Không thể phủ nhận những tiện ích của công nghệ trong thời đại hiện nay, tuy nhiên, công nghệ phát triển nhanh và trẻ em có cơ hội tiếp cận sớm cũng tồn tại không ít rủi ro, nguy hại cho trẻ.
Tập huấn cho các em về cách bảo vệ bản thân trên Internet. |
Theo bà Phạm Thị Hoa, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo quận Sơn Trà cho biết, mạng xã hội (MXH) giúp các học sinh chia sẻ chuyện học tập, vui buồn trong cuộc sống, nhưng sau những giá trị tích cực ấy, môi trường mạng cũng tiềm ẩn những rủi ro, tác động tiêu cực đến trẻ em. Bên cạnh đó, không ít trẻ em trên môi trường mạng bị lôi kéo, lừa đảo bởi các đối tượng xấu.
Qua khảo sát “những trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng Internet” do Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số phối hợp cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện năm 2014 cho thấy, gần 36,5% số trẻ em trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực; hơn 13% buộc phải tiếp xúc không mong muốn với tài liệu khiêu dâm; gần 16% trẻ gặp hành vi dụ dỗ tình dục qua mạng; trong khi đó, 2% trẻ nhận được yêu cầu tiết lộ thông tin cá nhân, hình ảnh không mong muốn.
Trẻ em có thể bị tác động và ảnh hưởng tiêu cực từ những nguồn thông tin thiếu lành mạnh. Cho trẻ tiếp xúc với Internet là điều cần thiết, song vấn đề cần thiết hơn nữa chính là trang bị kỹ năng phòng vệ cho trẻ khi sử dụng mạng. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam có đến 63 triệu người dùng MXH, trong đó số tài khoản facebook là 48 triệu người. Hơn 1/3 trong số người sử dụng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên (15-24 tuổi).
Chị Nguyễn Lê Hồng Phúc, điều phối viên phụ trách dự án bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng của tổ chức Tầm nhìn Thế giới (World Vision) cho hay, việc cho phép trẻ làm quen với các thiết bị công nghệ và dạy trẻ sử dụng Internet là cần thiết. Ngăn cấm hoàn toàn trẻ sử dụng Internet cũng đồng nghĩa với việc ngăn trẻ hiểu biết xã hội, công nghệ và các ưu điểm của Internet mang lại. Tuy nhiên, phụ huynh nên trang bị cho con mình những nguyên tắc, kỹ năng cần thiết trước khi tiếp xúc với mạng như bảo mật thông tin cá nhân; suy nghĩ về hậu quả trước khi đăng, chia sẻ trên mạng…
“Các bậc phụ huynh cần áp dụng một số giải pháp nhằm bảo vệ con em mình: tìm hiểu những trang mạng và ứng dụng mà giới trẻ đang sử dụng; lắp các thiết bị truy cập Internet ở vị trí dễ quản lý; thiết lập chức năng tìm kiếm an toàn đối với công cụ tìm kiếm nhằm loại bỏ những kết quả không phù hợp với trẻ em; cài đặt một số công cụ lọc hoặc ngăn chặn những nội dung không phù hợp với trẻ em…”, chị Phúc chia sẻ
Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Nguyễn Đắc Xứng nhận định, để trẻ bớt lệ thuộc vào công nghệ, ngoài tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa, các sở, ngành địa phương cần mở thêm những lớp dạy kỹ năng sống, năng khiếu… Qua đó, trẻ có những trải nghiệm thực tế, dễ dàng thích nghi với mọi hoàn cảnh. Thời gian qua, quận Sơn Trà đã có nhiều mô hình được hình thành nhằm phục vụ tốt nhất cho trẻ em.
Cụ thể, chương trình vùng đô thị Sơn Trà do WB tài trợ với kinh phí gần 16,5 tỷ đồng đã góp phần tạo ra những kết quả rõ nét trong năm 2018 như mô hình CLB trẻ em tại trường học và cộng đồng đem đến lợi ích cho hơn 8.000 trẻ em trên địa bàn quận; mô hình sinh kế cải thiện thu nhập cho 167 hộ gia đình có trẻ em; mô hình Hướng nghiệp và đào tạo nghề (4E) cho 126 thanh-thiếu niên. Đặc biệt, dự án hỗ trợ giáo viên phối hợp với phụ huynh và các cơ quan đoàn thể phát hiện và kịp thời can thiệp, giúp các em tránh nguy cơ bị lạm dụng tình dục thông qua môi trường mạng.
Bài và ảnh: MAI QUẾ