Nhiều điểm mới trong quy chế tuyển sinh đại học năm 2020

.

ĐNO - Sáng 8-5, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2020. Theo quy chế tuyển sinh năm 2020 công bố tại hội nghị, có một số điểm điều chỉnh so với quy chế tuyển sinh năm 2019 nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào.

Thí sinh tại kỳ thi THPT năm 2019. Ảnh: NGỌC HÀ
Thí sinh tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: NGỌC HÀ

Về đối tượng, Quy chế tuyển sinh 2020 áp dụng cho các loại hình đào tạo trình độ đại học, cao đẳng gồm: Đào tạo chính quy; Vừa học vừa làm; Liên thông; Đào tạo cho người đã có bằng đại học; Tuyển sinh đào tạo đặt hàng; Tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non. Như vậy, năm nay các trường đào tạo sư phạm sẽ không tuyển sinh trình độ trung cấp sư phạm, chỉ tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non.

Quy chế tuyển sinh 2020 cũng quy định các bài thi/môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo; không sử dụng nhiều hơn 4 tổ hợp bài thi/môn thi để xét tuyển cho một ngành. Người đứng đầu cơ sở đào tạo chịu trách nhiệm giải trình về quy trình, cơ sở xác định tổ hợp tuyển sinh.

Đặc biệt, quy chế tuyển sinh 2020 quy định tiêu chí áp dụng cụ thể với các loại hình tuyển sinh, lưu ý ở phương thức xét tuyển học bạ, nhất là đối với các ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe. Cụ thể, nếu thí sinh đăng ký sử dụng kết quả học tập để xét tuyển vào các ngành Y khoa, Y học cổ truyền, Răng - Hàm - Mặt, Dược thì điểm học bạ trung bình tối thiểu là 8,0 trở lên. Đối với các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng tối thiểu là 6,5 trở lên.

Đối với các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên, xét tuyển trình độ đại học dựa trên tổ hợp các môn học ở THPT thì học sinh đã tốt nghiệp THPT phải có học lực lớp 12 xếp loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên…

Quy chế tuyển sinh 2020 cũng làm rõ quyền và nhiệm vụ của các trường đối với việc tổ chức tuyển sinh sử dụng hoặc không sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để sơ tuyển, xét tuyển; sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh… Tất cả các trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh các hình thức đào tạo trên trang thông tin điện tử của trường trước 15 ngày tính đến ngày thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển và cập nhật điều chỉnh thông tin (nếu có) tại các thời điểm tuyển sinh. Đồng thời, quy định các cơ sở giáo dục đại học muốn tổ chức thi riêng cần đáp ứng một số điều kiện cụ thể.

Phát biểu tổng kết hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, quy chế tuyển sinh 2020 được xây dựng dựa trên những ý kiến đóng góp, rút kinh nghiệm từ quy chế tuyển sinh 2019 và bổ sung một số nội dung phù hợp với tình hình thực tế nhằm tạo thuận lợi nhất cho các trường và thí sinh trong công tác tuyển sinh.

“Năm nay, các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ rất lớn trong việc quyết định phương thức tuyển sinh theo Nghị định 99/2019/NĐ-CP nhưng đi kèm theo đó là trách nhiệm giải trình và nâng cao chất lượng. Các cơ sở giáo dục đại học phải thực hiện trách nhiệm công khai minh bạch (đăng đề án tuyển sinh lên trang thông tin điện tử của trường), trách nhiệm giải trình với xã hội về chất lượng nguồn tuyển cũng như chất lượng đào tạo dù sử dụng phương thức tuyển sinh nào. Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, đào tạo”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Theo Đại học Đà Nẵng, đơn vị cũng đã thông tin về các phương án tuyển sinh năm 2020. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế tuyển sinh đại học 2020, trên cơ sở đó, Đại học Đà Nẵng sẽ thông tin chi tiết về mỗi phương thức xét tuyển, chỉ tiêu từng ngành, dự kiến công bố trong tháng 5-2020.

NGỌC HÀ

;
;
.
.
ngành kiến trúc học gì Cùng mình tìm hiểu nhé!
.
.
.