Năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM) sẽ được áp dụng từ lớp 1, các năm tiếp theo sẽ áp dụng từ lớp 2 cho đến lớp 12. Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Mai Tấn Linh (ảnh) cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị cho chương trình đang được ngành giáo dục thành phố khẩn trương triển khai.
* Ông cho biết điểm khác biệt giữa chương trình GDPTM và chương trình phổ thông hiện hành?
- Chương trình GDPTM chuyển dạy học truyền thụ kiến thức một chiều sang giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực; bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học thông qua nội dung giáo dục và những kiến thức, kỹ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại, hài hòa trí - đức - thẩm mỹ, chú trọng thực hành, vận dụng kiến thức, kinh nghiệm đã học để giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống; có sự tích hợp cao ở các lớp học dưới, phân hóa dần các lớp học trên; thông qua các phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh.
Chương trình này mang tính “pháp quy”, có nhiều bộ SGK, nhiều nhóm tác giả và mỗi địa phương có thể lựa chọn, đặt hàng SGK để dạy phù hợp với từng địa phương; chương trình có hướng mở; các môn học cũng có sự thay đổi. Cụ thể, ở bậc tiểu học, môn Tin học, Ngoại ngữ bắt buộc đối với các lớp 3, 4, 5; tổ chức dạy 2 buổi/ngày (25 tiết thành 30 tiết/tuần).
Đối với bậc THCS học bắt buộc 10 môn: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Khoa học tự nhiên (mới), Lịch sử và Địa lý (mới), Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật). Đối với bậc THPT học bắt buộc 5 môn: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Giáo dục thể chất, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật.
Đối với việc học tự chọn, môn tự chọn có thêm các môn Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật. Và việc học tự chọn sẽ là sự lựa chọn của 1 trong 3 nhóm: Nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Như vậy, đã có sự cấu trúc, thay đổi giữa các môn học trong chương trình mới để giúp học sinh phát triển toàn diện, đồng thời, giảm tải phần học lý thuyết của một số môn học của chương trình hiện hành...
* Để chuẩn bị cho chương trình, ngành GD-ĐT thành phố đã chuẩn bị như thế nào về con người, cũng như cơ sở vật chất?
- Nhân tố quyết định thành công của chương trình là đội ngũ giáo viên. Đội ngũ này cần nắm chắc chương trình phổ thông, biết đổi mới tư duy, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. Vì vậy, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã triển khai nhiều đợt tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán.
Một điểm rất mới về công tác bồi dưỡng giáo viên là Bộ GD-ĐT giao cho các trường đại học phối hợp với các địa phương, ứng dụng CNTT kết hợp bồi dưỡng tập trung và bồi dưỡng qua mạng; tăng cường việc tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên.
Hiện tại, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) đã tổ chức bồi dưỡng giáo viên cốt cán cho thành phố Đà Nẵng. Theo đó, các nội dung được giáo viên tiếp thu trong các buổi tập huấn gồm: Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018; chương trình các môn học và hoạt động trải nghiệm; xây dựng kế hoạch dạy học phát triển năng lực học sinh.
Sau đợt tập huấn, bồi dưỡng, các giáo viên tham dự sẽ đạt được các yêu cầu như: Có khả năng phân tích được chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018 về tư tưởng chủ đạo và quan điểm phát triển chương trình, những đặc trưng của chương trình giáo dục phổ thông về phẩm chất và năng lực, tích hợp và phân hóa, hướng nghiệp; linh hoạt trong định hướng về phương pháp giáo dục và kiểm tra đánh giá; xây dựng được kế hoạch hướng dẫn đồng nghiệp tại đơn vị và địa phương...
Bắt đầu từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được áp dụng cho lớp 1. (Ảnh chụp tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu) |
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT tăng cường kiểm tra, đôn đốc giám sát các trường đại học sư phạm được giao bồi dưỡng. Sở GD-ĐT thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) giám sát giáo viên được bồi dưỡng, bảo đảm chất lượng để làm cốt cán bồi dưỡng lại cho giáo viên.
Đồng thời, Sở GD-ĐT tham mưu cho thành phố các đề án mua sắm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; kế hoạch tuyển dụng giáo viên để đáp ứng giảng dạy chương trình mới; kế hoạch thực hiện chương trình GDPTM trong đó có biên soạn chương trình giáo dục địa phương; phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí để tuyên truyền chủ trương đối với GDPTM đến toàn xã hội, nhất là phụ huynh học sinh để có nhận thức đúng và đồng hành cùng ngành giáo dục thành phố thực hiện có hiệu quả chương trình.
* Ông có thể chia sẻ những thuận lợi, khó khăn của ngành trong quá trình chuẩn bị cho chương trình GDPTM?
- Về thuận lợi, đó là sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, sự đầu tư kinh phí của UBND thành phố để xây dựng, mở rộng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý; một thuận lợi rất quan trọng là giáo viên đã tiếp cận dần các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học mới, theo hướng mở từ các năm học trước như: Chương trình VNEN, phương pháp dạy học Mỹ thuật của Đan Mạch, phương pháp “Bàn tay nặn bột”, “dạy học dựa trên dự án”; “Hoạt động trải nghiệm sáng tạo”, hoạt động nghiên cứu khoa học…
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những khó khăn nhất định. Đó là sức ỳ tâm lý của một bộ phận giáo viên, ngại đổi mới; tâm lý phụ huynh học sinh còn nặng về thành tích học tập, về điểm số, chưa chú trọng đến giáo dục kỹ năng sống, hành vi ứng xử, giao tiếp của học sinh; khả năng tự học của học sinh chưa được tốt, phụ thuộc việc học thêm nhiều; cơ sở vật chất trường học chưa tương thích với yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đặc biệt, nguồn lực tuyển giáo viên là một trong những vấn đề khó khăn khi thực hiện chương trình GDPTM tại thành phố Đà Nẵng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn thành phố có sự đầu tư mạnh mẽ hơn nữa về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; đặc biệt, nên có chính sách hỗ trợ cho giáo viên, giáo viên tại các địa bàn khó khăn yên tâm công tác.
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC PHÚ thực hiện