Hôm nay, 250.000 học sinh toàn thành phố bước vào năm học mới 2018-2019, tăng 8.000 em so với năm học vừa qua. Đà Nẵng hiện có 405 trường từ tiểu học đến đại học và các trung tâm giáo dục thường xuyên, tăng 15 trường so với năm học trước. Vào năm học mới, điều giáo viên và phụ huynh mong mỏi nhất vẫn là các em được đến trường với thật nhiều niềm vui.
Thầy, cô giáo và học sinh Đà Nẵng hân hoan chào đón năm học mới 2018 - 2019. Ảnh: P.V |
Hôm nay, 250.000 học sinh toàn thành phố bước vào năm học mới 2018-2019, tăng 8.000 em so với năm học vừa qua. Đà Nẵng hiện có 405 trường từ tiểu học đến đại học và các trung tâm giáo dục thường xuyên, tăng 15 trường so với năm học trước. Vào năm học mới, điều giáo viên và phụ huynh mong mỏi nhất vẫn là các em được đến trường với thật nhiều niềm vui.
Chị Vũ Thị Vân Anh, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê): Yên tâm khi chưa đổi chương trình học
Trước thềm năm học mới 2018-2019, khi cả nước xôn xao việc đổi mới sách giáo khoa theo chương trình Công nghệ giáo dục khiến người dân hoang mang, học sinh lo lắng, thì tại Đà Nẵng, ngành giáo dục đã biết lắng nghe dư luận nên quyết giữ nguyên sách học truyền thống. Điều này được người dân đồng tỉnh ủng hộ. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng đã kịp thời chỉ đạo, khắc phục những thiếu thốn về cơ sở vật chất, bảo đảm ổn định trước năm học, giúp học sinh, phụ huynh yên tâm hơn.
Cô Trần Thị Thùy Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Sào Nam (quận Hải Châu): Cần quan tâm đến việc cộng điểm ưu tiên
Tôi mong muốn ngành giáo dục thành phố quan tâm hơn trong việc xét cộng điểm ưu tiên cho học sinh giỏi đoạt giải các cấp khi thi và xét tuyển vào trường THPT. Đồng thời, mong muốn các bậc phụ huynh tiếp tục quan tâm đến con em mình, qua đó hỗ trợ nhà trường hoàn thiện hơn trong vấn đề giáo dục các em.
Thầy Trương Đắc Định, giáo viên Trường THPT Trần Phú: Đổi mới trong thi cử và chính sách cho ngành sư phạm
Năm học 2018-2019, tôi kỳ vọng sẽ có sự đổi mới trong thi cử. Đề thi phải sát chương trình học, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh; đồng thời chấn chỉnh công tác quản lý thi cử để tạo sự công bằng, không xảy ra sự cố “Hà Giang” lần nữa. Ngoài ra, có một thực tế là do tác động về việc làm, thu nhập… dẫn đến một số bất cập về thi cử như: điểm vào các ngành y khoa, quân đội, công an khá cao, trong khi ngành sư phạm - cái nôi đào tạo những thầy giáo, cô giáo tương lai thì điểm thấp, bởi ngành sư phạm khi ra trường việc nhiều, lương ít nên chẳng mấy ai mặn mà. Tôi mong muốn có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút sinh viên vào ngành sư phạm, tăng chất lượng nguồn nhân lực cho ngành giáo dục sau này.
Học sinh Đà Nẵng khai giảng năm học mới. Ảnh: P.V |
Chị Võ Thị Minh Phương, phụ huynh học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh: Học sinh cần sân chơi bổ ích
Thời gian qua, việc học của học sinh THPT gặp nhiều áp lực, các em ít có sân chơi mới, bổ ích. Do đó, trong năm học 2018-2019, ngoài các môn học bắt buộc, môn học tự chọn giúp các con định hướng nghề nghiệp, mong rằng nhà trường tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghệ thuật, hoạt động khám phá, kỹ năng sống... để tạo sân chơi bổ ích, ý nghĩa giúp học sinh có ý thức vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, có thể tự giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống.
Anh Nguyễn Văn Tú, phụ huynh học sinh Trường tiểu học Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu): Dành thời gian cho các em học kỹ năng sống
Năm nay con tôi vào lớp 1, trường mới, thầy cô mới, bạn mới nên chắc hẳn không tránh khỏi những bỡ ngỡ. Tôi chỉ mong con nhanh chóng hòa nhập, làm quen với môi trường mới đòi hỏi tính tự lập cao so với bậc mầm non. Hiện nay, các con khi vào lớp 1 hầu như đã làm quen với mặt chữ từ lúc mẫu giáo. Vì thế, tôi nghĩ thầy cô sẽ không quá vất vả với việc dạy đánh vần cho các con nên tôi kỳ vọng nhà trường dành nhiều thời gian cho các con học kỹ năng sống. Làm sao để các con mỗi ngày đến trường là một ngày vui, đừng tạo áp lực, để những tâm hồn như tờ giấy trắng ấy in lên những điều tốt đẹp của cuộc sống, sau này trở thành những công dân tốt.
Chị Bùi Thị Thanh Hiền, phụ huynh học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn: Mong con đừng tự tạo áp lực
Năm nay, con tôi đậu vào lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Qua theo dõi, quan sát, tôi thật sự không lo lắng về sự “hà khắc” của môi trường giáo dục này dù các con phải học và thi rất nhiều. Điều tôi quan tâm là con quá mải mê với việc học. Nếu những gia đình khác luôn thúc ép con cái học hành, thì gia đình tôi dù rất tự hào về thành tích học tập của cháu vẫn luôn mong con học ít lại, dành thời gian vui chơi theo đúng lứa tuổi. Bây giờ vào trường chuyên, tôi lo sợ con tự tạo áp lực cho mình rồi căng thẳng, mệt mỏi. Tôi không đặt nặng thành tích cho con, chỉ cần con cố gắng hết mình, tiến bộ và con được làm những gì con yêu thích là tôi thấy hạnh phúc.
NGỌC HÀ-NGỌC PHÚ (ghi)