Kiểm tra, thi trực tuyến: Giảm áp lực, tăng hứng thú

.

Trường THPT Trần Phú hiện là trường duy nhất trên địa bàn thành phố đang triển khai thí điểm việc kiểm tra, thi trên máy tính cho học sinh. Ghi nhận thực tế cho thấy, việc kiểm tra này giúp các em học sinh hào hứng, đồng thời giảm nhiều áp lực cho giáo viên.

Dịp hè năm học 2018-2019, Trường THPT Trần Phú thử nghiệm tổ chức kiểm tra, thi trên máy tính cho các lớp học nghề môn Tin học, khối 11. Đến đầu tháng 9-2019, tổ Tin học của trường cho chạy thử phần mềm thi, kiểm tra trắc nghiệm của Viettel này thêm một lần nữa để chuẩn bị thật tốt khâu kỹ thuật cho việc triển khai kiểm tra một tiết trên máy tính ở môn Tin học cho cả 3 khối lớp.

Theo kế hoạch, trong tháng 11 này, Tổ Tin học sẽ báo cáo kinh nghiệm trước Hội đồng nhà trường, tập huấn cho giáo viên các tổ khác cách sử dụng phần mềm để áp dụng kiểm tra trên máy tính ở tất cả các môn học. Thầy Huỳnh Quang Vũ, giáo viên phụ trách bộ môn Tin học cho biết, với một tiết kiểm tra trong 45 phút, tổ Tin học đã thiết kế đề kiểm tra với 40 câu hỏi theo đúng cấu trúc đề của Bộ GD-ĐT với các cấp độ: biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. “Trung bình mỗi câu hỏi, học sinh có một phút để trả lời, 5 phút còn lại chúng tôi dự phòng cho các trường hợp máy bị trục trặc kỹ thuật hoặc nghẽn mạng”, thầy Vũ cho hay.

Ghi nhận từ học sinh cho thấy, các em rất hào hứng với cách kiểm tra mới này. Trần Mỹ Ánh (lớp 10/7) cho biết: “so với kiểm tra trên giấy thì kiểm tra trên máy tính ban đầu chúng em chưa quen lắm, nhưng thích nhất là sau khi làm bài biết kết quả ngay”. Nhiều học sinh khối 11 khi được hỏi cũng cho rằng, đề kiểm tra trên máy tính cũng có giao diện rất đẹp, sinh động hơn đề kiểm tra được in trên giấy nên khi làm bài, tâm lý cũng sẽ thoải mái hơn. Trong quá trình làm bài kiểm tra, nếu phát hiện mình làm sai thì chỉ cần một cái click chuột là xong, không phải tẩy xóa nhiều như ở trên giấy.

Cái được lớn nhất của việc kiểm tra trên máy tính, theo các giáo viên chính là giảm tải được khâu ra đề và khâu chấm bài. Theo thầy Huỳnh Quang Vũ, phần mềm được thiết kế bằng tiếng Việt tương đối thuận tiện trong sử dụng. Giáo viên được hỗ trợ khá nhiều trong việc biên soạn đề vì phần mềm đã có sẵn form theo đúng cấu trúc đề của Bộ GD-ĐT, việc đảo mã đề cũng rất thuận tiện. Giáo viên không phải nhập điểm vào file... Theo cô Hồ Thị Thảo Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú, việc kiểm tra, thi trên máy tính số lượng câu hỏi vẫn bảo đảm như kiểm tra trên giấy, đồng thời tránh được gian lận. Kiểm tra xong học sinh biết ngay điểm của mình, đồng thời tự kiểm tra lại mình sai đâu để rút kinh nghiệm.

Còn về phía giáo viên sẽ biết được thống kê phổ điểm đề kiểm tra của mỗi lớp. “Hiện nhà trường hiện đang đầu tư 1 phòng máy mới để đưa các môn vào kiểm tra, sau thời gian thí điểm”, cô Nguyên cho hay.
Theo ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng, việc thực việc thí điểm kiểm tra, thi trên máy tính tại Trường THPT Trần Phú là phù hợp với xu thế. “Ngành giáo dục khuyến khích các trường, các bộ môn có có điều kiện thì kiểm tra trên máy tính. Với cách kiểm tra trực tuyến trên máy tính, công tác kiểm định chất lượng chính xác, thực chất hơn”, ông Linh khẳng định.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.