Chưa đầy một tuần sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24-2, Ukraine nộp đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Để quốc gia này trở thành thành viên mới trong EU cần có sự đồng thuận của 27 quốc gia thành viên hiện hữu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên phải) nói với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky: “Châu Âu ở bên các bạn và sẽ như vậy cho tới khi nào các bạn còn cần”. Ảnh: AFP |
Ngày 17-6, Ủy ban châu Âu họp bàn về việc có ủng hộ ý định gia nhập khối của Ukraine hay không. Sự ủng hộ được dự đoán gần như chắc chắn từ nhánh hành pháp của EU, song đây mới chỉ là bước sơ khởi cho lộ trình gia nhập kéo dài cả thập niên. Nếu có bước đầu tiên này, nó cũng phát đi thông điệp mang tính biểu tượng mạnh mẽ, bày tỏ tinh thần đoàn kết của EU với Ukraine. Ở một khía cạnh nào khác, nó sẽ xoáy sâu hơn nữa vào những xung khắc giữa EU và các đồng minh với Nga.
Các nước lớn EU ủng hộ
Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến đề xuất tư cách ứng cử viên chính thức để trở thành thành viên EU cho Ukraine và quốc gia láng giềng Moldova vào ngày 17-6 (giờ Brussels, Bỉ). Theo Financial Times, sau khi đến Kiev ngày 16-6, lãnh đạo Pháp, Đức, Ý và Romania đều bày tỏ ủng hộ Ukraine gia nhập EU, song nhấn mạnh rằng nước này cần có “những cải cách sâu sắc” để chống nạn tham nhũng.
“Ukraine thuộc về gia đình châu Âu. Một cột mốc trong tiến trình gia nhập EU là việc trao tư cách ứng cử viên. Các nước EU sẽ thảo luận vấn đề này trong những ngày tới và cần sự đồng thuận của tất cả 27 nước. Tôi sẽ vận động để có được sự ủng hộ này trong Hội đồng châu Âu”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết.
Thủ tướng Ý Mario Draghi tuy ủng hộ việc EU ngay lập tức trao cho Ukraine tư cách ứng cử viên chính thức, nhưng ông nói rằng việc này chỉ mở ra lộ trình gia nhập khối cho Kiev, còn việc nước này trở thành thành viên chính thức thì phải mất nhiều năm, thậm chí hàng thập niên.
Phát biểu trong cuộc gặp 4 nhà lãnh đạo châu Âu đến thăm Ukraine, Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky khẳng định, cách tốt nhất để chứng minh “quan điểm chung và vị thế mạnh mẽ của chúng ta” là ủng hộ Ukraine gia nhập EU, đồng thời nhấn mạnh Kiev sẵn sàng trở thành một thành viên đầy đủ của EU.
Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về đề xuất gia nhập khối của Ukraine tại phiên họp ở Brussels ngày 23 và 24-6. EC dự kiến áp đặt các điều kiện buộc Ukraine và Moldova phải đáp ứng về các phương diện luật pháp, công lý và chống tham nhũng để thỏa mãn những tiêu chí trong lộ trình gia nhập EU.
Dù vậy, quyết định cuối cùng để Ukraine gia nhập EU phải được 27 quốc gia thành viên EU phê chuẩn. Quy trình để một nước gia nhập khối gồm nhiều bước phức tạp và thường đòi hỏi hơn một thập niên để hoàn tất.
Còn nhiều tranh cãi
Theo AP, nhiều quan chức tại một số nước EU, đáng kể nhất là Đan Mạch và Bồ Đào Nha, đã bày tỏ quan điểm không muốn trao cơ chế ứng viên EU cho Ukraine. Họ lập luận rằng, nếu không phải Ukraine đang trong tình trạng chiến tranh, quốc gia này sẽ không thể đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết để có thể khởi động các cuộc thảo luận về tư cách thành viên EU. Cũng theo những quan chức này, Moldova thậm chí còn ở xa hơn nữa trong việc đáp ứng các yêu cầu sơ khởi đó.
Ngoài ra, cũng có những ý kiến cho rằng, những “lấn cấn” không chỉ là mức độ sẵn sàng của Ukraine, mà còn cả về khả năng tiếp nhận các thành viên mới. EU đã lớn mạnh từ ý tưởng ban đầu là một khối tự do thương mại trở thành một thực thể thống nhất về địa chính trị, nhưng quá trình lớn mạnh đó vẫn chưa hoàn thiện và đôi khi còn có những trục trặc. Việc Anh rời EU là một ví dụ nổi bật.
Những vấn đề khác cũng được đề cập như hai quốc gia ở Tây Balkan là Albania và Bắc Macedonia chờ đợi nhiều năm qua để được trở thành thành viên EU nhưng tiến trình gia nhập vẫn chưa hoàn tất. Giới quan sát cho rằng, trong khi Albania và Bắc Macedonia chưa được phê chuẩn là thành viên EU thì tấm vé cho Ukraine có lẽ khó nhanh được, vì nếu Kiev được ưu tiên, hẳn sẽ có những rắc rối phát sinh.
ĐẮC LUÂN - PHÚC NGUYÊN