Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải và Tổ chức Y tế thế giới nhận định thế giới đang ở thời điểm thuận lợi nhất để chấm dứt đại dịch Covid-19 là hai sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng các nhà lãnh đạo khu vực khác tại Hội nghị thượng đỉnh SCO ở Samarkand. Ảnh: AFP |
Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO)
Trong ngày 15 và 16-9, Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã diễn ra tại thành phố Samarkand (Uzbekistan). Hội nghị lần này được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử không chỉ về quy mô mà cả những kết quả đạt được.
Hội nghị SCO lần thứ 22 có sự tham gia của 15 lãnh đạo các quốc gia trên thế giới, trong đó có rất nhiều lãnh đạo từ các quốc gia Trung Đông. Kết thúc hội nghị, lãnh đạo các quốc gia thành viên đã ký và công bố Tuyên bố chung Samarkand của Hội đồng nguyên thủ quốc gia SCO. Hội nghị cũng đưa ra các tuyên bố về bảo vệ an ninh lương thực toàn cầu, an ninh năng lượng quốc tế, đối phó với biến đổi khí hậu và duy trì chuỗi cung ứng an toàn, ổn định và đa dạng.
Đáng chú ý, Iran đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về việc trở thành thành viên đầy đủ của tổ chức. Theo Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian, với việc trở thành thành viên đầy đủ của SCO, Iran hiện đã bước vào một giai đoạn mới về hợp tác kinh tế, thương mại, vận tải và năng lượng.
Cũng tại hội nghị thượng đỉnh SCO lần này, Bộ Ngoại giao Ai Cập đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về gia nhập SCO với tư cách là đối tác đối thoại. Đây là bước quan trọng trong việc tăng cường quan hệ với các quốc gia thành viên của tổ chức này. Hội nghị cũng bắt đầu tiến hành các thủ tục để Belarus gia nhập SCO, đồng thời công bố Ấn Độ là nước giữ chức Chủ tịch luân phiên SCO trong năm 2022-2023.
Hội nghị thượng đỉnh SCO lần này còn chứng kiến các cuộc gặp gỡ bên lề của lãnh đạo các nước, trong đó có cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine. Trong cuộc hội đàm, ông Putin và người đồng cấp Tập Cận Bình đã thảo luận về cuộc xung đột ở Ukraine, vấn đề Đài Loan và bày tỏ sẵn sàng hợp tác nhằm đưa thế giới phát triển bền vững và tích cực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn có cuộc gặp Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko. Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong mọi tình hình.
Trong khi đó, Tổng thống Putin cũng có cuộc họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh. Tổng thống Putin khẳng định Nga quan tâm tới hợp tác với Trung Quốc và Mông Cổ bởi hai nước này có chung cách tiếp cận với Moskva trong phần lớn các vấn đề toàn cầu.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga, Trung Quốc với phương Tây đang ở mức thấp, giới chuyên gia nhận định việc SCO mở rộng hợp tác với các quốc gia Trung Á đang mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia thành viên.
Nhà nghiên cứu George Magnus tại Trung tâm Trung Quốc của Đại học Oxford bình luận: “Các quốc gia Trung Á rất giàu dầu mỏ và tài nguyên thiên nhiên. Trung Quốc đang dành sự ưu ái lớn đối với họ. Với sự ủng hộ của Nga về kinh tế và chính trị, tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ cố gắng củng cố các mối quan hệ kinh tế và thương mại với các đối tác quan trọng này”.
Phó giáo sư Artyom Lukin tại Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (Nga) cũng nhận định: “Trong bối cảnh phương Tây đang cố gắng bóp nghẹt nền kinh tế Nga, Trung Á có thể trở thành tuyến đường quan trọng giúp nước này vượt qua các lệnh trừng phạt và hạn chế những tác động của chúng”.
Thế giới đang ở thời điểm thuận lợi nhất để chấm dứt đại dịch Covid-19
Tranh tường tôn vinh nhân viên y tế giữa đại dịch Covid-19 ở Dublin, Ireland. Ảnh: Reuters |
Ngày 14-9, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định thế giới đang ở thời điểm thuận lợi nhất để chấm dứt đại dịch Covid-19.
