này. Nhà ngoại giao hàng đầu của Iran cũng nhấn mạnh: Tehran “có thể được hưởng các nhượng bộ kinh tế đầy đủ theo thỏa thuận hạt nhân”. Chính phủ của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi cũng đã nhiều lần yêu cầu dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt kinh tế trước khi Tehran tuân thủ các cam kết trong JCPOA.
Năm 2018, Mỹ rút khỏi JCPOA và áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Iran, trong đó có dầu mỏ - ngành kinh tế huyết mạch của quốc gia Trung Đông này. Xuất khẩu dầu thô của Iran giảm mạnh và các công ty dầu mỏ quốc tế hủy bỏ các thỏa thuận với Tehran, khiến nền kinh tế nước này suy yếu.
THƯ LÊ