Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang dần mở cửa trở lại sau thời gian dài áp dụng lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn đại dịch Covid-19. Một vấn đề đặt ra là: EU làm thế nào để nhanh chóng khôi phục kinh tế, ổn định đời sống của người dân, trong lúc nội bộ chia rẽ, bất đồng về giải pháp phục hồi.
Hai đầu tàu của châu Âu là Đức và Pháp đều thiệt hại. Nền kinh tế Đức rơi vào suy thoái sau khi GDP trong quý 1-2020 giảm 2,2% so với quý 4-2019. Trong khi đó, nền kinh tế Pháp được dự báo chỉ tăng 0,1% trong quý 1 năm nay.
Pháp cùng Ý, Tây Ban Nha... nằm trong số những quốc gia có mức nợ cao nhất tại châu Âu. Việc chính phủ các nước này tăng chi tiêu mà không có sự hỗ trợ của EU có thể khiến thị trường sụp đổ. Ý và Tây Ban Nha đã đề nghị sự hỗ trợ từ các nước láng giềng giàu có và ít bị ảnh hưởng hơn bằng việc lập quỹ trái phiếu cho vay dài hạn (có tên gọi "trái phiếu Corona"), tức cơ chế gộp nợ chung nhằm hỗ trợ các quốc gia trong cuộc chiến chống Covid-19.
Cuối tháng 4, lãnh đạo 27 thành viên EU phê chuẩn các biện pháp khẩn cấp do nhóm sử dụng đồng tiền chung châu Âu đề xuất, với tổng trị giá 540 tỷ euro để hỗ trợ các nước gặp khó khăn. Lãnh đạo 27 nước cũng ủy thác cho Ủy ban châu Âu xây dựng kế hoạch “chấn hưng dài hạn”. Kế hoạch này với số tiền ước tính lên tới 1.500 tỷ USD, được gắn với ngân sách nhiều năm của EU giai đoạn 2021-2027. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cam kết làm bất kỳ điều gì cần thiết để giúp các nước thành viên vượt qua khủng hoảng, bao gồm chương trình trị giá 750 tỷ euro mua trái phiếu chính phủ cho các quốc gia cạn tiền mặt.
Đáng chú ý, Pháp và Đức đã đề xuất những trọng điểm cho quỹ tái thiết của khối trị giá 500 tỷ euro. Paris và Berlin cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải gia tăng năng lực nghiên cứu và triển khai vaccine, thuốc chữa bệnh trong khối EU; bên cạnh đó là dự trữ chiến lược chung về dược phẩm, thiết bị y tế, tăng cường kiểm soát đầu tư từ các nước bên ngoài khối vào các lĩnh vực chiến lược.
Giám đốc ECB, bà Christine Lagarde, hoan nghênh quỹ tái thiết nói trên và cho rằng đây là biểu hiện về sự tương trợ tài chính trong khối. Chuyên gia Lucas Guttenberg thuộc Trường quản trị Hertie ở Berlin (Đức) cũng nhận định, đây là hướng đi đúng nhằm tài trợ cho các khu vực bị ảnh hưởng Covid-19 thông qua các khoản nợ chung.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế ngắn hạn, nhiều nước và cả khối tung ra các khoản đầu tư khổng lồ chưa từng có, với hy vọng vực dậy nền kinh tế. Nhưng một vấn đề khác mang tính trung hạn và dài hạn, không kém phần quan trọng đối với EU là khủng hoảng khí hậu - môi trường. Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, giới hoạt động bảo vệ môi trường, giới kinh tế, giới chính trị của EU đã có nhiều vận động để kế hoạch chấn hưng kinh tế hậu Covid-19 phải gắn liền với nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Việc chuyển sang kinh tế xanh cũng được nhiều nhà khoa học coi như là con đường giảm nguy cơ thiên nhiên bị tàn phá, khiến nhiều loại virus nguy hiểm tấn công xã hội con người.
Thực tế, từ tháng 3 đến nay, châu Âu đã nỗ lực để tập trung giải quyết khủng hoảng đại dịch, nhưng không từ bỏ Thỏa thuận Xanh (Green Deal), mà EU đã tìm được sự đồng thuận một cách khó khăn về nguyên tắc hồi cuối tháng 12-2019.
Thủ tướng Đức Angela Merkel kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hành động vì không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được cuộc khủng hoảng Covid-19. Thực tế, châu Âu đang hành động. Song, sự chia rẽ giữa các thành viên EU về việc một phương hướng tổng thể là rào cản lớn của “lục địa già” trong kế hoạch tái thiết thời hậu Covid-19.
TUYẾT MINH