Vụ tài liệu mật của Tổng thống Joe Biden: Tại sao phải chỉ định công tố viên đặc biệt?

.

Để tránh những xung đột lợi ích có thể xảy ra, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland ngày 12-1 (giờ địa phương) tuyên bố chỉ định công tố viên đặc biệt điều tra việc vì sao lại có các tài liệu mật của Chính phủ tại 2 nơi: nhà riêng và văn phòng cũ của Tổng thống Joe Biden.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc họp tại Tòa nhà Văn phòng điều hành Eisenhower ở Washington, D.C., tháng 11- 2022. Ảnh: CNN
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc họp tại Tòa nhà Văn phòng điều hành Eisenhower ở Washington, D.C., tháng 11- 2022. Ảnh: CNN

Việc chỉ định này là sự việc đáng chú ý với ông Biden, nó cũng đánh dấu một thời khắc hiếm thấy trong lịch sử Mỹ khi các công tố viên đặc biệt được chỉ định để cùng lúc điều tra cả Tổng thống đương nhiệm Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump.

Ông Robert Hur, luật sư từng làm việc cho chính quyền của ông Trump từ năm 2017-2021 đã được Bộ trưởng Merrick Garland “chọn mặt gửi vàng”. Ông Biden nói sẽ hợp tác với quá trình điều tra. Ông Hur được giao nhiệm vụ xác minh xem đã xảy ra tội nào trong quá trình xử lý các tài liệu mật hay không. Vì đây là những tài liệu có từ thời ông Joe Biden là cựu Phó Tổng thống dưới thời ông Barack Obama, do đó, chúng là tài sản của chính phủ liên bang căn cứ theo Đạo luật bảo vệ hồ sơ tổng thống.

Đây không phải lần đầu tiên trong vài tháng qua Bộ trưởng Garland phải chỉ định công tố viên đặc biệt. Ông Garland từng bổ nhiệm một người như vậy để điều tra việc giữ lại các tài liệu mật của cựu Tổng thống Donald Trump sau khi phát hiện chúng tại biệt thự riêng Mar-a-Lago.

Công tố viên đặc biệt trong trường hợp này sẽ được tạo điều kiện để làm việc riêng biệt nhưng không hoàn toàn độc lập với Bộ Tư pháp Mỹ để tránh những điểm không phù hợp trong các vụ việc có thể có xung đột lợi ích. Theo lý giải của Vox, quy định của Bộ Tư pháp sẽ buộc bộ trưởng cân nhắc việc chỉ định công tố viên đặc biệt khi việc điều tra hình sự với một người hay một việc đã được cấp phép và khi Bộ Tư pháp có thể rơi vào tình huống xung đột lợi ích nếu tự cơ quan này điều tra.

Chẳng hạn, nếu Bộ trưởng Tư pháp hay một thành viên nào đó của nhánh hành pháp bị điều tra, sẽ cần có các công tố viên đặc biệt. Hay trong những “tình huống đặc biệt”, kiểu như Tổng thống đương nhiệm bị điều tra, cũng cần có công tố viên đặc biệt. Khi công bố chỉ định công tố viên đặc biệt ngày 12-1, Bộ trưởng Tư pháp Garland đã nói vụ việc của ông Biden thuộc diện “những tình huống đặc biệt” như thế.

Hiện chưa rõ Tổng thống Biden đã có vi phạm nào không khi giữ các tài liệu mật bên ngoài cơ sở bảo mật liên bang và đây chính là chỗ công tố viên đặc biệt cần phải làm rõ. “Bất cứ khi nào các tài liệu mật được đưa tới những nơi không phải chỗ của chúng, sẽ luôn có cuộc điều tra về việc bằng cách nào chúng đã có mặt ở đó”, bà Kristy Parker, cựu lãnh đạo thuộc Bộ Tư pháp Mỹ nói.

Cũng phải nói thêm rằng sở dĩ trong vụ việc này Bộ trưởng Tư pháp không trực tiếp xử lý mà phải có một công tố viên đặc biệt là vì ông Garland từng được chính ông Joe Biden bổ nhiệm. Do đó, nếu ông phụ trách điều tra có thể có xung đột lợi ích. Đó cũng là lý do ông Garland quyết định chọn ông Hur - một luật sư không liên quan tới chính quyền của ông Biden. Tuy nhiên trước đây, chỉ tới khi ông Trump tuyên bố tái tranh cử Tổng thống năm 2024 - theo đó trở thành đối thủ chính trị của ông Biden, ông Garland mới bổ nhiệm công tố viên điều tra vụ hồ sơ mật.

“Tôi sẽ xử lý cuộc điều tra được giao bằng sự đánh giá công bằng, không thiên lệch và không thiên vị. Tôi sẽ theo sát các chứng cứ mau chóng và chính xác, không sợ hãi cũng như không ưu ái và sẽ tôn trọng niềm tin đã dành cho tôi để thực hiện công việc này”, CNN dẫn phát biểu của ông Hur ngày 12-1 sau khi được chỉ định làm công tố viên đặc biệt.

Khi tiến hành vụ điều tra hình sự, công tố viên đặc biệt có mọi quyền của một luật sư Mỹ như phát trát đòi tập hợp nhân chứng và tài liệu, ra lệnh cho các đặc vụ liên bang tiến hành các hoạt động điều tra và đề nghị tòa phát trát. Tuy nhiên, cũng có những giới hạn trong các quyền đó, chẳng hạn trong những quyết định lớn, công tố viên đặc biệt cần phải tham vấn trước với Bộ trưởng Tư pháp. “Mặc dù ông ấy sẽ làm việc độc lập với Bộ trưởng Tư pháp và không phải là nhân viên của cơ quan này nhưng ông ấy vẫn sẽ phải báo cáo công việc với Bộ trưởng Tư pháp. Rốt cuộc thì quyết định cuối cùng sẽ thuộc về Bộ trưởng Tư pháp về việc buộc tội hay khép lại cuộc điều tra”, bà Parker giải thích.

Dù quy định không bắt buộc phải công khai những đề xuất của công tố viên đặc biệt nhưng nếu Bộ trưởng Tư pháp không tán thành với những khuyến nghị đó, họ sẽ phải báo cáo lên Quốc hội sau khi cuộc điều tra đi đến kết luận và khi đó các nghị sĩ có thể công khai quyết định này.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
;
.
.
.
.
.