Tuyên bố trên được đưa ra khi nhà lãnh đạo WHO cho biết số ca mắc mới và tử vong vì Covid-19 hàng tuần đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3-2022. Ông kêu gọi thế giới nắm lấy cơ hội để chấm dứt đại dịch. Theo báo cáo dịch tễ hằng tuần mà WHO gửi các cơ quan báo chí sau cuộc họp báo, tuần qua, thế giới ghi nhận hơn 3,13 triệu ca Covid-19 mới (giảm 28% so với tuần trước) và 10.935 ca tử vong (giảm 22% so với tuần trước).
“Chúng ta chưa bao giờ có cơ hội tốt hơn để kết thúc đại dịch. Chúng ta vẫn chưa ở thời điểm đó nhưng cuối cùng mục tiêu đó đã hoàn toàn trong tầm tay”, ông Ghebreyesus nhấn mạnh và kêu gọi thế giới duy trì những nỗ lực phòng chống đại dịch đã khiến trên 6 triệu người tử vong.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO. Ảnh: Reuters |
Dù cho rằng sẽ có những làn sóng lây nhiễm trong tương lai nhưng các quan chức WHO khẳng định thế giới đã có trong tay những công cụ như vaccine phòng bệnh, thuốc chữa bệnh để ngăn chặn bệnh trở nặng.
Cũng tại buổi họp báo, WHO khuyến nghị 6 chính sách cho các quốc gia thành viên. Trước tiên là đầu tư tiêm chủng đầy đủ cho 100% nhóm đối tượng nguy cơ cao nhất. Hai là tiếp tục xét nghiệm và giải trình tự gien virus để giám sát các biến chủng, tích hợp dịch vụ giám sát và xét nghiệm SARS-CoV-2 với các bệnh đường hô hấp khác bao gồm cúm. Ba là bảo đảm có một hệ thống chăm sóc sẵn sàng bệnh nhân Covid-19, tích hợp vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu; lập kế hoạch cho các đợt bùng phát với sự chuẩn bị về vật tư, thiết bị và nhân lực. Bốn là duy trì các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn tại cơ sở y tế.
Tiếp đến, các chính phủ cần trao đổi rõ ràng với cộng đồng về bất kỳ thay đổi nào trong chính sách phòng chống đại dịch Covid-19. Cuối cùng, kiên quyết chống lại thông tin sai lệch, phát triển thông tin y tế chất lượng cao ở định dạng kỹ thuật số.
Kể từ khi Covid-19 bùng phát đến nay, thế giới đã ghi nhận trên 616,7 triệu ca mắc và trên 6,5 triệu ca tử vong. Trước sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trên diện rộng về mặt địa lý, Tổng Giám đốc Ghebreyesus ngày 11-3-2020 đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.
Để chiến đấu với cuộc khủng hoảng y tế chưa có tiền lệ, cả thế giới đã cùng chạy đua để tìm cách bào chế vaccine phòng Covid-19 - loại vũ khí được coi là hữu hiệu, là lá chắn giúp bảo vệ con người trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Suốt hơn 2 năm qua, thế giới đã chứng kiến những nỗ lực rất lớn trong việc đẩy nhanh tỉ lệ bao phủ vaccine.
Theo thống kê của tổ chức Our World in Data, tới nay, 67,9% dân số thế giới đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng Covid-19. 12,66 tỷ liều đã được tiêm trên toàn cầu và 3,64 triệu liều đang được tiêm mỗi ngày.
Tiến sĩ Michael Head, thành viên nghiên cứu cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Đại học Southampton, nhận định các chính phủ đang xem xét cách tốt nhất để kiểm soát Covid-19 giống như việc giám sát và chăm sóc sức khỏe định kỳ của người dân. Ông bình luận: “Có lẽ đã công bằng khi nói rằng hầu hết các quốc gia trên thế giới đang vượt khỏi giai đoạn khẩn cấp trong nỗ lực ứng phó với đại dịch”.
Theo Baotintuc.vn