Trưa 17-6, tình hình biên giới Ấn Độ - Trung Quốc trở lại ổn định sau vụ đụng độ giữa binh lính hai nước làm hàng chục người thương vong vào đêm 15-6. Các chuyên gia cho rằng, hai bên đang cố gắng giải quyết tình hình.
Vụ đụng độ này là hệ quả của quá trình gia tăng căng thẳng ở biên giới Ấn Độ - Trung Quốc. Hai nước láng giềng có chung đường biên giới dài khoảng 4.000km này thỉnh thoảng vẫn xảy ra xung đột về chủ quyền lãnh thổ. Dù New Delhi và Bắc Kinh đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán nhằm giải quyết các tranh chấp nhưng chưa có kết quả.
Căng thẳng leo thang dẫn đến các cuộc đụng độ ở khu vực dãy Himalaya kể từ tháng 5 vừa qua khi Bắc Kinh cáo buộc New Delhi cho xây dựng các tuyến đường và sân bay trong khu vực tranh chấp mà phía Ấn Độ gọi là vùng Đông Ladakh, còn Trung Quốc gọi là Aksai Chin. Bắc Kinh kiên quyết phản đối các dự án xây dựng nói trên của nước láng giềng và cáo buộc New Delhi xâm phạm đường ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) chia tách giữa hai nước. Còn phía Ấn Độ lên án binh lính Trung Quốc xâm nhập trái phép lãnh thổ của mình.
Hôm 5-5, khoảng 250 binh sĩ hai nước đụng độ dữ dội bằng dùi cui, ném đá... ở khu vực hồ Pangong Tso và tiếp đó ở đèo Naku La ngày 9-5, làm 100 lính của cả hai phía bị thương. Đây là vụ đụng độ lớn đầu tiên dọc LAC kể từ cuộc đối đầu 73 ngày đêm giữa hai nước tại Doklam năm 2017. Trung Quốc tức tốc huy động hơn 5.000 binh sĩ sẵn sàng chiến đấu, thiết lập máy móc và lều trại ở biên giới. Ấn Độ cũng điều thêm 5.000 binh sĩ đến vùng Ladakh trên dãy Himalaya để chi viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc LAC.
Để giảm căng thẳng ở biên giới, Trung Quốc cùng Ấn Độ đã tiến hành các hoạt động ngoại giao và cuộc gặp tướng lĩnh cấp cao của quân đội ở biên giới. Ấn Độ yêu cầu Trung Quốc rút binh sĩ khỏi khu vực, trong khi Bắc Kinh đề nghị New Delhi ngừng xây dựng đường gần khu vực tranh chấp ở biên giới.
Tuy nhiên, lại xảy ra cuộc đụng độ lớn giữa quân đội hai nước ở biên giới vào ngày 15-6. Phía Ấn Độ thông báo có 20 binh lính nước này thiệt mạng, trong đó có một sĩ quan. Còn truyền thông Ấn Độ đưa tin có tới 43 quân nhân Trung Quốc thương vong. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cáo buộc binh sĩ Ấn Độ đã khiêu khích và tấn công quân nhân Trung Quốc, dẫn tới xung đột giữa hai bên. Trung Quốc đã phản đối và trao công hàm phản đối tới phía Ấn Độ.
Theo các nhà phân tích, vụ đụng độ hôm 15-6 dù gây nhiều thương vong nhưng không bùng phát thành xung đột lớn hơn. Đó là tín hiệu tích cực rằng, các cấp cao hơn của hai nước không muốn thổi bùng bất kỳ một kiểu chiến tranh nào.
Như vậy để thấy dù tình hình biên giới Ấn - Trung vẫn hết sức căng thẳng, nhưng có nhiều dấu hiệu chứng tỏ hai bên muốn hạ nhiệt, bởi vụ đụng độ nói trên là lời nhắc nhở đối với cả hai phía về hậu quả khôn lường nếu để căng thẳng vượt tầm kiểm soát. Song, có thể Ấn Độ sẽ thay đổi cách tiếp cận đối với Trung Quốc trong thời gian tới, nhất là khi Thủ tướng của quốc gia Nam Á này, ông Narendra Modi, chịu áp lực lớn từ đảng đối lập trong việc xem xét lại các cuộc đàm phán với Bắc Kinh.
TUYẾT MINH