Các cuộc biểu tình của phong trào “áo vàng” bùng phát từ tháng 11-2018 ở vùng nông thôn nước Pháp, mục đích ban đầu nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế nhiên liệu để có tiền đầu tư cho kinh tế xanh. Làn sóng này lan rộng đến thủ đô Paris và nhiều thành phố khác ở Pháp để phản đối chính sách kinh tế của chính phủ mà người biểu tình cho là “mang lại lợi ích cho người giàu”.
Trong nỗ lực nhằm chấm dứt phong trào “áo vàng”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhượng bộ như: hủy kế hoạch tăng thuế nhiên liệu, tăng lương tối thiểu, không đánh thuế tiền làm thêm giờ và các khoản tiền thưởng cuối năm của người lao động... Nhưng những người “áo vàng” vẫn tiếp tục biểu tình và đưa ra các yêu sách khác, dù quy mô phong trào giảm rất nhiều. Hiện tại, yêu sách chính của những người biểu tình “áo vàng” là đòi Tổng thống Macron từ chức, đồng thời yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về “Sáng kiến công dân” (RIC) để người dân được trực tiếp tham gia nhiều quyết sách của chính phủ. Tuy nhiên, chính phủ Pháp bác bỏ yêu sách này.
Vấn đề đang được dư luận Pháp quan tâm là so với thời điểm cách đây 8 tuần, phong trào “áo vàng” giờ đây không còn dừng lại ở việc thể hiện sự giận dữ mà biến thành cuộc phản kháng đòi thay đổi xã hội Pháp. Đó là điều khiến tương lai của phong trào này sẽ diễn biễn rất phức tạp. Nhiều phần tử quá khích, cực đoan xâm nhập vào các cuộc biểu tình, kích động gây rối, cản trở các hoạt động công cộng; đập phá các cửa hàng, công sở; đốt phá các phương tiện trên nhiều tuyến đường ở trung tâm Paris; tấn công lực lượng an ninh…
Đáng chú ý, ngày 2-1, cảnh sát Pháp bắt giữ ông Eric Drouet - một trong những nhân vật chủ chốt kích động biểu tình. Ông Drouet bị bắt vì tổ chức biểu tình tại trung tâm thủ đô Paris mà không thông báo với nhà chức trách. Tháng 12-2018, giới chức Pháp phát lệnh bắt ông Drouet với tội danh “mang vũ khí cấm loại D” và sẽ đưa ra xét xử trong phiên tòa vào ngày 5-6 tới. Song, việc bắt giữ ông Drouet càng làm gia tăng sự phẫn nộ của phe “áo vàng” bởi họ có thể cho rằng, giới chức Pháp không có lý do chính đáng để bắt ông này.
Theo Bộ trưởng Nội vụ Christophe Castaner, các cuộc biểu tình đã thay đổi diện mạo theo hướng “cực đoan hóa” do “bạo lực ngày càng tăng và có tổ chức”. Ông Castaner nhấn mạnh, đến lúc cần đổi mới và tăng cường các biện pháp giữ gìn trật tự xã hội, đồng thời áp dụng các biện pháp đó một cách mềm dẻo hơn, linh hoạt hơn để ngăn chặn bạo lực.
Trong một tuyên bố mới đây, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhấn mạnh, không thể chấp nhận những kẻ quá khích lợi dụng trà trộn vào các cuộc biểu tình để cướp bóc và đốt phá. 80.000 nhân viên an ninh và cảnh sát trên cả nước sẽ được huy động nhằm đối phó với các cuộc biểu tình vào ngày 12-1. Chính phủ Pháp đang có kế hoạch dựa vào một đạo luật được Thượng viện thông qua ngày 23-10-2018, theo đó cho phép xây dựng hồ sơ những người bị cấm tham gia biểu tình. Thủ tướng Philippe còn nói rằng, nước này sẵn sàng trình lên Quốc hội dự luật mới nhằm siết chặt trừng phạt các đối tượng quá khích và những cuộc biểu tình không được thông báo trước với cơ quan chức năng.
Động thái của chính phủ Pháp trong việc bảo vệ an ninh trật tư và sự bình yên cho người dân đang được dư luận nước này hoan nghênh. Tuy nhiên, sự mạnh tay của chính phủ có thể dẫn đến những kịch bản khác, chẳng hạn: phong trào “áo vàng” vẫn được duy trì và tổ chức chặt chẽ hơn. Biển người “áo vàng” còn hiện diện trên đường phố thì chính phủ càng gặp nhiều bất lợi, nhất là đối với uy tín của Tổng thống Macron.
TUYẾT MINH